Sử dụng rộng rãi xăng E5, băn khoăn trước “giờ G”
Ngày 1-12 tới, xăng E5 sẽ được sử dụng rộng rãi trên cả nước theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg (QĐ 53) của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian không còn nhiều, nhưng đang có không ít vấn đề vướng mắc cần lời giải đáp từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng như người tiêu dùng trước “giờ G” này.
Kết quả thực hiện thí điểm
Theo QĐ 53, việc sử dụng xăng E5 được triển khai thí điểm tại bảy địa phương từ ngày 31-11-2014 gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu và bắt đầu triển khai toàn quốc từ ngày 1-12-2015. Bộ Công thương cho biết, tới ngày 2-11, tập hợp báo cáo chưa đầy đủ từ các đầu mối kinh doanh xăng dầu, mới có ba trong số 22 đầu mối nhập khẩu tổ chức kinh doanh xăng E5 với sản lượng ước tính từ đầu năm đến hết tháng 8-2015 là khoảng 162.488 m3 (gồm: PVN, Petrolimex và SG Petro). Con số này quá thấp bởi theo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, bình quân lượng xăng tiêu thụ hằng tháng của cả nước hiện nay khoảng 625 nghìn m3 (gồm xăng E5, xăng RON92 và xăng RON95). Chín tháng năm 2015, Petrolimex xuất bán 65.783 m3 xăng E5, bình quân 7.430 m3/tháng, chiếm tỷ trọng 2,4% sản lượng xăng.
Về tình hình triển khai thí điểm theo QĐ 53 tại một số địa phương, theo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, đến thời điểm giữa tháng 8-2015, hệ thống cửa hàng xăng dầu tham gia bán xăng E5 là: Quảng Ngãi 100% (thực tế 97% lượng xăng tiêu thụ gồm cả RON95, trong đó xăng E5 chiếm 70% do cửa hàng tại đảo Lý Sơn khó vận chuyển xăng E5 ra); Đà Nẵng 70%, xăng E5 chiếm 50%; Bà Rịa – Vũng Tàu 24%, xăng E5 chiếm khoảng 30 đến 60%; Cần Thơ 16,4%; Hải Phòng 7%, xăng E5 chỉ chiếm 3,44%. Đáng chú ý, một số địa phương triển khai sớm trước lộ trình, như Quảng Ngãi là sáu tháng, Đà Nẵng một tháng hoặc có quy định đặc thù như yêu cầu xe công vụ chạy xăng phải dùng xăng E5 (Bà Rịa – Vũng Tàu từ 20-1); hoặc dừng bán xăng RON92, thay bằng xăng E5 từ tháng 4 như Cần Thơ. Quảng Nam tuy không thuộc diện thí điểm theo QĐ 53 nhưng do nằm giữa hai tỉnh đã thực hiện thay xăng RON92 bằng xăng E5 là Quảng Ngãi và Đà Nẵng cho nên bán xăng E5 sớm hơn lộ trình 12 tháng.
Nhiều địa phương khác đã và đang tích cực đưa xăng E5 lưu thông trên thị trường theo lộ trình, chuẩn bị cơ sở vật chất, kế hoạch hành động. Tiêu biểu là các tỉnh: Thừa Thiên – Huế, Lào Cai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Phước, Hà Tĩnh, Đác Nông, Đác Lắc, Kon Tum…
Thời điểm đưa xăng E5 sử dụng rộng rãi trên cả nước từ ngày 1-12 theo QĐ 53 đã cận kề. Qua thí điểm và sự năng động của một số địa phương, bước đầu kết quả khá khả quan, song cũng còn bộc lộ nhiều bất cập. Dễ thấy là hàng chục cửa hàng xăng dầu, thuộc nhiều hình thức sở hữu, buộc phải cải tạo cơ sở vật chất, thêm cột bơm, bể chứa, phương tiện vận chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật…, đầu tư không nhỏ. Đặc biệt, cửa hàng xăng dầu nằm trong nội đô các thành phố, thị xã lớn, nơi “tấc đất tấc vàng”, không dễ mở rộng diện tích. Mặt khác, với các thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý… kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối khó ép buộc bán xăng E5, khi mà lợi nhuận thấp do sản lượng bán xăng E5 ít hơn so với xăng RON92, dẫn đến tình trạng thương nhân thiếu mặn mà, bán xăng E5 “cầm chừng”. Tùy sự kiên quyết của chính quyền địa phương – tất yếu sẽ có cửa hàng có hoặc không tham gia bán xăng E5, dẫn đến kinh doanh không bình đẳng trên cùng địa bàn. Thậm chí, một số địa phương dùng mệnh lệnh hành chính cấm lưu hành xăng RON92, khiến người tiêu dùng ít có cơ hội lựa chọn, chưa nói đến việc thương nhân mất quyền kinh doanh mặt hàng Nhà nước không cấm. Trong cố gắng hài hòa lợi ích thương nhân, người tiêu dùng và trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường, an ninh năng lượng và cam kết quốc tế, từ đầu năm 2015, bằng đòn bẩy kinh tế, giá bán lẻ xăng E5 nhiều lần được điều chỉnh thấp hơn so với xăng RON92. Cụ thể, trong tháng 1-2015, bán ngang giá, từ tháng 2 đến đầu tháng 7, giá xăng E5 giảm 300 đồng/lít, rồi đến nay giảm 500 đồng/lít. Mức giảm giá này “tạm tính” vì đến nay cơ quan chức năng chưa công bố giá cơ sở với xăng E5! Theo các chuyên gia, mức giảm này chưa đủ hấp dẫn người tiêu dùng cá nhân. Đặc biệt, khi công tác tuyên truyền về lợi ích khi dùng xăng E5 chưa “đủ thấm” với số đông người tiêu dùng.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, cần giảm ít nhất 700 đến 1.000 đồng/lít, thông qua chính sách giảm thuế môi trường (từ ngày 1-5-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận Tờ trình của Chính phủ tăng thuế bảo vệ môi trường 300%). Dù xăng E5 không phải trích quỹ bình ổn giá (hiện là 300 đồng/lít như RON92), cùng với tỷ lệ giảm thuế môi trường (chưa tính thuế khác như giá trị gia tăng), thì giá xăng E5 gần xấp xỉ giá xăng RON92, tức là chưa đủ hấp dẫn người tiêu dùng như nói trên!
Minh bạch mới thuyết phục
Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp kiểm điểm Lộ trình sản xuất, kinh doanh xăng E5 do Văn phòng Chính phủ thông báo ngày 20-10-2015 chỉ rõ quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế: Kết quả mở rộng mạng lưới phân phối và sản lượng tiêu thụ xăng E5 tại một số địa phương triển khai thí điểm thực hiện QĐ 53 còn thấp; mặc dù nguồn cung xăng E5 hiện nay đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nhưng sự kết nối, hợp tác giữa các đơn vị cung ứng, phối trộn và phân phối xăng E5 còn lỏng lẻo, nếu không có sự đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung; cơ chế, chính sách về giá, tài chính, thuế để tạo thuận lợi cho sản xuất, phân phối xăng E5 chưa thật sự phù hợp; các trạm trộn, phối chế xăng E5 mặc dù đã được tăng cường đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; hoạt động kinh doanh xăng E5 của một số doanh nghiệp đầu mối còn bị lỗ cho nên chưa khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh phối trộn xăng E5; hợp đồng của các nhà máy sản xuất với các vùng nguyên liệu cần được thiết lập và bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Việc đưa xăng E5 vào sử dụng rộng rãi có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường không khí, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, góp phần tạo thu nhập bền vững hơn cho khu vực nông nghiệp và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhiều cơ chế, chính sách được các cấp có thẩm quyền ban hành để tạo thuận lợi và khuyến khích đưa xăng E5 vào sử dụng, bảo đảm thực hiện đạt mục tiêu lộ trình đã đề ra. Quyết tâm của Chính phủ, sự đồng lòng và sáng tạo của các địa phương, cơ quan chuyên môn, kỳ vọng đưa QĐ 53 sẽ thành hiện thực trong thời gian tới. Đúng hẹn rất tốt, nhưng nếu cần thêm thời gian để giải quyết những vấn đề kỹ thuật đang tồn tại, thuyết phục giới chuyên môn, tạo đồng thuận xã hội theo cam kết quốc tế,… cũng không nên xem nhẹ để phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Bộ Công thương cho biết, đến tháng 10-2015, cả nước có bảy nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu được xây dựng. Cụ thể, bốn cơ sở sản xuất ethanol đạt tiêu chuẩn pha trộn xăng E5 với tổng năng lực xuất xưởng 318 nghìn tấn/năm, đủ pha chế 4,78 triệu tấn xăng E5 (nếu hoạt động 100% công suất thiết kế). Hai cơ sở khác cần đầu tư thêm, khi đó tổng năng lực 105 nghìn tấn ethanol/năm (nếu chạy 100% công suất, pha được 2,1 triệu tấn xăng E5) hoặc 68,25 nghìn tấn ethanol. Còn một nhà máy đang xây dựng có thiết kế 79 nghìn tấn ethanol (100% công suất, 1,58 triệu tấn E5).
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()