Sự cố lưới điện do bão số 8 gây ra đã được khắc phục
Cán bộ kỹ thuật Chi nhánh điện TP Nam Định khắc phục sự cố mất điện sau cơn bão số 8 tại trạm biến áp Cồn Găng, phường Vị Xuyên. * Bão gây thiệt hại gần 3.900 tỷ đồng* Cảnh báo triều cường tại TP Hồ Chí Minh* Nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh ở miền trung, Tây NguyênTheo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Biển động mạnh. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động; ở khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh. Ở các tỉnh Bắc Bộ đêm và sáng trời rét.Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, ngày 30-10, một người dân bị mất tích ở Thái Bình đã trở về an toàn. Thống...
Cán bộ kỹ thuật Chi nhánh điện TP Nam Định khắc phục sự cố mất điện sau cơn bão số 8 tại trạm biến áp Cồn Găng, phường Vị Xuyên. |
* Bão gây thiệt hại gần 3.900 tỷ đồng
* Cảnh báo triều cường tại TP Hồ Chí Minh
* Nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh ở miền trung, Tây Nguyên
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Biển động mạnh. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động; ở khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh. Ở các tỉnh Bắc Bộ đêm và sáng trời rét.
Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, ngày 30-10, một người dân bị mất tích ở Thái Bình đã trở về an toàn. Thống kê tổng thiệt hại do bão số 8 về tài sản của các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế lên tới 3.896 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31-10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã khắc phục hoàn toàn các sự cố trên lưới điện 220kV; đồng thời khắc phục xong sự cố 28/29 đường dây và 7/7 trạm biến áp (TBA) 110kV. Hiện chỉ còn lưới điện phân phối của năm tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất sau bão được khẩn trương khắc phục.
Ngày 31-10, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức cuộc họp khẩn với các ngành, huyện, thành phố về việc thống kê thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão số 8. Sau khi nghe báo cáo chi tiết, UBND tỉnh Thái Bình đã bổ sung mức độ thiệt hại về nông nghiệp, cơ sở hạ tầng là 2.662 tỷ đồng. Trước đó, ngày 29-10, tỉnh Thái Bình đã thống kê ban đầu mức độ thiệt hại 1.400 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 30-10, tỉnh thống kê thêm thiệt hại là 1.800 tỷ đồng.
Đến nay, phần lớn các huyện và TP Nam Định đã có điện trở lại. Riêng huyện Giao Thủy mới khôi phục được 50% hệ thống. Tỉnh đã vận hành bảy máy bơm điện, 204 máy bơm dầu tiêu úng. Còn tại Thái Bình đã có 40% địa bàn có điện; sóng di động được khôi phục ở một số khu vực. Tỉnh Ninh Bình cơ bản đã khắc phục xong mạng lưới điện trên toàn địa bàn cũng như khắc phục xong tình trạng ngập úng. Tỉnh Thanh Hóa sử dụng sáu trạm gồm 74 máy bơm điện vào tiêu úng. Riêng Hải Phòng chỉ còn có các xã ven thành phố là chưa có điện, song địa phương cũng đã nỗ lực đưa vào vận hành 68 máy bơm của năm trạm và khơi thông 65 cống tiêu nước.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước cao nhất trên các sông và kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh đang lên nhanh theo triều, mức nước đỉnh triều có khả năng đạt mức báo động 3. Để chủ động phòng, chống, TP Hồ Chí Minh yêu cầu UBND các quận, huyện chủ động cơi đắp, xử lý ngay theo phương châm “bốn tại chỗ” các sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố tràn bờ, vỡ bờ bao, không để xảy ra ngập úng kéo dài ảnh hưởng đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Các cơ quan, đơn vị liên quan sẵn sàng lực lượng, nhiên liệu, kiểm tra hệ thống điện; kiểm tra, vận hành hiệu quả các cửa xả, cống, đập ngăn triều, máy bơm nước di động để kịp thời huy động khắc phục các sự cố ngập úng do triều cường gây ra.
UBND tỉnh Vĩnh Long đã có đoàn công tác đến hiện trường sạt lở khảo sát, nắm tình hình thiệt hại của người dân trong vụ sạt lở đê bao ven sông Tiền vào tối 29-10, nhấn chìm và hư hại 25 lồng bè nuôi cá điêu hồng (10 tấn/bè), vỡ bốn ao nuôi cá giống (hơn 7tấn/ao), của người dân ấp An Long, xã An Bình, huyện Long Hồ. Đoàn đã khảo sát toàn bộ tuyến đê bao cặp bờ sông Tiền. Tại khu vực sạt lở xuất hiện nhiều vết nứt mới ăn sâu vào đất liền khoảng 5m, nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở trong thời gian tới. UBND tỉnh giao các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở để sớm đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở cho toàn tuyến về lâu về dài.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa quyết định đầu tư kinh phí gần 434 tỷ đồng để triển khai kiên cố hóa 394 tuyến kênh loại 3 với tổng chiều dài 333 km. Mục tiêu của Đề án là sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và cấp nước cho các ngành kinh tế khác; tiết kiệm điện năng tiêu thụ, giảm chi phí duy tu bảo dưỡng, chi phí quản lý, tăng mức bảo đảm cấp nước đến mặt ruộng và mở rộng thêm diện tích được tưới chủ động; kết hợp phát triển giao thông nông thôn, góp phần cải thiện môi trường.
Ngày 31-10, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát buôn bán gia súc, gia cầm khu vực miền trung – Tây Nguyên. Hội nghị đánh giá, khu vực miền trung – Tây Nguyên, dịch bệnh tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn là điểm “nóng” của cả nước. Từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước có 32 tỉnh, thành phố xuất hiện cúm gia cầm, tiêu hủy hơn 610 nghìn con; dịch lở mồm long móng xuất hiện ở bảy tỉnh, thành phố. Riêng bệnh tai xanh ở lợn hiện có ở 23 tỉnh, số lượng tiêu hủy gần 45 nghìn con, trong đó bốn tỉnh thuộc khu vực miền trung – Tây Nguyên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; tăng cường giám sát và phát hiện ổ dịch; xử lý tiêu độc khử trùng triệt để; triển khai kế hoạch phòng bệnh bằng vắc-xin (kể cả vắc-xin bệnh tai xanh ở lợn), tiêm bao vây chống dịch; kiểm soát vận chuyển, buôn bán tiêu thụ gia súc, gia cầm…
Đoàn kiểm tra của Phòng Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) vừa phát hiện và tiến hành tiêu hủy đàn vịt 2.000 con bị nhiễm cúm A (H5N1) ở đội 7, thôn Đoàn Kết, xã Tịnh Ấn Đông. Ngay sau khi tiêu hủy, cơ quan thú y của huyện cũng đã tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột tại khu vực chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()