Sử dụng lao động dưới 15 tuổi: Bắt buộc phải ký kết hợp đồng lao động
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất quy định thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 4 giờ/ngày; không được làm thêm giờ, làm vào ban đêm, phải có giao kết hợp đồng làm việc.
Năm 2019, bộ phim “Vợ ba” ngay sau khi được công chiếu đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận, khi bộ phim phát hành được gắn nhãn 18 nhưng nhà sản xuất lại dùng diễn viên 13 tuổi đóng những “cảnh nóng” trong phim.
Chỉ 3 ngày sau khi công chiếu, bộ phim đã bị ngưng chiếu tại tất cả các rạp phim.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng bộ phim vi phạm đạo đức, hàng loạt các câu hỏi khác được đặt ra, rằng liệu nhà sản xuất “Vợ ba” có vi phạm Bộ Luật Lao động khi sử dụng lao động là trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi? Bộ phim có đang lạm dụng trẻ em, vi phạm Luật Trẻ em?
Dư luận phẫn nộ về bộ phim “Vợ ba” không chỉ cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với những vấn đề xâm hại, lạm dụng trẻ em mà còn chỉ ra những “lỗ hổng” trong các quy định về sử dụng lao động chưa thành niên.
Khó quản lý và xử lý
Nhắc lại vụ việc phim “ Vợ ba ” tại hội thảo giới thiệu những nội dung mới về lao động chưa thành niên trong Bộ Luật lao động năm 2019 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức sáng nay 8/6 tại Hà Nội, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thừa nhận mặc dù đánh giá đây là vụ việc nghiêm trọng, nhưng Cục Trẻ em và Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã phải sử dụng các quy định khác để xử lý vụ việc, chứ chưa xử lý trực diện theo các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc.
Sau khi bị ngưng chiếu, Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ba Sắc Cầu Vồng 50 triệu đồng vì đã vi phạm quy định “thêm/bớt làm sai nội dung phim ‘Vợ ba’ đã được phép phổ biến.”
Ông Đặng Hoa Nam cho rằng không chỉ phim “Vợ ba” mà trong thực tế đã có những vi phạm về sử dụng lao động chưa thành niên tại các làng nghề, hộ gia đình, trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao… nhưng vẫn chưa xử lý được theo quy định pháp luật.
Đồng tình với việc còn có những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về lao động chưa thành niên, bà Nguyễn Thị Nhuần, chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng nhiều lao động chưa thành niên tham gia vào quan hệ lao động nhưng chưa được ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản mà phần lớn là hợp đồng bằng lời nói, không có ràng buộc về mặt pháp lý. Ngay cả khi có hợp đồng lao động thì hầu hết lại chưa quy định rõ về thời gian làm việc, chế độ nghỉ ngơi.
Tình trạng lao động làm việc tại những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nơi cấm sử dụng lao động chưa thành niên như công trường xây dựng, nấu bếp, phụ vụ ở các phòng hát karaoke, cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ… vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.
“Nhiều cơ sở sử dụng lao động trong độ tuổi chưa thành niên nhưng không đăng ký, khai trình lao động với cơ quan quản lý lao động ở địa phương, do đó rất khó khăn trong công tác quản lý, giám sát,” bà Nguyễn Thị Nhuần nói.
Cấm trẻ em làm việc vào ban đêm
Bộ Luật Lao động năm 2019 đã mở động đối tượng áp dụng đối với cả người lao động không có quan hệ lao động. Quy định này đã nâng đối tượng áp dụng của Bộ Luật Lao động từ gần 20 triệu người có quan hệ lao động lên toàn bộ lực lượng lao động xã hội khoảng 55 triệu người. Đặc biệt, Bộ Luật Lao động đã mở rộng việc nhận diện lao động chưa thành niên không có quan hệ lao động, đòi hỏi cần phải có hành lang pháp lý cụ thể hơn đối với hình thức sử dụng lao động này.
Để các quy định mới có thể được thi ngay khi Bộ Luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc. Dự thảo quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc. Các hình thức giao kết hợp đồng, thời gian làm việc, điều kiện làm việc, an toàn lao động, khám sức khoẻ định kỳ, bảo đảm học văn hoá… đều được quy định trong dự thảo thông tư.
Dự thảo quy định thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 4 giờ/ngày và 20 giờ/tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
Ông Đặng Hoa Nam chỉ ra rằng hiện nay có những liveshow ca nhạc có trẻ em tham gia vẫn kéo dài đến tận 23 giờ, đây là một hành vi để trẻ em làm việc đêm nhưng lại chưa thể xử lý. Trẻ em tham gia sinh hoạt văn hóa tại các nhà thiếu nhi, khi đi biểu diễn nghệ thuật đem thu nhập cho các công ty truyền thông… Nếu quy định mới được thông qua thì sẽ hạn chế việc xảy ra tình trạng này.
Góp ý vào những quy định về thời gian làm việc dưới góc độ của ngành nghề đặc thù, bà Nguyễn Thu Phương, đại diện Tổng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch) cho rằng cần có những quy định cụ thể về điều kiện làm việc, nghỉ ngơi để những ngành nghề đặc thù như thể dục thể thao có thể áp dụng.
“Trong thực tế, để luyện tập chuẩn bị cho việc tham gia thi đấu, các vận động viên có thể phải làm việc ngoài giờ. Thậm chí, khi tham gia thi đấu quốc tế cũng có trường hợp phải thi đấu vào ban đêm. Do đó, tôi đề nghị không quy định cấm làm việc ngoài giờ, làm việc vào ban đêm đối với các hoạt động thể dục thể thao,” bà Phương kiến nghị.
Vấn đề trẻ em tham gia nghệ thuật, thi đấu thể thao… đem lại lợi ích kinh tế đòi hỏi phải có những hành lang pháp lý rất cụ thể đối với hoạt động này mới có thể bảo vệ trẻ em tốt nhất. Do đó, dự thảo thông tư quy định chi tiết việc giao kết hợp đồng đối với lao động chưa đủ 15 tuổi và phải sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động.
Muốn sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động sẽ cần phải có hợp đồng lao động với các điều kiện về công việc, địa điểm làm việc, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, mức lương theo công việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Thông tư sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền lợi cho lao động chưa đủ 15 tuổi, lấp đi “lỗ hổng” trong pháp luật lao động, bảo vệ trẻ em./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()