Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cho phát triển đất nước
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng ngành TN&MT đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó tập trung nguồn lực sửa đổi Luật Đất đai, Luật Môi trường; chủ động đề xuất các giải pháp, vấn đề liên quan đến chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, đặc biệt thúc đẩy việc triển khai các quyết sách có tính hệ thống, chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tài nguyên đất đai đã được sử dụng hiệu quả hơn, tình trạng lãng phí đất đai được tập trung chỉ đạo xử lý, cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch phù hợp với với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu, mô hình kinh tế, phát triển hệ thống kết cầu hạ tầng, tiến trình đô thị hóa đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế.
Thu ngân sách từ đất trong 11 tháng đầu năm 2019 đã đạt 115,3 nghìn tỷ đồng, bằng 11% thu ngân sách nội địa. “Đây mới chỉ là thu ngân sách trực tiếp từ đất, còn các nguồn thu từ đất, giá trị thứ cấp từ đất tạo ra rất lớn. Từ đất còn tạo ra các sản phẩm thứ cấp là nông nghiệp, công nghiệp,… vô cùng quan trọng để tạo ra nguồn lực phát triển kinh tế, cho nâng cao đời sống người dân”, Phó Thủ tướng phân tích.
Bộ đã điều tra, xác định được nhiều khu vực có tiềm năng khoáng sản chiến lược, giá trị địa chất (xác định giá trị công viên địa chất toàn cầu đối với công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, công viên địa chất Đắk Nông).
“Tiềm năng địa chất, khoáng sản đã được chuyển hóa thành nguồn lực và đóng góp cho tăng trưởng chung sau nhiều năm suy giảm liên tục”, Phó Thủ tướng đánh giá đây là nỗ lực rất lớn của ngành.
Tài nguyên nước được quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả hơn, mang lại nguồn thu lớn; quy trình vận hành liên hồ chứa được rà soát, điều chỉnh; nguồn nước phục vụ đa mục tiêu được điều tiết; các giải pháp, đối sách trong chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới được chủ động đề xuất.
“Hiện Bộ đã đề xuất và cũng đang thực hiện quy trình liên hồ chứa tốt hơn, hiệu quả hơn để bảo đảm đa mục tiêu: Vừa giữ nước, vừa điều hòa nước trong các mùa cho các đối tượng sử dụng nước. Về nước cho thủy điện, vừa đáp ứng mục tiêu sản xuất điện, vừa điều tiết nước cho phát triển sản xuất nông nghiệp, cho sinh hoạt đô thị, nông thôn”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bộ cũng đã tập trung triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giải quyết tháo gỡ các vướng mắc để phát huy tiềm năng lợi thế của các vùng biển, ven biển cho phát triển. Các địa phương ven biển tiếp tục là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đang hình thành những cực tăng trưởng mới như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định…
Bộ TN&MT đã thực hiện điều tra, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải rắn, các giải pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ ô nhiễm để vừa bảo đảm yêu cầu tăng trưởng, vừa bảo vệ môi trường.
“Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta lấy phát triển kinh tế là điều kiện cần nhưng điều kiện đủ là phải bảo vệ môi trường. Hai vấn đề này không thể tách rời nhau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng ghi nhận, công tác dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục được nâng cao; dự báo sớm được các xu thế thời tiết phục vụ sản xuất và đời sống, đặc biệt là đã dự báo sát, kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có các cơn bão lớn, góp phần chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, Bộ đã chủ động triển khai tổng kết, sơ kết đánh giá các chủ trương, chính sách để tiếp tục hoàn hiện nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Không để xảy ra các sự cố môi trường
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý, ngành TN&MT còn đứng trước nhiều tồn tại, thách thức. Việc quản lý, sử dụng, khai thác các nguồn tài nguyên ở một số địa phương còn để xảy ra tình trạng lãng phí, hiệu quả chưa cao, nhiều nơi bị suy thoái. Khiếu kiện về đất đai có giảm nhưng còn rất bức xúc, còn nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài, phải qua nhiều cấp xử lý.
Công tác bảo vệ tài nguyên nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, chất lượng môi trường nước tại một số đoạn trên các lưu vực sông lớn vẫn bị ô nhiễm.
“Chúng ta đang đứng nguy cơ thiếu hụt nhiều nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước”, Phó Thủ tướng nêu. Bên cạnh đó, lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng, trung bình 10 – 16%/năm tỷ được tái sử dụng, tái chế còn thấp; ô nhiễm không khí tại một số đô thị có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm.
Từ đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cho phát triển đất nước, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường, không để xảy ra các sự cố môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi cho phát triển bền vững là yêu cầu đặt ra đối với ngành trong năm 2020 và giai đoạn tới.
Bộ TN&MT ra mắt Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGFONET) |
“Nhiệm vụ của ngành TN&MT là rất nặng nề. Không ngành kinh tế nào không gắn với tài nguyên, môi trường”, Phó Thủ tướng đánh giá, từ đó yêu cầu Bộ TN&MT hoàn thiện hệ thống chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật bảo đảm đồng bộ, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển. Trong đó, trọng tâm là sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai, tiếp cận cơ chế thị trường, đổi mới phương pháp định giá đất, quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên đất; sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện liên thông, bảo đảm thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn lực tài nguyên.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ TN&MT cần triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chiến lược phát triển biển quốc gia gắn với các bộ, ngành liên quan, trong đó tập trung làm rõ vấn đề về đấu giá đất, xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích đầu tư, tích tụ, tập trung ruộng đất; kiểm kê quỹ đất toàn quốc; hoàn thành dứt điểm việc rà soát, xử lý đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp; giải quyết căn bản tình trạng lãng phí, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai; đẩy nhanh tiến độ tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu, kết nối liên ngành, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án trọng điểm của quốc gia.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, an ninh nguồn nước đang là vấn đề hết sức cấp bách đối với Việt Nam. Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước do gia tăng về ô nhiễm nguồn nước và đặc biệt là khan hiếm nguồn nước dưới tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, Bộ TN&MT cần kiểm kê, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước; tiếp tục đổi mới quản trị tài nguyên nước quốc gia; sớm hoàn thành việc lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông liên tỉnh; nghiên cứu, đề xuất ngay các giải pháp tổng thể để tăng cường khả năng trữ nước, trước mắt ưu tiên những vùng thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động tham mưu chủ trương, đối sách của Việt Nam trong các vấn đề xuyên biên giới.
Bộ TN&MT cần tập trung điều tra khoáng sản ở các vùng có nhiều tiềm năng, các khoáng sản chiến lược; tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; nghiên cứu, điều tra tai biến địa chất; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, giao thông vận tải, cấp ủy chính quyền các cấp ngăn chặn khai thác cát sỏi, phòng chống sạt lở bờ sông, ven biển.
Thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường đòi hỏi phải hành động để tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ với môi trường. Bởi vậy, Bộ TN&MT cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tăng cường trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhà sản xuất, người gây ô nhiễm; thiết lập cơ chế sàng lọc dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; bảo vệ các khu vực nhạy cảm về môi trường; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi đô thị và khu dân cư; khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi dần cơ cấu sử dụng năng lượng; kiểm soát chặt chẽ nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao bằng công nghệ giám sát tự động; chuyển đổi cơ cấu năng lượng, thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông, hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục ở các đô thị và khu công nghiệp.
Bộ TN&MT cần chuẩn bị hạ tầng phục vụ quản lý thông minh dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tập trung xây dựng dữ liệu nền địa lý, dữ liệu địa hình, không gian, cung cấp các dịch vụ vệ tinh, kết nối vạn vật sẵn sàng cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng đô thị thông minh, tự động hóa trong các hoạt động vận tải, giám sát các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản; ứng dụng công nghệ tự động trong quan trắc, giám sát tài nguyên nước và các hoạt động khai thác, sử dụng nước, giám sát biến đổi khí hậu. Bộ cần nghiên cứu và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng mới như địa nhiệt, khí đá phiến, khí hóa than, năng lượng biển… Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phải ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục đề cao kỷ luật, kỷ cương, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả; thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cũng tại hội nghị, Bộ TN&MT ra mắt Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGFONET) nhằm nâng cao chất lượng xác định vị trí, tọa độ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.
Ý kiến ()