Sử dụng cao chiết lá hồi trong bảo quản quả quýt
– Tại cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” năm 2021, một dự án của thanh niên Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn đã giúp kéo dài thời gian bảo quản quả quýt từ 6 ngày lên 30 ngày, đó là cao chiết lá hồi. Sản phẩm không chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản quả quýt mà còn có giá thành rất thấp, chỉ 7.000 đồng là có thể bảo quản cả tạ quả.
Quýt là một trong những sản phẩm đặc sản của Lạng Sơn, tuy nhiên, quá trình thu hái, vận chuyển thường bị hỏng nhiều, ngoài nguyên nhân vật lý thì còn do nấm, vi sinh vật khiến quả quýt bị thối, hỏng. Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, tinh dầu hồi có tác dụng kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn, được dùng làm thuốc sát khuẩn, trị nấm ngoài da. Tinh dầu hồi còn được dùng để sản xuất, chế biến thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc, diệt chấy, rận và một số ký sinh trùng ở gia súc. Vì vậy, nhóm nghiên cứu gồm: cô giáo Đào Thị Bách Diệp, giáo viên môn Hóa học và các học sinh Bùi Phúc Hưng, Vy Trung Giáp lớp 12B, Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn nghiên cứu khả năng sử dụng cao chiết lá hồi trong bảo quản quả quýt Bắc Sơn.
Thành viên nhóm nghiên cứu tiến hành tách chiết cao lá hồi
Cô Đào Thị Bách Diệp, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Cao chiết lá hồi được chúng tôi tạo ra bằng cách thu hái lá hồi tươi sau khi sơ chế sạch, ngâm vào dung dịch cồn và chưng cất dưới áp suất cao. Khi chiết thành cao, chúng tôi sử dụng một lượng nhỏ hòa với nước ấm, để nguội rồi tiến hành các bước bảo quản quả quýt. Cụ thể quýt được bảo quản là những quả không bị dập hỏng, quả ương, sau khi rửa sạch, để khô tự nhiên cho nhúng vào dung dịch cao chiết lá hồi, vớt lên để khô và bảo quản ở nơi thoáng mát.
Với cách làm này, quả quýt có thể tươi lâu đến 30 ngày mà vẫn giữ được nguyên mùi vị và màu sắc. Trong khi đó, quả quýt bảo quản tự nhiên chỉ giữ được độ tươi ngon trong 6 ngày. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, chỉ mất 570.000 đồng, nhóm đã có thể sản xuất được 10 kg dung dịch cao chiết lá hồi và chỉ mất 7.000 đồng thì có thể sử dụng dung dịch cao chiết lá hồi để bảo quản cho 100 kg quýt.
Anh Lăng Văn Chí, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Cao chiết lá hồi có tác dụng tích cực trong bảo quản quả quýt, với chi phí thấp mà giúp quả quýt được bảo quản trong trong thời gian dài. Nếu sản phẩm này được sản xuất đại trà sẽ mang lại lợi ích lớn cho xã hội, đồng thời nâng cao giá trị cây hồi. Với tính ứng dụng cao và giá trị trong thực tiễn, dự án này đã đạt giải ba tại cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” năm 2021 diễn ra tháng 12/2021 do Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội Sinh viên tỉnh tổ chức.
Cô Đào Thị Bách Diệp cho biết thêm: Cùng với nghiên cứu cao chiết lá hồi trong bảo quản quả quýt thì nhóm đã và đang nghiên cứu tác dụng của cao chiết lá hồi với việc bảo quản quả cam và cho thấy kết quả rất khả quan, tới đây nhóm sẽ nghiên cứu trong bảo quản bưởi, chanh, dứa, thanh long… Hiện tại, nhóm cũng đang lên kế hoạch xây dựng quy trình sản xuất đại trà, thành lập cơ sở sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ người sản xuất, kinh doanh quýt trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 1.400 ha quýt sản lượng thu hoạch hằng năm từ 3.000 đến 3.500 tấn, trong đó, tỷ lệ hao hụt trong quá trình thu hái, vận chuyển, bảo quản là rất lớn. Với chi phí bảo quản thấp, cách bảo quản quả quýt từ dung dịch cao chiết lá hồi sẽ góp phần nâng cao giá trị của quả quýt khi mà người sản xuất có thể đưa loại quả đặc sản này đi xa hơn, đồng thời nâng cao giá trị của cây hồi – loại cây vốn chỉ được thu hoạch quả.
HOÀNG VƯƠNG

Ý kiến ()