Sự chuyển biến trong nhận thức
LSO-Từ năm 2017, người nhiễm HIV/ADIS sẽ không còn được bao cấp về thuốc chữa bệnh. Vì vậy, muốn có thuốc để điều trị lâu dài, bảo toàn mạng sống của mình, không có cách nào khác là người bệnh phải tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Cán bộ y tế phòng khám ngoại trú- Trung tâm Y tế Cao Lộc tư vấn cho bệnh nhân HIV khi dùng thuốc ARV |
Biết lo cho bản thân
Bị nhiễm HIV từ nhóm bạn tiêm chích, năm 2013, anh Hoàng Văn H. ở thị trấn Cao Lộc tưởng như cuộc đời mình bị đóng lại. Nghe lời khuyên của gia đình, anh xin vào chữa bệnh tại Trung tâm Y tế Cao Lộc và được thụ hưởng chương trình ARV. Nhờ uống thuốc và tham gia sinh hoạt nhóm, được trao đổi, tư vấn về vấn đề sức khỏe và tuân thủ quy trình, nguyên tắc điều trị, cuộc sống của anh đã đổi khác. Anh nói: “Chính những viên thuốc “thần kỳ” này đã cứu em, mang lại cho em hy vọng sống… Gần đây trong sinh hoạt nhóm, bác sĩ nói rằng sắp tới bản thân người bệnh sẽ phải tự lo tiền thuốc, vì thuốc viện trợ sẽ bị cắt, em cũng lo; về nói lại với vợ và chúng em bàn nhau vào đầu năm 2017 sẽ mua BHYT”.
Chị Dương Thị Th. ở thị trấn Lộc Bình đã được dùng ARV từ 6 năm nay và sức khỏe đã ổn định, sinh được con trai khỏe mạnh và không bị lây nhiễm bệnh từ mẹ. Chị phấn khởi nói rằng, chính nhờ có ARV mình mới được như hôm nay. Bằng những đồng tiền gom góp từ quán nước chị sẽ dành dụm mua thẻ BHYT tự nguyện để tiếp tục được uống ARV đảm bảo sức khỏe và nuôi con.
Đó là tâm sự của 2 trong số 628 bệnh nhân HIV đang điều trị bằng thuốc ARV tại 5 trung tâm y tế huyện và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Đối với họ, ARV được coi là “cẩm nang” đảm bảo duy trì sự sống; thiếu ARV, họ sẽ không còn tồn tại. Nhưng từ năm 2017, muốn duy trì được sự sống của bản thân, họ phải tự túc khoản tiền mua thuốc và các khoản chi phí xét nghiệm và chữa các bệnh cơ hội khác. Anh Đặng Văn C. bệnh nhân ở thành phố Lạng Sơn nói rằng: BHYT đối với những người khỏe mạnh có thể coi đó là sự “lo xa”, nhưng đối với người nhiễm HIV, thì nó chính là khoản chi trực tiếp theo “giá rẻ”. Vì nếu tính chi phí dùng ARV, thì mỗi năm cũng tốn trên 4 triệu đồng, còn các khoản khác như: xét nghiệm, chữa trị các bệnh cơ hội khác… nghĩ ra, tham gia BHYT là con đường duy nhất phải thực hiện.
Tăng cường tuyên truyền, tư vấn
Thống kê của cơ quan phòng chống HIV/AIDS cho thấy, đến tháng 10/2016, toàn tỉnh có 846 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có 628 người đang dùng thuốc ARV tại các phòng khám ngoại trú. Đến nay đã có 428 người có thẻ BHYT, đạt tỷ lệ 50,59% tổng số người nhiễm còn sống và chiếm tỷ lệ 68,2% số người đang dùng ARV. So với toàn quốc, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS ở Lạng Sơn tham gia BHYT khá cao, song trên thực tế người có thẻ BHYT chủ yếu được cấp không vì họ thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; số tham gia theo kênh tự nguyện rất thấp (chỉ từ 3-4%). Mặt khác, do nhiều nguyên nhân, phần lớn người bệnh có thẻ BHYT song không dùng.
Thạc sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Lạng Sơn cho biết: Công tác tuyên truyền và cải thiện dịch vụ y tế mang ý nghĩa quyết định. Trong suốt thời gian qua, nhất là trong những tháng đầu năm 2016, các phòng khám ngoại trú đã tăng cường tuyên truyền với hình thức trực tiếp, tờ rơi, sinh hoạt nhóm bệnh nhân và cả trong sinh hoạt câu lạc bộ HIV. Cùng với tuyên truyền vận động, các trung tâm đã phổ biến rộng và sâu Thông tư số 15/2015/TT-BYT, ngày 26/6/2015 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS”.
Quan niệm về HIV đã có nhiều thay đổi, sự kỳ thị, phân biệt của xã hội đối xử với những người nhiễm HIV đã bớt dần đi. Khi đi lĩnh thuốc, khám, xét nghiệm, chữa các bệnh cơ hội… người bệnh cảm thấy mình được đối xử bình đẳng, công bằng như những người bệnh bình thường thì họ cảm thấy tấm thẻ BHYT có giá trị. Mặt khác, trong điều kiện thông tuyến kỹ thuật tuyến xã và huyện, người bệnh cần phải được tạo điều kiện dễ dàng trong hưởng các dịch vụ y tế. Chỉ như vậy, công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2016 và đến năm 2020 mới hoàn thành được chỉ tiêu đề ra.
MINH HỒNG
Ý kiến ()