Sốt phát ban dạng sởi – những dấu hiệu biến chứng
LSO-Từ những ca sởi đầu tiên được ghi nhận đầu tháng 4/2014, đến nay bệnh sốt phát ban dạng sởi tại Lạng Sơn vẫn đang phát triển và có những dấu hiệu lan rộng ra các vùng trong toàn tỉnh.
Điều trị sốt phát ban dạng sởi cho trẻ em tại Khoa Truyền nhiễm, BVĐK |
Tay ôm đứa con nhỏ chưa đầy 4 tháng tuổi, chị Triệu Thị Muộn, thôn Bản Là, xã Thanh Lòa (Cao Lộc) cho biết, cách đây 5 ngày thấy bé sốt rất cao, hai mi mắt dính chặt, hai vợ chồng hoảng quá, không đưa con ra trạm xá xã, mà đưa thẳng đến BVĐK tỉnh. Chỉ sau 1 ngày, bé bắt đầu phát ban từ mặt đến toàn thân. Qua 5 ngày điều trị tích cực tại Khoa Truyền nhiễm, nay cháu đã đỡ sốt, ban bắt đầu “bay”; tuy vẫn còn biểu hiện rõ của viêm phổi, song cháu đã nở nụ cười ngộ nghĩnh khi được trêu đùa. Khác với trường hợp cháu bé của chị Muộn, cháu bé của chị Hoàng Thị Vui ở xã Tô Hiệu (Bình Gia) là trường hợp chuyển tuyến. Khi phát hiện con mình sốt cao, gia đình đưa cháu đến BV huyện Bình Gia từ ngày 19/4. Sau 2 ngày điều trị, thấy diễn tiến bệnh ngày càng nặng thêm, BV Bình Gia quyết định chuyển con chị đến BVĐK tỉnh. Đến nay, tuy vẫn còn rất mệt song cháu đã ăn được chút cháo chút sữa.
Tại phòng nhi của Khoa Truyền nhiễm của BVĐK còn có 1 trường hợp nữa là cháu gái 15 tháng tuổi của chị Nông Thu Hằng ở phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Chị cho biết, thấy con mình có sốt rất cao đến 40,2ºC, biểu hiện viêm họng, ho nhiều, anh chị vội chuyển cháu đến BVĐK và được biết cháu đã nhiễm vi rút sốt phát ban dạng sởi và biến chứng sang phổi. Kể từ khi viêm họng và sốt đến nay đã hơn 10 ngày bố mẹ vất vả vì cháu quấy khóc suốt đêm ngày. Qua điều trị tích cực, đến nay cháu đã đỡ nhiều. Điều đáng nói là tất cả 3 trường hợp mà chúng tôi tiếp xúc đều chưa được tiêm phòng bệnh sởi với rất nhiều lý do như cứ đến kỳ tiêm là cháu lại ốm nên không được tiêm, hoặc gia đình bận quá chưa đưa đi tiêm…
Làm việc với bác sĩ Ngô Thị Phương, trưởng Khoa Truyền nhiễm, chúng tôi được biết từ đầu tháng 4 đến nay, Khoa đã điều trị trên 40 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Những trường hợp này hầu hết đều có biến chứng. Những ca nặng ở rải rác các huyện và thành phố chuyển lên như Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Lãng, Cao Lộc…với biểu hiện rõ nhất là sốt, ho, viêm long đường hô hấp, sốt trên 38ºC và phát ban, biến chứng sang phổi ở mức độ khác nhau; nhiều trẻ có triệu chứng đi ngoài, loét miệng; có những trẻ sốt liên tục cả ngày lẫn đêm trong 2-3 ngày liền. Điều đặc biệt là loại bệnh này có diễn tiến rất nhanh, có khi chỉ vài tiếng đồng hồ đã khác, nên phải theo dõi rất thường xuyên và ứng phó kịp thời.
Tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh viện, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đội ngũ cán bộ nhân viên của khoa đã không quản ngại khó khăn, dành những phòng tốt nhất cho các “bệnh nhân nhí”. Vừa điều trị, vừa tư vấn cho các bậc cha mẹ cách chăm sóc con từ ăn, uống đến những sinh hoạt hàng ngày. Vì vây, phần lớn được điều trị tích cực và khỏi, ra viện sau 5 ngày đến 1 tuần, song cũng có những trường hợp biến chứng nặng sang nhiều bệnh khác nhau, nên thời gian điều trị đến 10 ngày và đã có 1 trường hợp biến chứng nặng dẫn đến suy hô hấp, phải chuyển lên tuyến Trung ương.
Qua thời gian bùng phát bệnh sốt phát ban dạng sởi và thực tế điều trị của Khoa Truyền nhiễm, bác sĩ Phương khuyến cáo các gia đình nên theo dõi chặt chẽ sức khỏe của con em mình, nhất là những trường hợp chưa được tiêm phòng bệnh sởi. Khi phát hiện cháu sốt, ho, chảy nước mắt, nước mũi, cần để cháu ở nhà mà không đưa đến trường học. Đây là bệnh do vi rút gây nên, vì vậy không được dùng kháng sinh cho trẻ nếu chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Các bậc cha mẹ cũng không quá nôn nóng mà đưa ngay cháu đến BV tuyến Trung ương, vì chưa chắc đã được điều trị ngay do quá đông bệnh nhân, ngược lại còn bị “nhiễm chéo” các bệnh khác. Trong những tháng giao mùa này, trẻ bị cúm sốt là chuyện bình thường, song cần theo dõi để phát hiện kịp thời sự “không bình thường” để đưa đến trạm xá xã để được theo dõi.
MINH HỒNG
Ý kiến ()