Theo NHK, ngày 1-4, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, mức phóng xạ trong các mẫu đất thu được ở làng I-i-ta-tê, cách Nhà máy điện Phư-cư-si-ma số 1 khoảng 40 km đã vượt hai lần ngưỡng phải sơ tán. IAEA khuyến cáo Chính phủ Nhật Bản cần đánh giá cẩn thận tình hình tại đây. Chánh Văn phòng Chính phủ Nhật Bản Y. Ê-đa-nô nói rằng, việc sơ tán người dân gần nhà máy điện hạt nhân này sẽ là "một chiến dịch lâu dài".Trong khi đó, có thêm nhiều dấu hiệu nghiêm trọng được phát hiện về mức độ nhiễm phóng xạ trong và gần Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1. Công ty Điện lực Tô-ki-ô (TEPCO) đã phát hiện chất phóng xạ cao gấp khoảng 10.000 lần giới hạn cho phép trong nước ngầm chung quanh lò phản ứng số 1 của nhà máy này hôm 31-3. Hãng tin Ki-ô-đô của Nhật Bản dẫn lời một quan chức TEPCO cho biết, mức độ phóng xạ nêu trên là 'cực kỳ cao' và đây là lần đầu người ta phát hiện phóng xạ trong nước ngầm kể từ ngày 11-3 khi...
Theo NHK, ngày 1-4, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, mức phóng xạ trong các mẫu đất thu được ở làng I-i-ta-tê, cách Nhà máy điện Phư-cư-si-ma số 1 khoảng 40 km đã vượt hai lần ngưỡng phải sơ tán. IAEA khuyến cáo Chính phủ Nhật Bản cần đánh giá cẩn thận tình hình tại đây. Chánh Văn phòng Chính phủ Nhật Bản Y. Ê-đa-nô nói rằng, việc sơ tán người dân gần nhà máy điện hạt nhân này sẽ là “một chiến dịch lâu dài”.
Trong khi đó, có thêm nhiều dấu hiệu nghiêm trọng được phát hiện về mức độ nhiễm phóng xạ trong và gần Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1. Công ty Điện lực Tô-ki-ô (TEPCO) đã phát hiện chất phóng xạ cao gấp khoảng 10.000 lần giới hạn cho phép trong nước ngầm chung quanh lò phản ứng số 1 của nhà máy này hôm 31-3. Hãng tin Ki-ô-đô của Nhật Bản dẫn lời một quan chức TEPCO cho biết, mức độ phóng xạ nêu trên là 'cực kỳ cao' và đây là lần đầu người ta phát hiện phóng xạ trong nước ngầm kể từ ngày 11-3 khi xảy ra thảm họa động đất và sóng thần gây hỏng hệ thống làm mát chính của Nhà máy Phư-cư-si-ma số 1. Nhà chức trách Nhật Bản đang đề nghị các cơ quan chức năng xem xét áp dụng các biện pháp đối với khu vực có phóng xạ bên ngoài vùng bán kính 20 km đã được sơ tán quanh nhà máy. Lãnh đạo TEPCO nhấn mạnh, việc giảm nhiệt độ bên trong các lò phản ứng là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Ngoài ra, TEPCO đang đối mặt ba thách thức lớn khác là loại bỏ muối khỏi các lò phản ứng để làm chậm quá trình ăn mòn, hạn chế phóng xạ bị rò rỉ ra khỏi các tòa nhà có chứa lò phản ứng và dỡ bỏ các thanh nhiên liệu ra khỏi các lò phản ứng tại nhà máy trên.
* Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di, nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Nhật Bản kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần hôm 11-3, đã thảo luận với Thủ tướng nước chủ nhà N.Can về sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện Phư-cư-si-ma số 1. Phát biểu ý kiến trong chuyến thăm, Tổng thống Xác-cô-di đề nghị các nhà quản lý hạt nhân thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tổ chức họp vào đầu tháng 5 tới để xây dựng các quy chuẩn quốc tế về an toàn hạt nhân. Ông kêu gọi các nước lập các tiêu chuẩn an toàn chung về hạt nhân để bảo đảm sẽ không lặp lại một cuộc khủng hoảng hạt nhân như ở Nhật Bản. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản N.Can cho biết, ông sẽ xem xét lại toàn bộ kế hoạch xây dựng thêm ít nhất 14 nhà máy điện hạt nhân trong giai đoạn 2010-2030 của nước này và cho rằng Nhà máy Phư-cư-si-ma số 1 sẽ phải ngừng hoạt động.
* Theo NHK, ngày 1-4, quân đội Mỹ phối hợp các Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) mở chiến dịch chung lớn tìm các nạn nhân mất tích sau trận động đất và sóng thần hôm 11-3 vừa qua. Chiến dịch được thực hiện trong ba ngày, tại các vùng biển thuộc ba tỉnh bị thiệt hại nặng nhất, gồm I-oa-tê, Mi-y-a-ghi và Phư-cư-si-ma. Hiện còn 16.400 người vẫn mất tích sau thảm họa nói trên. Tướng R. Ô-ri-ki, người đứng đầu SDF, cho biết, một nhóm kiểm soát phóng xạ của Mỹ gồm 140 thành viên sẽ sớm tới Nhật Bản hỗ trợ giải quyết sự cố hạt nhân. IAEA cũng sẽ cử một chuyên gia môi trường biển tới Nhật Bản để phân tích nước biển chung quanh Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 theo đề nghị của Chính phủ Nhật Bản. Sắp tới, Pháp cử thêm 20 chuyên viên kỹ thuật hạt nhân tới Nhật Bản giúp giải quyết sự cố hạt nhân.
* Theo mạng tin của tờ Thời báo (Mỹ), ngày 1-4, Chính phủ Nhật Bản quyết định sẽ quản lý Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 thay TEPCO trong bối cảnh dư luận ngày càng lo ngại về cách đơn vị này khắc phục sự cố hạt nhân cũng như khoản bồi thường 'kếch xù' mà TEPCO sẽ phải chi trả.
* Nhà chức trách Nhật Bản thông báo họ không thể quy tập khoảng 1.000 thi thể nằm trong bán kính 20 km của nhà máy này vì lo ngại các thi thể đó bị phơi nhiễm lượng phóng xạ cao. Công việc xử lý các thi thể nạn nhân tại khu vực này sẽ phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí. Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản M. Xa-cư-rai ước tính, Chính phủ nước này cần chi khoảng 120 tỷ USD ngân sách khẩn cho các hoạt động cứu trợ và tái thiết đất nước.
* Liên quan vấn đề an toàn thực phẩm, Chính phủ Nhật Bản đã cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho tất cả hàng nông sản xuất khẩu để làm dịu quan ngại của các nước về sự an toàn thực phẩm sau vụ rò rỉ phóng xạ ở khu vực đông – bắc nước này. Hiện Liên hiệp châu Âu (EU) và nhiều nước đã tăng cường các biện pháp kiểm soát việc nhập khẩu thực phẩm của Nhật Bản.
Chưa phát hiện thực phẩm nhiễm phóng xạ ở Việt Nam |
Tại Hải Phòng, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Cơ quan Thú y vùng hai đã tiến hành kiểm tra khả năng nhiễm phóng xạ Cs-137 và I-131 của 19 mẫu thủy sản nhập từ Nhật Bản. Thông tin về kết quả đo sẽ được thông báo trong thời gian sớm nhất. Trước đó, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm nghiệm một mẫu thực phẩm chức năng và chín mẫu thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản đều không phát hiện nhiễm phóng xạ.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang tham mưu cho Bộ Y tế xây dựng, ban hành quy định tạm thời giới hạn phóng xạ đối với nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm… Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan theo dõi và cập nhật thông tin về vấn đề thực phẩm nhiễm xạ, từ đó đề ra các giải pháp ứng phó kịp thời.
Theo Nhandan
Ý kiến ()