Sử dụng vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo: Điểm sáng Hoa Thám
– Những năm qua, việc thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn xã Hoa Thám, huyện Bình Gia từng bước vươn lên. Trong đó, nổi bật là chương trình cho vay hộ cận nghèo.
Ông Nguyễn Tuấn Uy, Chủ tịch UBND xã Hoa Thám cho biết: Hoa Thám là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện, toàn xã có 8 thôn với 851 hộ. Thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp, số hộ nghèo, cận nghèo của xã còn cao. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền đến hộ cận nghèo trên địa bàn xã vay vốn ưu đãi của NHCSXH để mở rộng các mô hình sản xuất. Để nguồn vốn chương trình đến đúng đối tượng, hằng năm, UBND xã đã chỉ đạo sát sao các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát các hộ có nhu cầu vay vốn ngay từ cuối năm, từ đó giải ngân kịp thời cho các hộ thuộc đối tượng có nhu cầu vay vốn; hướng dẫn hộ vay xây dựng các phương án sử dụng vốn phù hợp, hiệu quả.
Người dân xã Hoa Thám sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để chăn nuôi lợn
Hiện nay, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ cận nghèo trên địa bàn xã đạt 14,2 tỷ đồng, với 202 hộ đang sử dụng vốn chương trình. Đây là xã có chương trình cho vay hộ cận nghèo cao nhất của huyện Bình Gia và của tỉnh. Từ nguồn vốn chương trình này, nhiều hộ cận nghèo trên địa bàn xã đã xây dựng được các mô hình kinh tế có hiệu quả. Theo đó, các hộ chủ yếu đầu tư vốn để chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng, kinh doanh dịch vụ…
Ông Nguyễn Văn Lượng, thôn Tân Hoa là một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, không có thu nhập ổn định, năm 2020, gia đình đã thoát hộ nghèo nhưng vẫn thuộc diện hộ cận nghèo. Năm 2021, được sự hướng dẫn của các tổ chức đoàn thể xã và cán bộ ngân hàng, tôi vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, mua máy xay xát thóc, ngô và máy làm bún khô. Trong quá trình sử dụng vốn, tôi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập gần 100 triệu đồng. Năm 2022, gia đình tôi thoát cận nghèo, cuộc sống ngày càng được cải thiện, gia đình có vốn để mở rộng quy mô sản xuất, vươn lên làm giàu.
Để quản lý nguồn vốn hiệu quả, UBND xã phân công cán bộ phối hợp chặt chẽ với ngân hàng thành lập tổ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của người dân. Hằng quý, Chủ tịch UBND xã trực tiếp kiểm tra các tổ tiết kiệm và vay vốn và hộ vay bất kỳ. Các tổ chức hội cũng tiến hành kiểm tra 100% hộ vay sau khi giải ngân 1 tháng. Qua kiểm tra cho thấy, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, có ý thức trả nợ, trả lãi đúng hạn. Bên cạnh đó, để giúp người dân phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi, hằng năm, UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện mở từ 3 đến 4 lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kĩ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con.
Cùng với nguồn vốn các chương trình khác, chương trình cho vay hộ cận nghèo đã góp phần giúp các hộ có vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu. Hiệu quả từ nguồn vốn của chương trình cho vay cũng đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo của xã, hiện thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 36 triệu đồng/người/năm, tăng 6 triệu đồng so với năm 2021; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 39,95%, giảm 19,41% so với năm 2021.
Ý kiến ()