Sử dụng bao bì, sản phẩm chất liệu giấy: Hướng tới môi trường xanh
– Những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã sử dụng bao bì, sản phẩm làm từ chất liệu giấy thay cho nhựa và nilon nhằm hạn chế rác thải nhựa, từng bước hướng tới môi trường xanh.
Huyện Tràng Định hiện có 3 cơ sở đăng ký kinh doanh sản phẩm thạch đen. Nếu như trước đây, sản phẩm thạch đen được đựng trong hộp nhựa dùng một lần thì kể từ năm 2019 trở lại đây, sản phẩm thạch đen Tràng Định được các hộ sản xuất chú trọng đến hình thức mẫu mã và bao bì sản phẩm và chuyển sang sử dụng hoàn toàn bằng hộp giấy. Những ngày hè khi chưa có dịch Covid-19, sản phẩm tiêu thụ nhiều các cơ sở này sử dụng từ 1.500 đến 2.000 hộp giấy để đựng thạch đen.
Ngoài thạch đen, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh ngọt, bánh mỳ, cháo, trà sữa, cafe… trên địa bàn huyện cũng đã sử dụng bao bì bằng giấy để đựng sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, chủ cơ sở sản xuất bánh Minicake, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định chia sẻ: Khi cơ sở bắt đầu hoạt động, tôi đã sử dụng bao bì chất liệu giấy để đựng các loại bánh. Mỗi tuần, tôi sử dụng trên 1.000 túi giấy, hộp giấy các loại. Mặc dù một bao bì chất liệu giấy có giá khoảng 3 nghìn đồng, gấp 3-4 lần so với bao bì bằng nhựa hoặc nilon, nhưng tôi vẫn giữ phương châm kinh doanh của cửa hàng, đó là sử dụng chất liệu an toàn cho thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Cơ sở sản xuất cháo dinh dưỡng tại thành phố Lạng Sơn sử dụng cốc giấy đựng cháo
Còn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, nhiều cửa hàng cũng chuyển sang dùng bao bì sản phẩm bằng giấy. Chị Lê Việt Nga, chủ cửa hàng Cháo Mẹ Thỏ, phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Cửa hàng cháo của tôi chuyên chế biến các loại cháo dinh dưỡng cho trẻ em, mỗi ngày tôi sử dụng gần 400 cốc giấy. Tôi sử dụng cốc giấy để đựng cháo cho khách bởi cốc giấy có thể in tên và thông tin của cơ sở mình, góp phần quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, các hình vẽ hoạt hình in trên cốc khiến cho sản phẩm của tôi trông đẹp mắt hơn, kích thích vị giác của các bé và góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Loại bao bì giấy thường được các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh sử dụng làm từ chất liệu giấy Kraft (giấy tái sinh) có màu vàng nâu đặc trưng, dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên và có khả năng tái chế. Bên cạnh các cửa hàng kinh doanh, sản xuất thực phẩm, một số cửa hàng kinh doanh thời trang, đặc biệt là các sản phẩm thương hiệu nhượng quyền, có cơ sở tại Lạng Sơn như: Việt Tiến, SIXDO, IVY Moda, Seven,… cũng sử dụng túi giấy, hộp giấy để đựng sản phẩm cho khách hàng. Các phòng khám tư nhân như: Phòng khám Đa khoa Ngọc Lan, Phòng khám Đa khoa quốc tế Phú Lộc… cũng đã sử dụng cốc giấy uống nước thay thế cho cốc nhựa dùng một lần tại các khu vực khám bệnh để bệnh nhân sử dụng.
Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: Qua khảo sát của chi cục, đến nay, tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã có cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng bao bì, các sản phẩm từ chất liệu giấy thay cho nhựa và túi nilon. Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức về số lượng các cơ sở sử dụng bao bì giấy nhưng đây là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ nhận thức của người dân, đặc biệt là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chuyển biến tích cực trong việc giảm thiểu rác thải nhựa.
Để tuyên truyền và phổ biến sâu rộng nâng cao ý thức chủ động, thay đổi thói quen của người dân trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa, tháng 11/2020, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh đã phát động phong trào chống rác thải nhựa và thực hiện trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường tại chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn. Trong số các sản phẩm được trưng bày, có 11/19 sản phẩm làm từ giấy. Năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát hành khoảng 3.000 tờ rơi về phòng, chống rác thải nhựa, trong đó một trong những giải pháp đầu tiên đó là sử dụng các loại bao bì làm từ giấy…
Mới đây, ngày 18/5/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch số 44 về triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, Chi cục Bảo vệ môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền cấp cơ sở thực hiện một số nội dung như: tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa và túi nilon khó phân huỷ; khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân huỷ, tái sử dụng, thân thiện với môi trường; phân loại rác tại nguồn. Trước hết, thực hiện thí điểm tại các trường học trên địa bàn thành phố Lạng Sơn (giai đoạn 2021 – 2022) và nhân rộng đối tượng, khu vực cho đến năm 2025.
Có thể khẳng định, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là những người tham gia sản xuất, kinh doanh trong việc sử dụng các chế phẩm sinh học, tự phân hủy thay cho các sản phẩm nhựa, nilon là vấn đề quan trọng cần được các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai nhằm đẩy mạnh phòng, chống rác thải nhựa, hướng tới xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn tỉnh
HOÀNG NHƯ
Ý kiến ()