Sóng thần Nhật Bản làm vỡ băng ở Nam Cực
Cơn sóng thần hôm 11/3 tại Nhật Bản mạnh đến nỗi nó làm vỡ nhiều khối băng lớn ở Nam Cực, nơi cách Nhật Bản vài nghìn km.
Tác động của trận sóng thần ngày 11/3 tại Nhật Bản vươn tới tận Nam Cực. Ảnh: infoeditors.com. |
Ngay khi sóng thần từ Thái Bình Dương ập vào bờ biển phía đông bắc Nhật Bản hôm 11/3, Kelly Brunt, một nhà khoa học của Trung tâm Chuyến bay vũ trụ Goddard tại Mỹ, và các đồng nghiệp sử dụng những bức ảnh từ vệ tinh để quan sát phần cực nam của trái đất.
“Ngay khi trận động đất tại Nhật Bản xảy ra chúng tôi biết rằng đó sẽ là một trong những cơn địa chấn mạnh nhất trong lịch sử hiện đại”, Brunt kể.
Theo Brunt, sau khi trận động đất dưới đáy Thái Bình Dương gây nên những cơn sóng khổng lồ từ tâm chấn. Những cơn sóng đó di chuyển về phía một thềm băng ở Nam Cực, nơi cách tâm chấn động đất chừng 13.600 km. Khoảng 18 giờ sau khi động đất xảy ra, những con sóng phá vỡ nhiều khối băng có tổng diện tích tương đương hai lần diện tích bề mặt quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ (tức hơn 64 km2). Theo những tài liệu lịch sử, khối băng đó không hề nhúc nhích trong 46 năm trước khi sóng thần xuất hiện.
Băng trong vùng biển phía trước thềm băng Sulzberger hầu như biến mất vào thời điểm sóng thần xảy ra. Giới khoa học cho rằng băng trên mặt biển làm giảm sức mạnh của sóng thần. Vào thời điểm sóng thần ập vào đảo Sumatra của Indonesia năm 2004, sóng không tới được Nam Cực vì vướng những khối băng trôi. Trong trường hợp thềm băng Sulzberger, sự biến mất của những tảng băng trên mặt vịnh khiến sóng thần vươn tới nó dễ dàng.
Trước đây giới khoa học từng chứng kiến các khối băng vỡ vì động đất. Nhưng đây là lần đầu tiên có người phát hiện chúng vỡ vì sóng thần.
Ý kiến ()