Sử dụng hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia
Trong bốn tháng đầu năm, đã có hơn 2.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia được xuất kho, hỗ trợ cứu đói cho người dân các tỉnh Tuyên Quang, Thanh Hóa, Phú Yên. Ðây là lần thứ hai, các địa phương này nhận được nguồn lương thực xuất cấp từ kho dự trữ quốc gia. Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, số lượng gạo từ kho dự trữ nhà nước đã xuất cứu trợ nhân dân năm 2011 đạt 71.800 tấn, năm 2012 đạt 42.200 tấn, năm 2013 đạt 2.000 tấn và năm 2014 đạt 32 nghìn tấn.
Tập trung nguồn lực phát triển giáo dục
Theo Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Hữu Chí, trong quá trình hoạt động, tại các địa bàn còn nhiều khó khăn, dù học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền ăn, nhà ở, cơ sở vật chất và thiết bị,… nhưng thực tế tình hình giáo dục ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Hầu hết học sinh đi học không đúng độ tuổi, tỷ lệ lưu ban và bỏ học cao hơn mặt bằng chung của cả nước và ngay cả trong tỉnh, nguy cơ tái mù chữ đang tiềm ẩn trong học sinh dân tộc thiểu số rất cao. Mặt khác, những năm gần đây tình trạng trẻ em vùng dân tộc thiểu số bỏ học ngày càng nhiều, công tác quản lý cũng khó khăn và khó đáp ứng yêu cầu học tập của trẻ em thuộc diện bỏ học, gây sức ép lớn đối với ngành giáo dục địa phương. Ðể khắc phục tình trạng trên, từ tháng 6-2013, Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, năm học 2013-2014, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp hơn 58.300 tấn gạo, năm học 2014-2015 hơn 66 nghìn tấn gạo cấp cho học sinh 49 tỉnh, thành phố, hoàn thành vào ngày 30-4.
Ðể tăng cường nguồn lực cho dự trữ quốc gia, trong giai đoạn 2010 – 2015, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN) đã bố trí mua tăng cho dự trữ quốc gia hơn 3.500 tỷ đồng, bổ sung hơn bốn nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, dự phòng ngân sách T.Ư. Trong giai đoạn này, kho dự trữ quốc gia đã thực hiện nhập kho 430 nghìn tấn thóc, 850 nghìn tấn gạo, sáu nghìn tấn muối, hàng nghìn phương tiện cứu sinh cứu nạn, trong đó xuất cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ quốc tế đạt hơn 400 nghìn tấn gạo, tương đương gần bốn nghìn tỷ đồng. Nhờ có lực lượng dự trữ tăng cường này mà ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuất cứu trợ, viện trợ và xuất cho các chương trình mục tiêu của Chính phủ.
Bảo đảm nguồn lực hỗ trợ người dân
Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu ổn định dân cư, ổn định cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, việc sử dụng nguồn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng cũng đã được Chính phủ chú trọng. Tổng cục trưởng Dự trữ Nhà nước (DTNN) Phạm Phan Dũng cho biết, dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 68 xã thuộc bốn huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang trong giai đoạn 2008-2015 là một dự án lớn đối với ngành dự trữ. Trong đó, ngoài nguồn kinh phí các chương trình, từ ngân sách đầu tư,… Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ cho đồng bào khu vực này gần 13 nghìn tấn gạo trong thời gian bảy năm. Ðến nay, Tổng cục đã thực hiện được hơn 11 nghìn tấn, số còn lại sẽ cấp hết trong năm nay. Ngoài ra, còn có dự án hỗ trợ ba nghìn tấn gạo/năm trong sáu năm cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Lát (Thanh Hóa) khi đồng bào tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Theo đó, đồng bào tham gia trồng rừng sẽ được hỗ trợ gạo hằng tháng, sau khi kết thúc dự án, sẽ được hưởng lợi toàn bộ giá trị rừng cây do gia đình trồng. Thông qua việc hỗ trợ gạo cho người dân, đến nay huyện Mường Lát đã có hơn hai nghìn hộ nhận trồng 2.500 ha rừng và có hai nghìn hộ khác đăng ký tham gia trồng ba nghìn ha rừng.
Năm 2015 và các năm tiếp theo, để bảo đảm sử dụng, phát huy có hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia tham gia vào các chương trình mục tiêu; hỗ trợ thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, Tổng cục DTNN sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để kịp thời rà soát, báo cáo, tổ chức triển khai công tác xuất hàng dự trữ quốc gia. Việc hỗ trợ các địa phương tập trung cho các tình huống thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh; hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng; hỗ trợ học sinh các địa phương vùng đặc biệt khó khăn… Công tác hỗ trợ đòi hỏi phải được thực hiện trên cơ sở bảo đảm đúng pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả, đúng đối tượng và đúng mục đích.
Ðể thực hiện tốt yêu cầu này, theo Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng, ngoài việc triển khai, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tiếp cận các chính sách mới, các chương trình mục tiêu, kịp thời tham mưu trình Chính phủ sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia ngày càng hiệu quả hơn, cơ quan dự trữ quốc gia cần phải nỗ lực tự rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm tính pháp lý đồng bộ. Ngoài ra, đối với các đơn vị khu vực, cần thường xuyên nghiên cứu kỹ cơ chế chính sách hiện hành và kinh nghiệm thực tế của các đơn vị đã triển khai, khẩn trương tiếp cận và phối hợp chặt chẽ cùng các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn nắm bắt nhu cầu, các chương trình mục tiêu để xây dựng phương án, báo cáo kịp thời. “Tập trung phát triển ngành, mở rộng quy mô, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là những nhiệm vụ hàng đầu của ngành dự trữ quốc gia”, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Hữu Chí yêu cầu.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()