Sóng thần cao gần 100 m từng càn quét Trái Đất
Một cơn sóng thần khổng lồ có thể từng càn quét Trái Đất thời cổ đại. Ảnh minh họa: Express. |
Theo National Geographic, nhà địa lý học Dallas Abbott và đồng nghiệp đang thu thập bằng chứng chỉ ra từng có một thiên thạch khổng lồ va chạm với Trái Đất cách đây 10.000. Thiên thạch này có thể đã rơi xuống Ấn Độ Dương, tạo ra một đợt siêu sóng thần tràn vào bờ châu Phi. Ngọn sóng cao tới 91 m và mạnh hơn nhiều so với đợt sóng thần khiến 230 người chết ở Ấn Độ Dương năm 2004.
Theo Abbott, trên Trái Đất có nhiều dấu vết chứng tỏ trận sóng thần từng diễn ra. Đó là những dãy núi hình chữ V ở Madagascar và miệng núi lửa dưới đại dương giữa Madagascar và Australia. Abbot cho rằng lực va đập lớn hoặc lở đất từ núi lửa trên đảo Réunion đã châm ngòi cho trận sóng thần.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy sóng thần thường xuyên xảy ra cuối kỷ băng hà. Nhóm nghiên cứu của Abbott muốn tìm hiểu kích thước của những đợt sóng thần cũng như khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi sóng thần nhất.
Abbott đã thu thập 22 mẫu vật tìm thấy trong những dãy núi hình chữ V và công bố trong cuộc gặp thường niên Hiệp hội Địa vật lý ở San Francisco, Mỹ, diễn ra đầu tháng 12. Các mẫu vật có lượng muối carbonate khá cao. Theo Abbott, loại carbonate này đến từ hóa thạch cổ vi sinh vật sống ở đại dương và có niên đại khoảng 10.000 năm.
Abbott cho biết nhóm nghiên cứu tìm thấy chúng ở vách đá có độ cao 175 m. Để đưa được chúng lên độ cao này, ngọn sóng phải rất lớn và cao trên 90 m.
Tuy nhiên, một số chuyên gia về sóng thần phủ nhận giả thuyết của Abbott. Họ cho rằng cát carbonate có mặt ở nhiều dãy núi hình chữ V trên thế giới, vì thế những bằng chứng Abbott đưa ra không có sức thuyết phục.
Joanne Bourgeios, nhà địa chất trầm tích tại Đại học Washington, Mỹ, lập luận hướng gió chủ đạo đã sắp xếp các đụn cát thành hình chữ V mà không cần bất kỳ hiện tượng thiên nhiên vĩ đại nào khác. Nhưng Abbott khẳng định giả thuyết hướng gió không giải thích được vì sao hóa thạch của cổ sinh vật biển lại xuất hiện ở đó. Các hóa thạch sẽ biến thành bụi sau khi bị gió thổi qua 10 km. Hơn nữa, xét nghiệm mẫu cát cho thấy hóa thạch ra đời từ 10.000 năm trước nên lớp cát không thể mới hình thành gần đây.
Ý kiến ()