Sự học nơi vùng đất địa đầu
Học sinh chuẩn bị các dụng cụ thí nghiệm thực hành tại cuộc thi thí nghiệm thực hành cấp THPT năm 2016 |
Chính sách giáo dục đặc thù
Chủ trương đẩy mạnh giáo dục Nho giáo ở các tỉnh miền núi, trong đó có Lạng Sơn nhằm mục đích đào tạo quan lại tại địa phương được thực hiện dưới triều Minh Mệnh. Với chủ trương xóa bỏ chế độ Thổ quan thế tập, triều đình đã thực hiện bổ nhiệm quan lại người Kinh ở các tỉnh miền xuôi lên cai trị. Tuy nhiên, việc đào tạo quan lại tại chỗ vẫn được quan tâm. Bằng chứng là năm 1838, nhà vua cho phép các quan tuần phủ, bố chính, án sát các tỉnh xét con em dòng dõi Thổ quan (hoặc cả dân thường) trong Hạt, không cứ phải đỗ thi Hương (Tú tài, Cử nhân), mà chọn những người thông minh lanh lợi cho về Kinh học tại Quốc tử Giám. Họ được xem ngang các cống sinh miền xuôi và được hưởng mọi trợ cấp về tiền, gạo, dầu đèn để ăn học. Vài năm sau, họ không cần phải thi Hội và thi Đình cũng được bổ nhiệm về địa phương; những người này được gọi là Thổ tri phủ, Thổ tri châu, hoặc Thổ tri huyện và được phong hàm Tòng thất phẩm (chức phó quan thất phẩm).
Với chính sách trên mà ngày nay chúng ta gọi là “cử tuyển”, dưới các triều đại phong kiến nhà Nguyễn, Lạng Sơn đã có nhiều quan lại là người địa phương. Đây là một chính sách ưu tiên đặc biệt mang tính đặc thù để đào tạo nguồn nhân lực cho miền núi, vùng dân tộc ít người.
Thực hiện chính sách cử tuyển của Đảng và nhà nước, trong những năm qua, đặc biệt là 30 năm đổi mới, Lạng Sơn đã có hàng ngàn lượt học sinh là con em đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn được vào các trường đại học mà không qua thi tuyển. Khi tốt nghiệp ra trường, họ được phân công về làm việc tại địa phương, nơi họ được cử đi học. Hiện nay, đội ngũ cử tuyển đã trở thành những cán bộ nòng cốt tại các xã vùng đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Hình thức giáo dục linh hoạt
Cũng vào năm 1838, vua Minh Mệnh xuống dụ cho đặt chức Tổng giáo trông nom việc giáo dục ở mỗi châu phủ miền núi của các tỉnh thượng du Bắc Kỳ, trong đó có Lạng Sơn. Do tình hình giáo dục miền núi chưa phát triển, nên không cần có nhà học, mà quan có thể tùy ý chọn nhà dân để dạy học; đối tượng học trò không phân biệt con thổ hào hay bình dân đều được đến học. Ở những vùng chưa có chức Tổng giáo (quan phụ trách giáo dục), thì việc học do viên quan đứng đầu phủ, huyện, châu kiêm chức. Hằng năm, nhà vua cho in lại các bộ sách kinh điển về Nho giáo phát cho các tỉnh miền núi để làm sách giáo khoa.
Thời nào cũng vậy, việc học hành, nâng cao dân trí cho người dân luôn được người đứng đầu chính quyền quan tâm chăm lo. Vào thời Lê, Ngô Thì Sĩ trấn thủ Lạng Sơn đã dạy lễ nghĩa cho người dân theo sách vở Nho giáo, ông được nhân dân nhớ ơn và lập đền thờ. Thân Công Tài, một Thổ tri châu vừa có công mở mang Kỳ Lừa thành trung tâm giao lưu thương mại của Lạng Sơn, vừa quan tâm đến chuyện học hành để mở mang dân trí.
Sự học phát triển, vùng đất Lạng Sơn đã xuất hiện những dòng họ hiếu học và từ sự học, truyền thống vẻ vang của dòng họ đã được phát huy, con cháu thành đạt. Điển hình là dòng họ Vi ở Bản Chu (Lộc Bình) với các tên tuổi lớn như: Vi Văn Mật cùng con là Vi Phúc Nam đã có công phò Lê Lợi chống giặc Minh, được phong Thảo lỗ Tướng quân tả Đô đốc. Con cháu đời sau là Vi Thế Thân có công phù Lê chống Mạc được phong chức tước và phong ấp Lộc Mã, châu Lộc Bình (khu vực xã Tú Đoạn ngày nay). Các thế hệ nối tiếp đều làm quan to như: Vi Văn Lý, Tổng đốc Lạng Sơn; Vi Văn Định, Tổng đốc Thái Bình.
Sự phát triển vượt bậc về giáo dục
Kỷ niệm 185 năm ngày thành lập tỉnh, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn nhìn lại và tự hào về bước phát triển mạnh mẽ và sự đa dạng của các loại hình giáo dục. Từ một nền giáo dục nô dịch, lệ thuộc của thực dân Pháp, năm 1946, cùng với cả nước, Lạng Sơn bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ cũng là tạo dựng một nền giáo dục mới phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Bảy mươi năm dưới nền giáo dục cách mạng, giáo dục Lạng Sơn đã có những bước tiến nhảy vọt về độ bao phủ cũng như chất lượng giáo dục. Kết thúc năm học 2015-2016, Lạng Sơn có 739 đơn vị trường học từ cấp học mầm non đến chuyên nghiệp với 184.421 học sinh sinh viên (HSSV) và 21.183 cán bộ giáo viên, nhân viên.
Giáo dục dân tộc được quan tâm với 104 trường. Chính sách đối với học sinh người dân tộc được cụ thể hóa bằng việc thực hiện đầy đủ chế độ cho người học như: hỗ trợ tiền ăn, tiền ở, hỗ trợ gạo. Cùng với đó, giáo dục thường xuyên được mở rộng với 2 trung tâm cấp tỉnh, 9 trung tâm cấp huyện và 226 Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã. Những trung tâm này không chỉ tạo điều kiện cho mọi người học tập, cập nhật kiến thức, mà còn đào tạo, bồi dưỡng nghề cho người lao động, phổ cập giáo dục theo các tiêu chuẩn quy định. Đến nay, toàn tỉnh vẫn giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập từ cấp học mầm non đến THCS và đang từng bước trên con đường phổ cập THPT.
Năm 2017, ngành GD&ĐT Lạng Sơn sẽ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Chúng ta tự hào đã nối tiếp truyền thống giáo dục từ những thế kỷ trước; chọn lọc những tinh hoa về tư tưởng, đúc kết những kinh nghiệm từ cha ông để làm nên một nền giáo dục toàn dân, toàn diện; nâng cao chất lượng, đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập.
Ý kiến ()