Sử dụng có hiệu quả và bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia
Chiều 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đa số các đại biểu tán thành việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm khắc phục các vướng mắc, khó khăn, đáp ứng yêu cầu về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước quốc gia.
Sử dụng có hiệu quả nguồn nước quốc gia
Trình bày dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước…
Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh sự cần thiết phải cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, cần nghiên cứu, sửa đổi ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước như Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa được Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng tránh và giảm thiểu rủi ro thiên tai…
Ủy ban KH,CN&MT đề nghị dự thảo Luật cần tập trung làm rõ hơn quan điểm về chủ động tích nước, trữ nước; điều tiết, bảo đảm đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất; kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước, bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nước; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước; ứng dụng KH&CN trong quản trị, phát triển tài nguyên nước.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với việc bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy cho phù hợp; đối chiếu, rà soát quy định giá tính thuế tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về thuế, giá và mục đích sử dụng, điều kiện khai thác, đặc điểm kinh tế-xã hội của khu vực, lưu vực sông.
Làm rõ cơ chế phối hợp, phạm vi trách nhiệm của các cơ quan liên quan
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự án Luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, tương đối toàn diện và hoàn chỉnh. Tán thành việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, thể chế hóa đầy đủ Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh với các luật khác có liên quan như Luật Khoáng sản, Luật Biển Việt Nam để không chồng chéo.
Cho biết Luật Tài nguyên nước có liên quan đến 11 luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ đây là luật khung hay luật chi tiết để có phương án sửa đổi bổ sung phù hợp, đồng thời bày tỏ quan điểm nên xác định Luật Tài nguyên nước là luật chi tiết, hạn chế các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đối với quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung nguyên tắc phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên môn, chuyên ngành khác. Về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đề nghị bổ sung quy định quyền của tổ chức khai thác, sử dụng nước được nhà nước hỗ trợ khi phải điều chỉnh chế độ khai thác, vận hành công trình theo yêu cầu phục vụ an sinh xã hội.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành với báo cáo thẩm tra sơ bộ và các ý kiến phát biểu, đánh giá dự án luật được chuẩn bị công phu, có trách nhiệm cao, bám sát các nhóm chính sách sửa đổi Luật được Quốc hội thông qua.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải tiếp tục rà soát dự thảo Luật để khắc phục tối đa các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về hệ thống quản lý tài nguyên nước
Về mặt số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ thực trạng nguồn nước chúng ta đang bị suy thoái rất nặng nề, do đó tại chương 3 dự thảo Luật quy định về Bảo vệ tài nguyên nước cần bổ sung thêm khái niệm về phục hồi và bảo vệ tài nguyên nước hoặc bảo vệ phát triển tài nguyên nước.
Đồng thời đề nghị nghiên cứu, rà soát để bổ sung chức năng rất quan trọng của nguồn nước là chức năng phòng chống thiên tai như thoát lũ, chứa lũ; điều hòa, chống úng, chống ngập; hành lang bảo vệ nguồn nước; bổ sung khái niệm hành lang thoát lũ; quy định cụ thể hơn về phân cấp và lộ trình xác định dòng chảy tối thiểu; khái niệm về chỉnh trị sông, nạo vét, phục hồi lòng dẫn…
Chủ tịch Quốc hội cho rằng các quy định trong phần điều hòa, phân phối tài nguyên nước vẫn chủ yếu tập trung vào các các quy hoạch khai thác. Trong khi duy trì khai thác dưới đất cần có các điều khoản để bảo vệ việc bổ sung tự nhiên nguồn nước dưới mặt đất, thu nước mưa trên bề mặt hạn chế bê tông hóa hoàn toàn bề mặt.
Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, theo Chủ tịch Quốc hội, cần cố gắng có những quy định để có cạnh tranh, vai trò các thành phần kinh tế trong khai thác và trong sử dụng người tài nguyên nước và theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cảm ơn các cơ quan của Quốc hội đã đồng hành, theo sát, góp ý thẳng thắn, xây dựng, giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra.
Khó khăn nhất của việc xây dựng Luật Tài nguyên nước là quản lý nước phải tiến hành theo lưu vực, nhưng chúng ta không có cơ quan quản lý về tài nguyên nước theo vùng, theo lưu vực, dẫn đến xuất hiện chồng chéo, vướng mắc.
Thời gian tới, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các quy định về hệ thống quản lý tài nguyên nước, lấp đầy những lỗ hổng trong quản lý tài nguyên nước, các công trình thủy lợi…
Về kết cấu, bố cục, cách thức sắp xếp nội dung trong dự thảo Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để bảo đảm văn bản pháp luật logic, rõ ràng, có tính hệ thống, minh bạch và khả thi.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/su-dung-co-hieu-qua-va-bao-dam-an-ninh-nguon-nuoc-quoc-gia-10223031518160197.htm
Ý kiến ()