Sử dụng máy nông cụ nhỏ: Hiệu quả lớn trên đồng đất xứ Lạng
LSO-Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn bao giờ cũng đi đôi với cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, nông nghiệp Lạng Sơn đã có bước phát triển khá mạnh về máy nông cụ phục vụ sản xuất.
LSO-Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn bao giờ cũng đi đôi với cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, nông nghiệp Lạng Sơn đã có bước phát triển khá mạnh về máy nông cụ phục vụ sản xuất. Để phù hợp với điều kiện canh tác miền núi, người dân đã chuyển dịch và khai thác hiệu quả máy nông cụ nhỏ.
Nông dân Lộc Bình sử dụng máy cày tay 6 mã lực làm đất |
Nông nghiệp miền núi có những đặc thù riêng của nó và phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có hình thái khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình. Với miền núi, địa hình là một trong những yếu tố quyết định tư liệu sản xuất. Qua thực tế sản xuất của bà con nông dân, máy nông cụ nhỏ ở Lạng Sơn ngày càng có ưu thế rõ rệt nhờ khả năng thích nghi tốt, phù hợp với người sử dụng. Ở vị trí địa hình phức tạp, người nông dân có thể di chuyển dễ dàng, không tốn nhân lực mà vẫn phát huy hiệu quả của máy. Vì thế máy công suất nhỏ đã rất nhanh đi vào đời sống sản xuất của người dân.
Một hình ảnh tôi không thể nào quên là năm 2008, anh Bế Văn Lập, trưởng thôn Khòn Lọc, xã Tân Lang, huyện Văn Lãng cày ruộng bằng chiếc máy cày tay loại 12 mã lực. Đám ruộng bậc thang thì nhỏ, thân máy thì to làm anh cứ phải loay hoay cả buổi, vài đường cày đã hết đám ruộng, không có đường di chuyển sang đám ruộng khác, anh lại phải tháo bánh, vác từng bộ phận đến chỗ cần cày. Cũng là một đám ruộng nhỏ anh mất thời gian bằng cả đám ruộng lớn. Bắt đầu từ năm 2011 trở đi, trên đồng đất Xứ Lạng xuất hiện các máy nông cụ loại nhỏ. Không riêng gì máy cày tay mà cả máy tuốt, máy bơm, máy gặt loại nhỏ. Người nông dân đã đón nhận những sản phẩm này rất hào hứng.
Chúng tôi có mặt trên cánh đồng thôn Làng Đăng, xã Quang Lang vào ngày mùa. Trên ruộng nhà ông Vi Văn Đức, con trai ông đang sử dụng chiếc máy nổ nhỏ loại 1 mã lực. Ông Đức cho biết, máy này chỉ nặng có chục kg, vác đi đâu cũng được, bình xăng 1 lít, trong khi đó dùng để bơm nước, tuốt lúa đều hay. Khác hẳn với chiếc máy to trước đây của ông mỗi vụ mùa cả nhà phải kéo máy ra ruộng. Như để chứng minh tác dụng máy đa năng, ông Đức nổ máy thực hiện khâu tuốt lúa, trong tiếng mày rào rào, những hạt lúa được tuốt gọn và sạch. Ông Đức kết luận: “Nhà có non chục sào lúa, dùng nhỏ như thế này là hiệu quả chú ạ”.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 41.000 máy động cơ sử dụng trong nông nghiệp với công suất trên 270.000 mã lực. Trong đó máy kéo các loại là 15.363 chiếc, cơ giới hóa làm đất đạt trên 40% diện tích gieo trồng. Đây là một bước tiến lớn của ngành nông nghiệp, bởi với số lượng máy như vậy đã có thể thay thế được sức kéo trâu bò. Thế nhưng một thực tế rất nhiều hộ nông dân mua máy theo phong trào mà chưa tính đến hiệu quả sử dụng, phù hợp với địa hình địa phương miền núi vô tình đã gây lãng phí. Anh Lý Vân – một chủ cửa hàng bán máy nông nghiệp tại huyện Văn Quan cho biết, trước đây anh hay chạy theo tiếp thị của các nhà sản xuất, toàn nhập máy loại to về bán. Thế nhưng khi bà con nông dân dùng không hiệu quả, họ yêu cầu anh nhập những loại máy mi ni với công suất từ 4 đến 6 mã lực. Cho đến thời điểm hiện nay, nông dân ở các huyện đã quen dùng loại máy nhỏ vừa dễ sử dụng vừa dễ di chuyển.
Anh Nông Văn Chắn, nông dân thôn Tằm Nguyên, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc khẳng định, dùng máy nhỏ làm đất hiệu quả hơn rất nhiều. Hiện nay những nông dân mà anh biết chủ yếu dùng loại máy làm đất 4 mã lực rất phù hợp với miền núi.
Nông dân xã Quang Lang (Chi Lăng) sử dụng máy nông cụ nhỏ tuốt lúa |
Trong chuyến làm việc mới đây tại Lạng Sơn của đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Phó Ban Kinh tế Trung ương, khi trao đổi với chúng tôi, đồng chí cũng khẳng định, với điều kiện của miền núi, để phù hợp trong sản xuất nông nghiệp, khai thác có hiệu quả máy nông cụ, cũng cần tính đến điều kiện sản xuất, đầu tư, có như vậy mới tránh gây lãng phí.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()