Sử dụng vốn Nhà nước phải bảo đảm hiệu quả, minh bạch
Hôm qua, 11-11 là ngày làm việc thứ 19 của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII. Buổi sáng, QH làm việc tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Ðề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.
Không lãng phí vốn Nhà nước
Thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nhiều đại biểu quan tâm, góp ý đối với điều 5 quy định cụ thể các nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng đồng thời bảo đảm doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước hoạt động bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của Hiến pháp. Ðại biểu Ðỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị cân nhắc bỏ nguyên tắc: Cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp. Bởi vì, đối với doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ , để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát vốn nhà nước trong nhiều trường hợp, các cơ quan quản lý nhà nước phải can thiệp kịp thời vào hoạt động quản lý điều hành. Ðại biểu Trương Văn Vở (Ðồng Nai) và một số đại biểu khác đề nghị, nên quy định cụ thể cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của nhà nước. Ðây chính là điều kiện bảo đảm kinh doanh sản xuất có hiệu quả, bảo tồn, bảo toàn, gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, phòng, chống thất thoát, lãng phí vốn nhà nước. Có đại biểu đề nghị, dự thảo luật nên bổ sung quy định các doanh nghiệp không được dùng vốn nhà nước để đầu tư ngoài ngành, gây thất thoát, lãng phí và không thể kiểm soát được.
Những quy định về đại diện chủ sở hữu nhà nước là nội dung được các đại biểu QH quan tâm phát biểu ý kiến. Một số ý kiến nhất trí việc nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Qua đó, thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn doanh nghiệp nhà nước, tăng cường trách nhiệm của cá nhân và tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
Các đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Ðinh Văn Nhã (Phú Yên) và một số đại biểu khác đề nghị bỏ cụm từ “sản xuất, kinh doanh” trong tên gọi của luật, vì vậy luật này nên gọi tên là: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Như vậy sẽ bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu và phù hợp thực tế tình hình kinh tế nước ta.
Khẩn trương đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Thảo luận tại tổ về Ðề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình cho rằng, cần phải nhanh chóng thực hiện chương trình đổi mới SGK phổ thông, chỉ nên trong ba cấp tiểu học, THCS và THPT. Mục tiêu là làm sao có một bộ sách giáo khoa chuẩn để phù hợp thực tế và phục vụ hội nhập.
Ðể đổi mới chương trình SGK, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) và một số đại biểu khác đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, rà soát từ đó lược bỏ những kiến thức không cần thiết trong SGK hiện nay. Ðồng thời cần tăng số giờ học về đạo đức và giờ học thể dục thể thao cho học sinh. Ðổi mới chương trình SGK nên được đưa ra lấy ý kiến của phụ huynh học sinh, các thầy giáo, cô giáo, các chuyên gia trong ngành. Một số đại biểu mong muốn, SGK phải được xây dựng liên tục từ cấp tiểu học đến THPT, bảo đảm quá trình phát triển trí tuệ cho các bạn trẻ. Bên cạnh đó, SGK cần bảo đảm trang bị, phát triển các kiến thức, các tri thức khoa học cơ bản để giúp học sinh khi đến tuổi công dân phải có những hành trang cơ bản của cuộc sống. Một vấn đề quan trọng khác là đổi mới chương trình SGK phải tập trung rèn luyện đạo đức cho học sinh. Có đại biểu lưu ý, trong quá trình rèn luyện học sinh, SGK nhất thiết phải lồng ghép những kiến thức về nền văn hóa dân tộc và quá trình lịch sử phát triển của dân tộc.
Thảo luận về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu quan tâm về quy định ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã. Theo đó, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) và một số đại biểu cho rằng, không nên quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã, vì thực tế những năm gần đây nhu cầu ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã là không lớn, nếu có thì chủ yếu là sao chép lại văn bản của cơ quan cấp trên. Về vấn đề này, một số đại biểu lại cho rằng, vẫn cần thiết phải quy định chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định những vấn đề được cấp trên giao và những vấn đề luật quy định thuộc thẩm quyền tự quản, tự chịu trách nhiệm của mình.
Có đại biểu nhấn mạnh, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là công việc rất quan trọng, có ý nghĩa lớn trong đời sống xã hội. Vì vậy, cần có hệ thống chặt chẽ, chuẩn xác, không thể mỗi cơ quan làm một kiểu. Dự thảo luật phải làm rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương, cấp nào được quyền gì, được ban hành những văn bản gì, lúc đó mới soạn thảo luật này để có sự thống nhất cao.
Hiện nay, còn một vấn đề đang gây lãng phí, ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp nhưng chưa được luật đề cập. Ðó là tình trạng một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trước khi về hưu đã bổ nhiệm nhiều cán bộ quản lý trong doanh nghiệp của mình, trong đó, có nhiều người không đủ năng lực, trình độ và khả năng công tác. Bên cạnh đó, có lãnh đạo nhận rất nhiều nhân viên vào làm việc mà không dựa vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp… Ðại biểu NGUYỄN MẠNH CƯỜNG (Quảng Bình) |
Lấy phiếu tín nhiệm là hình thức giám sát rất hiệu quả đối với các đồng chí được QH bầu hoặc phê chuẩn. Sau lấy phiếu, mỗi người đã có những cố gắng và nỗ lực hơn trong công việc. Ðây cũng là cơ sở góp phần thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, thiết thực tiến tới Ðại hội Ðảng lần thứ XII. Do đó, các đại biểu QH khi đánh giá các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm cần khách quan, công bằng.
Ðại biểu BÙI THỊ AN (Hà Nội)
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()