Sử dụng điện thoại khi lái xe: Nguy cơ mất an toàn giao thông
LSO- Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý I, đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh phê bình việc lái xe sử dụng điện thoại. Trong đó, nhiều lái xe sử dụng điện thoại trong khi điều khiển phương tiện gây ra va chạm, tai nạn giao thông.
Vi phạm phổ biến
Việc sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện là hành động nguy hiểm đối với lái xe cũng như những người tham gia giao thông khác. Bởi nhắn tin, nghe điện thoại khiến lái xe mất tập trung, chỉ một chút lơ là cũng có thể gây tai nạn.
Hiện nay, việc sử dụng điện thoại còn nguy hiểm hơn rất nhiều do điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi. Với loại điện thoại này, bàn phím được thay thế bằng phím cảm ứng khiến cho việc sử dụng khó khăn hơn, người dùng tập trung vào điện thoại nên không thể chú tâm lái xe. Anh Trần Văn Thạch, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: mình là người kinh doanh, trong lúc lái xe vẫn phải giao dịch điện thoại. Nếu không nghe máy sẽ mất cơ hội bán hàng nên vẫn phải sử dụng.
Trực tiếp tham gia giao thông, phóng viên được chứng kiến vụ va chạm xảy ra tại ngã tư Mỹ Sơn, thành phố Lạng Sơn ngày 22/6/2015. Chị Nguyễn Thị Hương, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc điều khiển xe mô tô đi từ ngã tư Cao Lộc đến đây thì va chạm với anh Phạm Văn Hưng, xã Hợp Thành điều khiển. Vụ va chạm chỉ khiến chị Hương bị thương nhẹ nhưng điều đáng nói là trong lúc lái xe, anh Hưng đang sử dụng điện thoại, do tập trung đàm thoại nên đã không kịp xử lý khi bất ngờ gặp chị Hương từ đường nhánh đi ra. Tuy chưa có thống kê cụ thể song thời gian qua đã có không ít vụ va chạm mà nguyên nhân là do lái xe sử dụng điện thoại.
Thực tế, việc sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông diễn ra rất phổ biến. Có mặt trên đường Hùng Vương lúc 17 giờ 30 ngày 10/8/2015, trong 30 phút, chúng tôi đếm được hơn 10 trường hợp người điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp điện 1 tay điều khiển phương tiện, tay lại cầm điện thoại nhắn tin, gọi điện khi xe vẫn lao vun vút. Đáng nói là không có bất kỳ người nào dừng xe vào lề đường rồi nghe điện. Em Trần Phương Anh, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: do dùng lâu nên các thao tác mở, tắt máy, nhắn tin không cần nhìn màn hình nhiều, em vẫn sử dụng được. Em thấy vừa lái xe đạp điện vừa nhắn tin không ảnh hưởng lắm. Thậm chí có lúc vừa đi xe, em vừa lướt facebook.
Tình trạng người dân vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại diễn ra phổ biến
Khó trong xử lý
Theo thiếu tá Hoàng Văn Đức, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh: tình trạng sử dụng điện thoại khi lái xe diễn ra rất phổ biến đặc biệt là với người lái xe ô tô. Tuy nhiên, việc phát hiện rất khó, do các xe sử dụng các miếng dán kính tối màu, nhìn từ bên ngoài không thể phát hiện được. Chúng tôi đã tăng cường xử lý vi phạm về vấn đề sử dụng điện thoại, thiết bị âm thanh khi điều khiển phương tiện, nhưng để xử phạt người vi phạm thì cực kỳ khó khăn. Bởi hành vi này diễn ra rất nhanh, việc ghi lại hình ảnh để chứng minh vi phạm gần như không thể.
Trước đây, công tác tuyên truyền về những nguy cơ khi lái xe sử dụng điện thoại được nói nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công tác tuyên truyền về vấn đề này ít được chú trọng. Việc cảnh báo không thường xuyên khiến người dân “quên” mất những nguy cơ mất an toàn.
Trước nguy cơ mất an toàn từ việc vừa lái xe vừa dùng điện thoại mang lại rất cần các tổ chức đoàn thể, trường học, gia đình vào cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân. Chấp hành tốt quy định về an toàn giao thông không chỉ tránh những nguy cơ cho bản thân mà còn giúp người khác đi lại an toàn.
Bài, ảnh: HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()