Ngoài 200 triệu đồng vốn phát triển sản xuất, năm 2011, xã Chi Lăng còn được phân bổ 600 triệu đồng vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Cũng phát huy cao độ tinh thần dân chủ, Ban quản lý xã đã quyết định đầu tư làm tuyến đường trục chính đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Quyết định hợp với lòng dân đã tạo ra sự đồng thuận cao, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất ruộng để tạo mặt bằng làm đường. Không những thế, ở khắp các thôn trong xã, phong trào làm đường giao thông tiếp tục được đẩy mạnh, trong 2 năm qua đã có hơn 10 gia đình hiến đất làm đường, trung bình mỗi năm, nhân dân trong xã đóng góp hơn 500 triệu đồng để hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn. Trong năm nay, xã Chi Lăng tiếp tục được phân bổ 414 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và 40 triệu đồng phát triển sản xuất. Nguồn kinh phí này, đã được quyết định đầu tư xây dựng phòng học đạt chuẩn cho phân trường mầm non thôn Quán Thanh và tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn nái trên địa bàn. Có thể khẳng định nguồn lực phân bổ từ ngân sách cho xây dựng nông thôn mới đã và đang được xã điểm Chi Lăng sử dụng hợp lý và phát huy tối đa hiệu quả. Trong khi một số địa phương còn lúng túng với việc sử dụng nguồn lực này ra sao, duy trì nguồn vốn hỗ trợ thế nào, thì cách làm ở xã Chi Lăng là kinh nghiệm rất đáng tham khảo.
LSO-Từ năm 2011 đến nay, ngân sách nhà nước đã phân bổ cho mỗi xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh 1,2 tỷ đồng để phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng. Do kinh phí không lớn, vì vậy phải có kế hoạch sử dụng rất chi tiết, phù hợp với điều kiện và nguyện vọng của nhân dân thì nguồn lực mới có thể phát huy tối đa hiệu quả. Câu chuyện sử dụng nguồn lực hỗ trợ ở xã điểm Chi Lăng, huyện Chi Lăng là ví dụ điển hình.
Cán bộ Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Chi Lăng kiểm tra
hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của các hộ gia đình
Cách đây 2 năm, mấy gian chuồng chăn nuôi lợn nái của gia đình chị Vy Thị Hiếu, thôn Quán Bầu, xã Chi Lăng đã phải bỏ không. Bởi dịch bệnh tràn qua đã làm gia đình chị chết 3 lợn nái và đàn lợn con, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, không còn khả năng tái đàn. Thời điểm đó, cũng là lúc triển khai chương trình hỗ trợ sản xuất từ kinh phí phân bổ của tỉnh, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Chi Lăng đã hỗ trợ gia đình chị Hiếu 1 con lợn nái giống mới mua tận Bắc Giang. Đang khó khăn vì thiếu vốn sản xuất, vì vậy con giống hỗ trợ đã tạo ra động lực cho gia đình phát triển lại chăn nuôi. Chị Hiếu cho biết: bằng kinh nghiệm chăn nuôi của mình, ngay khi nhận lợn nái hỗ trợ, tôi nhận thấy đây là con nái rất tốt, có thể sinh sản ngay được, vì vậy gia đình tiến hành cho phối giống và chỉ sau ít tháng đã có lứa lợn đầu tiên. Lứa đầu tiên cho gia đình chị Hiếu thu nhập hơn 8 triệu đồng, tạo động lực để gia đình ổn định và gây dựng lại sản xuất.
Không chỉ gia đình chị Hiếu, mà hầu hết các hộ được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn phân bổ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn xã Chi Lăng đều đang phát huy được hiệu quả. Ông Hoàng Văn Khai, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Chi Lăng cho biết: Trong năm 2011, xã được phân bổ 200 triệu đồng cho phát triển sản xuất. Số tiền không nhiều, nên Ban quản lý xã đã phải cân nhắc rất thận trọng, tổ chức họp quân, dân, chính, đồng thời tìm hiểu nguyện vọng của người dân từ đó đưa ra các phương án được coi là khả thi và hiệu quả nhất và quyết định sẽ hỗ trợ lợn nái để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Số tiền vừa đủ để mua 30 lợn nái, xã hỗ trợ cho 30 hộ trên địa bàn, đối tượng ưu tiên là hộ nghèo và các gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh chưa có khả năng tái đàn. Hỗ trợ theo hình thức quay vòng, lợn nái sinh sản đến lứa thứ 2 thì chuyển cho gia đình khác. Cách làm này đã phát huy tối đa hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển sản xuất, vừa đảm bảo duy trì nguồn lực đầu tư ban đầu. Ông Khai cho biết: đến nay, khi thu hoạch 2 lứa lợn, nhiều gia đình đã đề xuất mua lại lợn nái hỗ trợ, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã sẽ dùng số tiền đó để đi mua nái khác để tiếp tục thực hiện hỗ trợ. Mặt khác, sau mỗi lứa thu hoạch, nhiều hộ gia đình đã hỗ trợ lại lợn con cho những hộ khác, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã.
Ngoài 200 triệu đồng vốn phát triển sản xuất, năm 2011, xã Chi Lăng còn được phân bổ 600 triệu đồng vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Cũng phát huy cao độ tinh thần dân chủ, Ban quản lý xã đã quyết định đầu tư làm tuyến đường trục chính đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Quyết định hợp với lòng dân đã tạo ra sự đồng thuận cao, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất ruộng để tạo mặt bằng làm đường. Không những thế, ở khắp các thôn trong xã, phong trào làm đường giao thông tiếp tục được đẩy mạnh, trong 2 năm qua đã có hơn 10 gia đình hiến đất làm đường, trung bình mỗi năm, nhân dân trong xã đóng góp hơn 500 triệu đồng để hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn. Trong năm nay, xã Chi Lăng tiếp tục được phân bổ 414 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và 40 triệu đồng phát triển sản xuất. Nguồn kinh phí này, đã được quyết định đầu tư xây dựng phòng học đạt chuẩn cho phân trường mầm non thôn Quán Thanh và tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn nái trên địa bàn. Có thể khẳng định nguồn lực phân bổ từ ngân sách cho xây dựng nông thôn mới đã và đang được xã điểm Chi Lăng sử dụng hợp lý và phát huy tối đa hiệu quả. Trong khi một số địa phương còn lúng túng với việc sử dụng nguồn lực này ra sao, duy trì nguồn vốn hỗ trợ thế nào, thì cách làm ở xã Chi Lăng là kinh nghiệm rất đáng tham khảo.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()