Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội
Năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Những giải pháp này đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Động lực tăng trưởng
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 1188/QĐ-TTg ngày 15/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mở rộng nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau, tổng vốn đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh, sau khi hoàn thành dự án, Cảng hàng không Cà Mau bảo đảm khai thác máy bay A320, A321 và tương đương, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng của tỉnh và khu vực. Thời gian triển khai dự kiến 18 tháng kể từ khi được bàn giao mặt bằng. Như vậy, nếu tỉnh Cà Mau hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất trong tháng 11/2024, dự kiến dự án có thể hoàn thành trong tháng 3/2026.
Trong lĩnh vực giao thông, các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban đã có nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia có tiến độ thực hiện cao so với kế hoạch năm 2024, như dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành; dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4 tại Lạch Huyện, Hải Phòng; dự án xây dựng nhà ga hành khách T2-Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, dự án xây dựng nhà ga hành khách Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất.
Trong lĩnh vực năng lượng, tính đến hết quý III/2024, một số dự án lớn, trọng điểm có giá trị thực hiện đầu tư cao, như dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 (đạt khoảng 42%), dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (đạt khoảng 65%); dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (đạt khoảng 80%); dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (đạt khoảng 108%); dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II (đạt khoảng 107%).
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại là một trong những nhiệm vụ ưu tiên được đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến hết quý III/2024, nhiều dự án, công trình lớn của khu vực nhà nước và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang được thúc đẩy tiến độ, như dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn-Ga Hà Nội.
Về tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, dự án Hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố, tổng mức đầu tư 998 tỷ đồng, ước đến hết quý III/2024 hoàn thành giải ngân; các dự án quan trọng khác như dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, Dự án đường vành đai 3 (thành phần 2),... cũng đang được thúc đẩy tiến độ.
Gỡ điểm nghẽn đầu tư
Theo Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương, tình hình thu hút, giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội tính đến hết quý III/2024 có những tín hiệu khả quan. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm 2024 tăng trưởng khá, đạt 6,8%, trong đó nổi bật là vốn khu vực FDI tăng 10,7%, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,9% cùng kỳ năm trước; vốn khu vực ngoài nhà nước tăng 7,1% (cùng kỳ năm trước chỉ tăng 2,1%). Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 10/2024, ước cả nước giải ngân được hơn 355.616 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 47,43% tổng kế hoạch và đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 15/44 bộ, ngành và 41/63 địa phương đạt tỷ lệ ước giải ngân cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Đáng lưu ý, nguồn vốn đầu tư công đã được các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh thực hiện và giải ngân ngay từ những tháng đầu năm. Nhiều bộ, ngành và địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư thuộc thẩm quyền đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được giao năm 2024, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành lĩnh vực liên quan, nhằm hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vốn đầu tư công 10 tháng năm 2024 chưa đạt kỳ vọng.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024; tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư công đã được giao vốn, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, công trình chuyển tiếp, khởi công các công trình, dự án mới đã được phê duyệt đầu tư theo đúng kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chức năng cần linh hoạt, kịp thời điều chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2024 nhưng chưa được bố trí đủ vốn; tập trung rà soát, xử lý nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp sớm triển khai dự án, tăng khả năng huy động và sử dụng vốn đầu tư; tiếp tục có nhiều giải pháp nhằm hạ lãi suất cho vay nhằm tăng khả năng hấp thu vốn cho nền kinh tế, từ đó tăng khả năng huy động và sử dụng vốn đầu tư xã hội.
Ý kiến ()