Chủ nhật, 24/11/2024 00:03 [(GMT +7)]
Sử dụng rượu, bia thế nào an toàn trong dịp Tết và lễ hội
Chủ nhật, 29/01/2017 | 08:21:00 [(GMT +7)] A A
Không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam và một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần là những khuyến cáo của các bác sĩ để giảm thiểu nguy cơ khi phải sử dụng rượu, bia vào dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội năm 2017.
Ngộ độc vì rượu cồn công nghiệp methanol
Chiều 29 Tết, Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội phải trả về gia đình lo hậu sự trường hợp người bệnh Đặng Đình K, 40 tuổi (trú tại Phú Sơn, Hà Nội). Chỉ sau 3 ngày liên tiếp uống nhiều loại rượu khác nhau, anh K. được chuyển tuyến lên Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, huyết áp tụt, máu bất thường, rối loạn, não bị tổn thương.
Tại Trung tâm chống độc, qua xét nghiệm các bác sĩ thấy hàm lượng rượu cồn công nghiệp (methanol) trong máu của bệnh nhân này rất cao: 138mg/100 ml máu, vượt ngưỡng có khả năng gây tử vong từ 40-50mg/100 ml. Các bác sĩ Trung tâm chống độc đã khẩn trương tiến hành hồi sức cho bệnh nhân, dùng thuốc giải độc, lọc máu… nhưng não của bệnh nhân bị tổn thương nặng nề, hôn mê sâu, nội tạng bị suy giảm do hậu quả của rượu, không có khả năng phục hồi nên gia đình đã chủ động làm thủ tục xin cho bệnh nhân về nhà lo hậu sự.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, tại Trung tâm chống độc hiện còn rất nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu, bị ảnh hưởng do lạm dụng rượu đang nằm điều trị, dự kiến phải hết Tết mới hồi phục được sức khỏe để ra viện.
Theo BS Nguyên, trong mấy ngày giáp Tết, ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận ca cấp cứu ngộ độc rượu; có ngày có tới hai – ba trường hợp nhập viện. Điều đáng nói, phần lớn ca nhập viện do ngộ độc rượu đều trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, ngừng tim không còn cơ hội sống. Chỉ trong tuần vừa qua, có tới ba trường hợp tử vong vì ngộ độc rượu trầm trọng.
Ths. Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm, năm nay, những ca ngộ độc cồn công nghiệp (methanol) tăng cao đột biến. Do đó, việc trực chiến, cấp cứu bệnh nhân trong những ngày này của các y, bác sĩ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vất vả hơn ngày thường. Rượu cồn công nghiệp nguy hiểm bởi khi vào cơ thể, cồn này chuyển hóa thành các a xít gây tổn thương các tế bào, đặc biệt là ở mắt, não, gây hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác, gây mù vĩnh viễn.
Theo cảnh báo của BS Nguyên, người càng trẻ, có thể trạng gầy yếu thì nguy cơ ngộ độc rượu dẫn đến hạ đường huyết, gây đến tổn thương não càng cao. Ngoài ra, cũng không ít trường hợp còn phải chịu di chứng sau điều trị ngộ độc rượu như suy thận, viêm tụy…
Không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày
Tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và vẫn đang gia tăng nhanh. Theo nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng thì 77% nam hiện nay uống rượu bia, trong đó 44% nam uống ở mức nguy hại (Cao cần gấp đôi so với tỷ lệ này vào năm 2010). Tỷ lệ nam giới hiện uống rượu, bia của Việt Nam cao hơn mặt bằng chung toàn cầu và của các khu vực.
Bác sĩ Trần Quốc Bảo (Cục Y tế dự phòng) cho biết, không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn nên người dân nếu uống vào dịp Tết và lễ hội phải kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống. Uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc.
Để giảm thiểu nguy cơ, người bình thường không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam và một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Nếu uống từ 20g cồn/ngày trở lên thì nguy cơ tử vong tăng lên rõ rệt.
Trong tình trạng rượu tự nấu không bảo đảm chất lượng, rượu lậu tràn lan, bác sĩ Trần Quốc Bảo lưu ý người dân phải uống rượu, bia có nguồn gốc, bảo đảm chất lượng. Theo một khảo sát của Cục Y tế dự phòng thì hiện nay, rượu tự nấu chiếm 69% số lượng rượu được tiêu thụ trên thị trường và chủ yếu là vùng nông thôn. Vì tham lợi nhuận, nhiều nơi có thể sản xuất rượu hòa thêm cồn, dung môi hòa tan… làm cho rượu không còn nguyên chất, dễ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới tính mạng người dân. Hậu quả lâu dài do rượu, bia gây ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ít nhất 30 bệnh về thần kinh, ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, tổn thương hệ miễn dịch, gây hành vi nguy cơ như bạo lực, tự tử…
Mặc dù đã có chế tài xử phạt những người điều khiển phương tiện xe cơ giới sau khi uống rượu, bia, nhưng tình trạng này vẫn rất phổ biến tại Việt Nam. Bác sĩ Trần Quốc Bảo cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không điều khiển xe cơ giới sau khi uống rượu, bia.
Theo nghiên cứu của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Việt Nam vào tháng 6-2016, trong số người có uống rượu, bia, có tới 45% đã từng điều khiển phương tiện giao thông cơ giới trong vòng hai giờ sau khi uống. Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông có sử dụng rượu, bia chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. Rượu bia là nguyên nhân gây ra 70% số vụ tai nạn giao thông. Ước tính một năm trung bình cả nước có gần 10 nghìn người tử vong do tai nạn giao thông thì có đến hơn bảy nghìn người chết có nguyên nhân do người lái xe sử dụng rượu, bia.
Một vấn nạn nữa mà các chuyên gia y tế cảnh báo, là tình trạng uống rượu bia ở tuổi vị thành niên đang gia tăng. Ông Nguyễn Phương Nam, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, WHO đã kết hợp với Học viện Cảnh sát nhân dân tiến hành một khảo sát từ năm 2010 đến 2014 cho thấy, đối tượng phạm pháp hình sự trong độ tuổi 16 đến 30 do sử dụng rượu bia ngày càng gia tăng. Đây là một tình trạng đáng báo động đối với thế hệ trẻ Việt Nam.
Dịp Tết nguyên đán và lễ hội kéo dài cả tháng, người dân nhất là giới trẻ nếu không thể từ chối được lời mời uống bia, rượu thì lưu ý không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn dễ gây chấn thương hoặc dễ bị kích động gây những hành vi bạo lực. Theo khảo sát của tổ chức Y tế thế giới thì ở Anh và xứ Wales, có 47% các vụ bạo lực có nguyên nhân do bia, rượu. Con số này ở Scotland là 63%. Ở Phần Lan, khoảng 60% phụ nữ từng bị bạo hành do ảnh hưởng của người uống rượu.
Theo Nhandan
Theo Nhandan
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()