Sử dụng điện mặt trời áp mái: Góp phần tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường
(LSO) – Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 khách hàng lắp đặt, sử dụng điện mặt trời áp mái. Qua thực tế đánh giá của ngành điện, các khách hàng sử dụng điện mặt trời áp mái góp phần tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường.
Sau khi tìm hiểu, tháng 2/2019, gia đình anh Lăng Quốc Hiệp, khối 7, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái gồm: 16 tấm pin năng lượng, bộ chuyển hóa (biến tần), giá đỡ tấm pin với tổng kinh phí gần 80 triệu đồng. Hệ thống như trên sản sinh công suất 5,12 kWP (ki lô oát phút). Từ khi sử dụng điện mặt trời áp mái đến nay, gia đình anh Hiệp không chỉ giảm chi phí tiền điện hằng tháng mà còn bán được điện cho ngành điện.
Hệ thống điện mặt trời áp mái được gia đình anh Lăng Quốc Hiệp, khối 7, phường Vĩnh Trại lắp đặt và sử dụng, góp phần tiết kiệm điện
Anh Hiệp cho biết: Trung bình mỗi tháng trước khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, gia đình tôi chi trả cho sử dụng điện từ 1,3 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng. Từ khi sử dụng điện mặt trời áp mái (từ tháng 3/2019) đến nay, gia đình tôi chỉ phải chi trả từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, từ hệ thống điện áp mái, tôi bán lại cho ngành điện trung bình đạt 400 nghìn đồng/tháng. Việc sử dụng điện áp mái đảm bảo ổn định, khi điện mặt trời áp mái sản sinh không đủ – do ánh sáng mặt trời yếu, thì nguồn điện lưới sẽ bù vào; khi nguồn điện mặt trời áp mái sản sinh nhiều, không sử dụng hết công suất thì sẽ được phát lên lưới điện của ngành điện.
Theo tính toán của anh Hiệp, với chi phí gần 80 triệu đồng, chỉ 3 đến 4 năm sẽ hoàn vốn (mức hưởng lợi từ hệ thống điện áp mái bằng với chi phí ban đầu). Trong khi đó, theo cam kết của đơn vị lắp đặt thì hệ thống điện áp mái sẽ được bảo hành trong 20 năm, dự tính tuổi thọ của hệ thống đạt trên 30 năm.
Cũng như gia đình anh Hiệp, gia đình ông Lương Văn Kích, số 32 Thân Công Tài, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 4,20 kWP và đưa vào hoạt động từ cuối tháng 6/2019. Việc sử dụng điện mặt trời áp mái góp phần tiết kiệm trong sử dụng nguồn điện lưới, trong tháng 7/2019, gia đình ông Kích đã bán điện từ nguồn điện mặt trời áp mái của gia đình cho ngành điện với số tiền đạt trên 800 nghìn đồng.
Với hệ thống điện mặt trời hòa lưới, nếu điện năng tạo ra bằng nhu cầu tiêu thụ của hộ dùng điện, hộ dùng điện sẽ nhận điện hoàn toàn từ năng lượng mặt trời. Khi công suất từ nguồn điện mặt trời nhỏ hơn nhu cầu tiêu thụ, hộ dùng điện sẽ nhận thêm nguồn điện từ lưới điện của ngành điện. Nếu công suất điện mặt trời lớn hơn công suất tiêu thụ, phần điện năng dư thừa sẽ được phát lên lưới điện của ngành điện. Trong trường hợp mất điện lưới thì hệ thống điện mặt trời hòa lưới sẽ tự động được cách ly để đảm bảo an toàn cho lưới điện. Việc lắp đặt, vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái, chủ đầu tư giảm được chi phí mua điện của ngành điện, nếu như dư thừa công suất phát sẽ bán lại cho ngành điện. Đồng thời, làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 30 gia đình đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái và ký kết hợp đồng bán điện với Công ty Điện lực Lạng Sơn, tập trung chủ yếu tại thành phố Lạng Sơn với 27 khách hàng, ngoài ra còn có Tràng Định 1 khách hàng, Chi Lăng 1 khách hàng, Bình Gia 1 khách hàng. Tổng công suất các hệ thống điện mặt trời áp mái là 150,46 kWP. Sản lượng phát lên lưới của hệ thống điện mặt trời áp mái từ đầu năm 2019 đến ngày 27/8/2019 là 16.411 kWh với số tiền ngành điện trả cho khách hàng đạt trên 31 triệu đồng.
Ông Đinh Ngọc Điển, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Khi khách hàng lắp đặt xong hệ thống điện mặt trời áp mái và có đề nghị, ngành điện sẽ kiểm tra các thông số, điều kiện kỹ thuật của thiết bị để hòa lưới điện của ngành điện, nhất là hoạt động hệ thống tự động cách ly khi điện lưới mất. Khi các thông số kỹ thuật đạt yêu cầu, ngành điện thực hiện lắp đặt công tơ 2 chiều (miễn phí) và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời để thanh toán phần điện dư phát ngược lên lưới cho khách hàng, thời gian giải quyết trong vòng 3 ngày làm việc.
“Trước áp lực về nhu cầu năng lượng, ngoài việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thì giải pháp sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái là một giải pháp hiệu quả, giúp các hộ dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí điện năng hằng tháng cho quá trình sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời, giảm tải áp lực đầu tư nguồn điện và góp phần tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”- ông Điển nhấn mạnh.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()