Sử dụng vốn ưu đãi: Hiệu quả ở thị trấn Chi Lăng
LSO - Hiện nay, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng chỉ còn 152 hộ nghèo trong tổng số 1.374 hộ dân, rất nhiều hộ đã vươn lên sản xuất, kinh doanh khá, giỏi, cải thiện và nâng cao đời sống. Đây là kết quả từ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi trong những năm qua.
LSO – Hiện nay, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng chỉ còn 152 hộ nghèo trong tổng số 1.374 hộ dân, rất nhiều hộ đã vươn lên sản xuất, kinh doanh khá, giỏi, cải thiện và nâng cao đời sống. Đây là kết quả từ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi trong những năm qua.
Người dân thị trấn Chi Lăng chăm sóc vườn cây thanh long
Đến thôn Chiến Thắng, mặc dù nắng đã lên quá đỉnh đầu, nhưng người dân vẫn còn đang bận rộn: người chăm sóc na, người đang chăn đàn lợn… Phong trào thi đua lao động sản xuất ở đây rất phát triển, nhất là từ năm 2007 trở lại đây. Một trong những động lực giúp người dân phát triển kinh tế như vậy là nguồn vốn được vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Bà Lê Thị Hiếu, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Chiến Thắng chia sẻ: “Riêng tổ vay vốn của tôi có 45 tổ viên, số dư vốn vay hàng năm luôn có trên 1,150 tỷ đồng, gồm vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và giải quyết việc làm. Ngay sau khi có các chương trình vốn cho vay cách đây chục năm, người dân thôn đã được tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, mạnh dạn vay, mạnh dạn đầu tư thì mới cách đây khoảng 5-6 năm. Các hộ vay vốn đã đầu tư trồng na, chăn nuôi lợn và trồng các cây ăn quả khác. Từ sử dụng vốn, tổ của tôi đã thoát nghèo từ 3-5 hộ/năm, điển hình như hộ Lý Văn Kỹ thoát nghèo năm 2012, hộ Nguyễn Bích Vân thoát nghèo năm 2011… Hiện nay, thôn vẫn còn nhiều người dân có nhu cầu vay vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt…
Không chỉ các hộ dân ở thôn Chiến Thắng sử dụng vốn năng động, có hiệu quả, hăng hái chăn nuôi, trồng trọt, mà cả 11 thôn của thị trấn đều phát triển mạnh mẽ phong trào sản xuất như vậy. Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn không ngừng tăng trưởng. Từ vài tỷ đồng trước năm 2010, đến nay tổng dư nợ trên địa bàn đã đạt xấp xỉ 15 tỷ đồng. Nguồn vốn này được sử dụng vào chăn nuôi lợn, gia cầm, trồng rừng, cây ăn quả…, trong đó 80% vốn vay được đầu tư vào trồng mới và chăm sóc cây na. Nhờ có vốn, sản xuất thuận lợi, cây na đem lại thu nhập ngày càng khá hơn cho người dân nơi đây. Hộ trồng ít na cũng có thu nhập 30-40 triệu đồng/vụ, nhiều hộ có nguồn thu từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng/vụ. Những hộ điển hình vươn lên thoát nghèo và có kinh tế khá giả từ những đồng vốn vay về trồng na như: hộ chị Lương Thị Hòa, thôn Lân Bông; Phí Văn Hồng; thôn Minh Hòa; Lương Văn Huấn, thôn Cây Hồng…
Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy phong trào phát triển sản xuất ở thị trấn Chi Lăng. Trong 3 năm nay, đời sống của người dân ở các thôn đều nâng cao rõ rệt, hộ khá, giàu tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm: năm 2012 có 271 hộ nghèo, năm 2013 có 229 hộ nghèo và đợt rà soát vừa qua chỉ còn 152 hộ nghèo. Để có hiệu quả sử dụng vốn như vậy, ông Tuấn cho biết thêm: những năm qua, cấp ủy, chính quyền rất quan tâm công tác quản lý vốn. Trước hết là chỉ đạo các thôn, tổ chức hội thực hiện bình xét đối tượng vay công khai, dân chủ để cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích. Sau tín chấp vốn, các tổ tiết kiệm và vay vốn phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ vay. Nếu hộ vay sử dụng không đúng mục đích, hay gặp rủi ro, khó khăn phải xem xét, xử lý kịp thời để tạo điều kiện cho các hộ sử dụng tốt vốn, yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên để nâng cao ý thức, trách nhiệm sử dụng vốn của hộ dân. Với cách quản lý vốn như vậy, trong những năm qua, dư nợ vốn tăng cao, hộ sử dụng vốn nhiều, nhưng hầu như không có nợ quá hạn, chấp hành trả nợ, trả lãi đúng kỳ giao dịch. Trong năm 2013, thị trấn được vay thêm 1,5 tỷ đồng vốn hộ cận nghèo. Đây là động lực mới cho người dân vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế. Dự định năm mới, dư nợ chương trình vốn này sẽ tiếp tục tăng trưởng. Với dư nợ tiếp tục tăng, thị trấn sẽ tăng cường hơn công tác quản lý vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong phong trào phát triển sản xuất của người dân.
Bài, ảnh: Lâm Như
Ý kiến ()