Sự đồng bộ, xuyên suốt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã bàn thảo và quyết định chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây được coi là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp thực tiễn hiện nay. Có thể nói, Đảng ta một lần nữa thể hiện quyết tâm rất lớn trong cuộc đấu tranh đầy khó khăn, phức tạp này để góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Chống tham nhũng là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặt ra từ lâu và ngày càng quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Năm 2006, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng được thành lập, là cơ quan trực thuộc Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Sau đó, các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh (do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban) được thành lập theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2007).
Năm 2012, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI quyết định Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo; tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng, có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương.
Đến nay, sau 10 năm, có thể thấy công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự đột phá, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn chưa bị đẩy lùi và còn có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tại nhiều địa phương, hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả; quá trình lãnh đạo, chỉ đạo việc phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở một số nơi bộc lộ bất cập.
Vì vậy, tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương về tổ chức bộ máy cũng như quyết tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngay trong phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị: Trung ương nghiên cứu, xem xét, quyết định về những kiến nghị, đề xuất nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần tôi đã nhiều lần nói là “Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt!”.
Quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ hiện diện ở lời nói, hành động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ở tinh thần thống nhất rất cao của Ban Chấp hành Trung ương đối với chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mà đã thể hiện khá rõ ở các cấp ủy, chính quyền địa phương. Đó là qua quá trình góp ý xây dựng Đề án thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tất cả 63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí thành lập. Và trong thực tế, dù chưa có quy định nhưng một số địa phương như Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng… đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết, đề án, chương trình hành động của tỉnh ủy, thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Tỉnh ủy An Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu, giúp Tỉnh ủy chỉ đạo, xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp xảy ra trên địa bàn…
Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập đã đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng, không nghỉ và được triển khai quyết liệt từ Trung ương tới địa phương, sẽ không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương, ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ giải quyết những vấn đề trọng tâm như: Chỉ đạo, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, thành phố. Ngoài quan tâm đến xử lý tham nhũng lớn, ban chỉ đạo cũng phải quan tâm xử lý “tham nhũng vặt”. Nhiều cán bộ, công chức khi giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp còn có tư tưởng ban phát, có qua, có lại cho nên tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn hiệu quả. Ban chỉ đạo còn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng tại địa phương…
Với những vấn đề trọng tâm nêu trên, ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần có các nhiệm vụ và quyền hạn tương xứng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện được công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương; nhất là phải có đủ quyền lực để xử lý đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân khi không chấp hành sự chỉ đạo của ban chỉ đạo. Thành phần ban chỉ đạo cũng phải bảo đảm sự độc lập cần thiết với cơ quan quản lý nhà nước.
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Tham nhũng chỉ có thể nảy nòi, lây lan khi người có quyền lực bị tha hóa và sự kiểm soát quyền lực bị vô hiệu. Vì vậy, sự ra đời của ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm gia tăng sức mạnh con người để vận dụng và sử dụng bộ công cụ kiểm soát quyền lực một cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn. Hình dung về bộ máy của một ban đặc trách với các thành viên là người đứng đầu Ban Nội chính, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, giám đốc công an tỉnh/thành phố dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban là Bí thư Tỉnh ủy, thì khi đó, từ các nguồn phản ánh, tiếp nhận đến chủ động kiểm tra, phát hiện, nhận diện các dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực sẽ nhanh chóng có sự chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, mạnh mẽ.
Vấn đề quan trọng là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống công quyền cần được gắn liền với việc thúc đẩy xây dựng chính sách, thiết chế luật pháp. Trong đó chú trọng phát huy vai trò độc lập, chủ động của bộ máy ủy ban kiểm tra, sự luân phiên để kiểm tra chéo lẫn nhau giữa các thành viên, kể cả sử dụng hình thức biệt phái kiểm tra đột xuất. Cần gắn kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác cán bộ (tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, giám sát và kỷ luật), nhất là cán bộ cấp chiến lược. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa là thước đo việc kiểm soát quyền lực, vừa là phương thức để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đạo đức, năng lực, trách nhiệm, liêm chính…
Dư luận cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân đánh giá cao chủ trương của Trung ương và mong rằng, ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sớm được thành lập, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đi vào hoạt động, tạo động lực mới và những chuyển động rõ nét ở địa phương, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi, biểu hiện tham nhũng, tiêu cực ở các cấp cơ sở, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Ý kiến ()