Thứ 3, 24/12/2024 17:50 [(GMT +7)]
Sự học ở xã "ba nhất"
Thứ 2, 05/07/2010 | 08:51:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Xã Khánh Long (Tràng Định) thường được gọi là xã “ba nhất”: xa nhất, tỷ lệ đói nghèo cao nhất và…khó khăn nhất. Để có thể “xóa” dần những “cái nhất”, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây đã quan tâm đến sự học và coi đó là “ chìa khóa” để phát triển.
Coi trọng sự học
Từ mấy kỳ nghỉ hè gần đây, trường PTCS trung tâm xã không có cái vắng vẻ thường thấy. Trong không khí oi nồng của buổi sáng mùa hè, phòng học trên tầng 2 của khu nhà học mới xây, vẫn vang tiếng thầy giáo môn văn ôn lại những kiến thức cơ bản cho 13 học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 bậc THPT. Thầy giáo Nông Văn Lâm, Hiệu trưởng nhà trường cho chúng tôi biết: “Trong những năm học gần đây, Khánh Long liên tục có học sinh trúng tuyển vào lớp 10 tại trường huyện. Năm học 2009-2010, toàn xã có 7 học sinh tốt nghiệp THCS, 6 em thi vào trường THPT Tràng Định và đã trúng tuyển 100%”.
Lớp học mầm non ở Khánh Long |
Là một xã chỉ có 180 hộ dân gồm đồng bào Dao và Mông chiếm đến 90% dân số, lại xa trung tâm huyện trên 50km đường qua rừng núi, những năm trước đây, người dân Khánh Long không coi trọng sự học, mà chỉ quan tâm đến phát nương làm rẫy. Thiếu kiến thức làm ăn, sản xuất theo tính chất tự cung tự cấp, nên tỷ lệ hộ đói nghèo rất cao. Nhờ công tác tuyên truyền và do sức lan tỏa của sự giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các vùng miền, nên quan niệm về sự học của người dân đã dần thay đổi. Trong 5 năm trở lại đây, trường PTCS của xã đã có đủ 3 cấp học từ bậc mầm non đến THCS. Khắc phục khó khăn về địa hình và giao thông giữa các thôn bản và trung tâm xã, nhân dân đã cùng nhau dựng lều lán để con em có thể ở lại trường học theo tính chất “nội trú dân nuôi”. Vì vậy, các thầy cô giáo có thể sắp xếp học 2 buổi/ ngày, lấy “cần cù bù thông minh”, khắc phục những bất cập về nhận thức. Vì vậy địa phương vẫn duy trì kết quả phổ cập THCS từ năm 2006; hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi từ năm 2007.
Các giải pháp kích thích phát triển giáo dục
Trong giáo dục, CSVC nhà trường và đội ngũ giáo viên được coi là những yếu tố quyết định. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Khánh Long đã được đầu tư khá đồng bộ về phòng học cho các cấp học. Với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà học 2 tầng với 6 phòng kiên cố, đến nay địa phương đã có 13/16 phòng học được kiiên cố hóa, đảm bảo các điều kiện cho học sinh học tập.
Để ưu tiên GD vùng cao, ngành GD Tràng Định đã phân công đội ngũ giáo viên trẻ, chuẩn về nghề nghiệp và nhiệt tình, kiên trì “bám trụ”, nhiều thầy cô giáo đã hy sinh những năm tháng tươi trẻ nhất của cuộc đời cho giáo dục vùng cao Khánh Long và bù lại có được những lứa công dân tương lai có thể làm thay đổi cuộc sống khó khăn nơi đây.
Khu nhà bán trú dân nuôi |
Tuy nhiên, đối với giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, 2 yếu tố đó “cần” nhưng chưa “đủ”. Quyết định 112/ QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã thực sự là “cứu cánh” cho giáo dục vùng cao nói chung và giáo dục Khánh Long nói riêng. Trong 2 năm qua đã có trên 70% số học sinh Khánh Long được hưởng chính sách trợ cấp đi học. Được trợ cấp tiền, cung cấp SGK, giấy vở, học phẩm, người dân không còn lo lắng mỗi khi năm học mới bắt đầu, và như vậy tỷ lệ huy động học sinh đến lớp cao hơn; tình trạng bỏ học do hoàn cảnh gia đình đã chấm dứt.
Trường mới với các công trình phụ trợ như sân chơi bãi tập, nhà vệ sinh sạch sẽ theo hướng thân thiện; đội ngũ thầy cô giáo tận tâm và hết lòng thương yêu học sinh; đi học được tiền… đã có tác dụng rất tích cực để học sinh lĩnh hội kiến thức, rèn luyện đạo đức và ngày càng mạnh dạn trong giao tiếp xã hội. Là một trường vùng dân tộc, song phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT luôn sôi động và thuộc diện “có thứ hạng” của ngành GD Tràng Định.
Tuy vậy, sự học ở Khánh Long cũng còn những khó khăn, số lớp ghép chiếm 100% ở bậc tiểu học khiến cho việc truyền thụ kiến thức hạn chế hơn vì sự “khập khiễng” trong các độ tuổi trong phòng học. Do chưa được đầu tư xây dựng nhà “nội trú dân nuôi” nên điều kiện ăn ở sinh hoạt của học sinh rất thiếu thốn và tạm bợ, nhiều khi đứng trước nguy cơ bị tai nạn thương tích sinh hoạt hoặc thiên tai. Số lượng học sinh địa phương tốt nghiệp THPT được vào các trường ĐH-CĐ theo chế độ cử tuyển rất thấp, gây nản lòng các vị phụ huynh. Nếu những vấn đề trên được giải quyết kịp thời chắc chắn sự học ở Khánh Long sẽ bền vững và hy vọng địa phương sẽ giải quyết bài toán phát triển từ giáo dục để từng bước “thanh toán” những “cái nhất”.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()