Sử dụng giấy phép lái xe giả: Nguy cơ cao gây tai nạn giao thông
(LSO) – Từ đầu năm 2018 đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh đã phát hiện hơn 30 trường hợp sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả, không do cơ quan chức năng cấp (chủ yếu là GPLX mô tô giả). Người điều khiển ô tô, xe máy sử dụng bằng lái xe giả rất nguy hiểm, đây là nhóm nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
Trong vai người muốn có GPLX máy, chúng tôi liên hệ qua số điện thoại tại một địa chỉ trên trang web (Lambangcap247.net) chuyên quảng cáo về việc làm “trọn gói” GPLX. Trao đổi qua điện thoại, người tiếp máy nói rằng chỉ cần chụp ảnh, chụp số chứng minh thư, chuyển qua zalo hoặc facebook rồi chuyển tiền qua tài khoản, sau 1 tuần là có bằng lái xe máy hạng A1.
Thượng tá Nguyễn Thành Dùng, Phó trưởng phòng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Những trường hợp sử dụng bằng lái xe giả phần lớn là bà con ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới trên địa bàn các huyện như: Tràng Định, Đình Lập, Bình Gia… Họ được một số đối tượng đến tận địa bàn mời chào, môi giới là chỉ cần đăng ký, nộp ảnh là có GPLX và đương nhiên là không cần học, chi phí để có một GPLX máy hạng A1 khoảng 1 triệu đồng, chỉ sau 1 tuần là có GPLX.
Cán bộ CSGT Công an huyện Lộc Bình kiểm tra hành chính lái xe tại tuyến đường tỉnh 236 nối thị trấn Lộc Bình với cửa khẩu Chi Ma
Việc người điều khiển phương tiện sử dụng GPLX giả, lại không được học các kỹ năng cơ bản về điều khiển phương tiện là một trong những nhóm nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Thượng tá Nguyễn Thành Dùng cho biết thêm: Tình trạng sử dụng GPLX giả và những vấn đề liên quan đến việc môi giới, cung cấp GPLX giả, phòng đã thông báo đến công an các huyện. Tuy vậy, việc điều tra, phá các đường dây làm GPLX giả không đơn giản và mất nhiều thời gian. Một khó khăn nữa, đó là để phát hiện được trường hợp sử dụng GPLX giả bằng mắt thường rất khó. Bởi trên lý thuyết, muốn xác định được 1 GPLX là thật hay giả phải sử dụng máy soi (soi mã), đồng thời phải thực hiện truy xuất theo hồ sơ. Hầu hết những trường hợp phát hiện GPLX giả đều chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của cán bộ CSGT là chính.
Số trường hợp bị phát hiện sử dụng GPLX giả rất ít so với thực tế. Nếu người dân còn có nhu cầu, cộng với lợi nhuận cao thì việc các đối tượng làm giả GPLX sẽ còn diễn ra. Ngoài ra, việc sử dụng chất liệu mới (PET) thay thế chất liệu cũ (giấy cứng) của cơ quan quản lý nhà nước nhằm hạn chế tình trạng làm giả, nhưng hiện chất liệu PET vẫn bị các đối tượng làm giả. Điều này khiến công tác phát hiện càng gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định của pháp luật, nếu bị phát hiện sử dụng GPLX giả, người vi phạm trong vòng 5 năm không được đăng ký học và cấp GPLX. Quy định là vậy, nhưng do hiểu biết còn hạn chế, cộng với việc mua GPLX giả quá dễ khiến nhiều người vẫn cố tình mua, sử dụng để đối phó mà bỏ qua sự an toàn của chính bàn thân và những người tham gia giao thông.
Qua thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn quốc, thời gian qua có nhiều trường hợp sử dụng GPLX giả gây tai nạn giao thông, những vụ tai nạn xảy ra hầu hết đều nghiêm trọng.
Sử dụng GPLX giả không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, ảnh hưởng đến bản thân và xã hội mà còn tiếp tay cho các đối tượng trục lợi bất chính. Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng sản xuất, mua bán, sử dụng GPLX giả, các cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng GPLX giả tham gia giao thông; điều tra, làm rõ các đối tượng, đường dây sản xuất, bán GPLX giả. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, tính từ ngày 15/12/2017 đến 15/11/2018, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 54 vụ TNGT, làm chết 53 người, bị thương 31 người, thiệt hại tài sản 554,5 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2017: giảm 4 vụ; giảm 6 người chết, tăng 19 người bị thương. |
HOÀNG CƯỜNG
Ý kiến ()