Châu chấu lan nhanh
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Sốp Cộp Hoàng Văn Ngọc, đây là năm thứ hai dịch châu chấu xuất hiện tàn phá hoa màu và rừng tre. Những ngày qua, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sốp Cộp đã hướng dẫn bà con dập dịch bằng cách phun thuốc, nhưng xem ra không ăn thua. Hiện đàn châu chấu vẫn phát triển, lan nhanh, gây hoang mang, lo lắng cho người dân. UBND huyện Sốp Cộp cho biết, tháng 5-2015 châu chấu xuất hiện ở Nà Vạc, thuộc xã Mường Lạn. Năm nay cũng thời gian đó châu chấu lại xuất hiện, nay đã lan rộng tới 14 bản, thuộc ba xã Mường Lạn, Mường Lèo, Sam Kha. Nếu năm 2015 châu chấu mới tàn phá 25 ha rừng măng tre bát độ và một số hoa màu thì nay đã có 9.076 ha bị nhiễm châu chấu. Trong đó, 8.196 ha rừng, 890 ha cây nông nghiệp bị châu chấu phá hoại. Qua quan sát, châu chấu thích ăn lá tre rừng tự nhiên, còn cây rừng khác không bị nhiễm cho nên từ xa nhìn rõ từng khoảng rừng bị “cháy” loang lổ. Mật độ châu chấu bám ở cây trồng nông nghiệp trên lúa nương 20 con/m2, ngô 50 con/m2, rừng tre đậm đặc đến hơn 300 con/m2.
Chúng tôi trở lại xã Mường Lạn là nơi bị châu chấu phá hoại từ hai tháng qua. Người dân kể lại, châu chấu bay kín trời, như một đám mây lớn đi qua, trời nắng bỗng tối sầm lại. Người đi xe máy gặp đàn châu chấu phải đỗ lại, không thể đi được. Chi hội trưởng nông dân bản Nà Khi, xã Mường Lạn Vì Văn Phanh cho biết: Nương lúa, ngô của bà con trong bản đều bị châu chấu phá hoại. Nhiều diện tích bị mất trắng, chỗ nhẹ thì khắc phục được, nhưng năng suất sẽ bị ảnh hưởng. Bản Nà Khi có 64 hộ dân thì 40 hộ thuộc diện nghèo, vụ tới con số hộ đói, nghèo chắc chắn sẽ tăng thêm, bà con sẽ khổ vì nạn châu chấu. Xã Mường Lạn có 15 bản thì tới 11 bản bị dịch châu chấu hoành hành, phá hoại hoa màu.
Tại trạm cửa khẩu Mường Lạn, giấy tờ dán trên tường bị châu chấu cắn nham nhở. Một số bà con thăm thân bên Lào về kể lại, dịch châu chấu đã xuất hiện ở Lào 4-5 năm rồi. Các bản Huổi Mỏ, Huổi Chá, Huổi Vẹ, thuộc xã Mường Sừm, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (Lào) bị châu chấu hoành hành mất ăn mất ngủ, thậm chí hết thức ăn chúng cắn cả mái gianh lợp nhà. Đây có thể là bằng chứng cảnh báo cho bà con ta ở vùng đang bị châu chấu phá hoại.
Chưa ngăn chặn được
Trước tình hình nêu trên, UBND huyện Sốp Cộp đã có báo cáo với các cơ quan chức năng của tỉnh. Theo dõi diễn biến của đàn châu chấu, tuyên truyền vận động người dân chủ động xua đuổi bảo vệ mùa màng. Huyện đã trích quỹ dự phòng 416 triệu đồng tổ chức phun thuốc diệt châu chấu. Qua theo dõi, những nơi phun thuốc châu chấu chết và không đến nữa, nhưng chúng lại di chuyển đến địa bàn khác. Mặt khác, châu chấu xuất hiện trên địa bàn rộng, phun thuốc cũng không xuể, chi phí rất lớn.
Hiện nay, đến thăm một số bản, người dân truyền tai nhau cho rằng châu chấu là tà ma, kinh nghiệm phải thắp hương cầu cúng. Đây là điều đáng lo ngại, bởi châu chấu không chỉ phá hoại mùa màng, mà còn mang đến những điều phiền toái, ảnh hưởng tư tưởng, cuộc sống của người dân.
Chúng tôi được biết, thời gian qua ngành nông nghiệp đã có nhiều đoàn đến huyện Sốp Cộp nghiên cứu, tìm hướng giải quyết nạn châu chấu. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có đơn vị nào đề xuất được giải pháp ngăn chặn dịch châu chấu. Một số ý kiến cho rằng, UBND tỉnh Sơn La nên nghiên cứu sớm công bố dịch. Nhưng Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La lại cho rằng, tuy mức độ lây lan nhanh, nhưng hậu quả chưa nghiêm trọng cho nên chưa tham mưu với tỉnh công bố dịch. Trong khi đó, ngày 24-6, đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN và PTNT, do Trưởng phòng Bảo vệ thực vật Hồ Đăng Cử dẫn đầu đến Sốp Cộp lại cho rằng cần công bố dịch. Nhưng từ khi đoàn về, chưa có kết quả hồi âm về tình hình dịch châu chấu đang hành hoành tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
Với tính chất phức tạp và mức độ nguy hại của dịch châu chấu, đề nghị UBND tỉnh Sơn La tích cực vào cuộc, tìm giải pháp giúp huyện ngăn chặn dịch châu chấu. Trước mắt cần bổ sung kinh phí mua thuốc dập dịch ở những nơi châu chấu có mật độ lớn. Đối với những rừng tre bị châu chấu ăn lá, tập trung đẻ trứng, có thể dùng biện pháp khoanh, làm đường ranh cản lửa để tiêu hủy ấu trùng châu chấu. Đối với huyện Sốp Cộp, tiếp tục theo dõi sát tình hình di chuyển của đàn châu chấu. Những diện tích cây trồng bị mất trắng cần giúp bà con chuyển sang trồng lạc là loại châu chấu không ăn lá.
Trong lúc cơ quan chức năng còn đang “nghiên cứu” cách phòng, chống nạn châu chấu thì nông dân huyện Sốp Cộp vẫn ngày đêm đối phó và đợi…
Ý kiến ()