Sống ở vùng sạt lở
Nhiều hộ dân vùng hạ lưu sông Đà trên địa bàn TP Hòa Bình (Hòa Bình) đang đứng trước nguy cơ sạt lở nhà cửa, vườn bất cứ lúc nào. Hiện nay, hàng nghìn người dân sinh sống ở vùng hạ lưu sông Đà trên địa bàn huyện Kỳ Sơn và TP Hòa Bình (Hòa Bình) đang có nguy cơ bị sạt lở nhà cửa, vườn tược bất cứ lúc nào. Nguy cơ sạt lở không chỉ làm thiệt hại tài sản mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tính mạng cuộc sống của người dân nơi đây.Với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đặc biệt vào mùa mưa bão, lưu lượng xả lũ của thủy điện Hòa Bình lớn, cộng với địa hình bờ sông dốc đứng tại những vị trí dòng sông uốn cong, nguy cơ sạt lở bờ sông suối, kênh rạch luôn là mối ẩn họa với tính mạng và tài sản của nhân dân sống tập trung hai bên bờ thuộc hạ lưu sông Đà trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hòa Bình Trần Kim Phàn cho biết, vùng hạ lưu của đập...
Nhiều hộ dân vùng hạ lưu sông Đà trên địa bàn TP Hòa Bình (Hòa Bình) đang đứng trước nguy cơ sạt lở nhà cửa, vườn bất cứ lúc nào. |
Với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đặc biệt vào mùa mưa bão, lưu lượng xả lũ của thủy điện Hòa Bình lớn, cộng với địa hình bờ sông dốc đứng tại những vị trí dòng sông uốn cong, nguy cơ sạt lở bờ sông suối, kênh rạch luôn là mối ẩn họa với tính mạng và tài sản của nhân dân sống tập trung hai bên bờ thuộc hạ lưu sông Đà trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hòa Bình Trần Kim Phàn cho biết, vùng hạ lưu của đập thủy điện Hòa Bình hiện nay có khoảng hơn 10 nghìn người dân sinh sống. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm nhất hiện nay đối với chính quyền địa phương là nguy cơ sạt lở bờ sông khá cao, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân nơi đây. Hiện nay, vùng hạ lưu có khoảng vài trăm hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Trong đó hơn 120 hộ có nguy cơ sạt lở cao thuộc khu vực xã Hợp Thịnh khoảng 40 hộ, xã Trung Minh khoảng 20 hộ và khu vực phường Đồng Tiến 40 hộ..
TP Hòa Bình là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, với số lượng dân cư sinh sống tập trung chủ yếu ở hai bên bờ sông Đà, khu vực hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố thủy lực của dòng chảy và các kênh rạch trên địa bàn. Tuy nhiên, vùng hạ lưu sông Đà trên địa bàn lại đang có nhiều đoạn có nguy cơ sạt lở cao. Tại địa bàn phường Đồng Tiến; TP Hòa Bình đang có khoảng hơn 100 hộ dân sống tập trung dọc bờ sông Đà và các kênh rạch suối Chăm (đoạn dòng sông chảy sát với quốc lộ 6). Số hộ này đang trong tình trạng nguy hiểm cả về tính mạng và tài sản do bờ sông có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Hiện tại, nhà cửa của một số hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ suối Chăm và sông Đà đã bị lún, nứt, sạt lở.
Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình Nguyễn Tiến Mạnh cho biết, điều lo ngại nhất hiện nay là ở khu vực tổ 25, 26 trên địa bàn phường có khoảng 157 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, nhất là những gia đình nằm sát mé bờ sông Đà. Đặc biệt, trong thời gian gần đây một số hộ dân đã bị sạt lở công trình phụ, nứt tường nhà, việc này đã được chính quyền phường báo cáo với thành phố và tỉnh kịp thời hỗ trợ cho các hộ này. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ hằng năm, nhất là vào những lúc sông Đà xả nước lớn thì các hộ dân đều nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến tính mạng cũng như cuộc sống của người dân. Điều đáng nói là các hộ đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã xây dựng nhà cửa kiên cố. Ông Mạnh cũng cho rằng, để khắc phục tình trạng này thì các ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm đầu tư, cải tạo kè bờ sông Đà nơi có các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao về sạt lở để họ ổn định đời sống lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Quang ở tổ 26, phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình cho biết “Nhà tôi sinh sống ở vùng hạ lưu sông Đà đã khá lâu nhưng trước đây hiện tượng sạt lở hầu như không có. Chỉ mấy năm lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến rất khó lường. Mỗi khi thủy điện Hòa Bình xả lũ hay có mưa lớn là nước lại thúc mạnh vào bờ gây sạt lở nhà cửa, vườn của người dân. Trước đây, nhà tôi có 167 m2 nhưng cứ mỗi mùa mưa đến nước lại xoáy sâu vào bờ làm sạt lở một ít. Mấy năm lại đây, nhà tôi đã bị nước cuốn trôi khoảng vài chục m2 đất. Mặc dù gia đình đã chủ động trồng tre chắn sóng quanh bờ, nhưng cũng chẳng ăn thua, vì vừa qua nước đã cuốn cả bụi tre xuống sông. Hiện nay, nhà cửa, vườn của gia đình tôi đang nằm chênh vênh trên bờ sông, cách mặt nước khoảng 15-16 m, nguy cơ sạt lở, mất đất, nhà cửa là bất cứ lúc nào”. Ở phường Đồng Tiến, một số hộ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cũng như công sức để tự khắc phục mỗi khi bị sạt lở nhà, đất nhưng “hà bá” vẫn chẳng buông tha. Bởi cứ xây kè hoặc trồng tre chắn sóng chỉ được một vài năm là nước lại cuốn trôi. Thế là bao nhiêu công sức, tiền của bỏ ra lại ra sông, ra biển hết. Ông Hoàng Thế Lừng ở tổ 26, phường Đồng Tiến bức xúc “do mưa lũ lớn nên những năm qua xảy ra sạt lở bờ sông khá nhiều. Riêng gia đình tôi, mấy năm lại đây đã bị sạt lở tới bốn lần, có những trận sạt lở bị mất khoảng 30-40 m2 nhà cửa, vườn. Đặc biệt, trong năm 2011, gia đình tôi đã bị sạt lở khoảng 30 m2 đất, đến trận mưa năm nay đã bị lở cả một góc nhà xuống sông. Để khắc phục sạt lở, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng kè nơi sạt lở bốn lần, mất khoảng 200 triệu đồng”. Riêng năm 2012, do bị sạt lở góc nhà, gia đình ông đã phải bỏ tiền túi khoảng 140 triệu đồng để xây kè chống sạt lở. Mặc dù bỏ tiền túi ra để xây kè nhưng khi có mưa to gió lớn, cả gia đình ông Lừng chẳng ai dám lên tầng trên để ngủ vì sợ sạt lở. Theo quan sát của chúng tôi, căn nhà bốn tầng của gia đình ông Lừng hiện nay vẫn đang nằm sát bờ sông, cách mặt nước hơn 10 m, nguy cơ bị sạt lở luôn rình rập.
Theo ông Trần Kim Phàn, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ sạt lở ở vùng hạ du sông Đà là do xả lũ thủy điện Hòa Bình và do nhân dân đã đổ đất làm nhà lấn chiếm ra phía bờ sông nên dẫn đến nguy cơ sạt lở bờ sông. Một trong những nguyên nhân nữa là việc sản xuất, kinh doanh, khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy của sông cũng dẫn đến tình trạng sạt lở. Cũng theo ông Phàn, hiện nay việc kinh doanh cát sỏi chủ yếu tập trung ở dọc hai bên bờ sông Đà thuộc vùng hạ lưu. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp được cấp giấy phép cho khai thác cát, sỏi trong khu vực đã được UBND tỉnh quy hoạch tại hai xã Hợp Thành, Hợp Thịnh huyện Kỳ Sơn nhưng cũng có doanh nghiệp lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng để khai thác trái phép ở hai bên bờ sông khu vực sau đập thủy điện Hòa Bình. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao thanh tra tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng thành lập đoàn thanh tra nhằm lập lại trật tự trong việc kinh doanh, khai thác cát sỏi. Đồng thời rà soát lại toàn bộ doanh nghiệp kinh doanh, khai thác để phát hiện các doanh nghiệp khai thác cát trái phép nhằm xử lý triệt để vấn đề này.
Để khắc phục tình trạng sạt lở vùng hạ du dọc hai bên bờ sông Đà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư lập dự án để kè và bảo vệ bờ sông từ sau đập thủy điện Hòa Bình cho đến giáp với địa phận thành phố Hà Nội. Hiện nay, một số đoạn có nguy cơ cao về sạt lở đã được kè còn lại một số khu vực cũng đang được lập dự án và đang chờ Chính phủ hỗ trợ kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện. Còn các khu vực tại phường Đồng Tiến thì UBND tỉnh đã phê duyệt bản quy hoạch di chuyển các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là vấn đề mặt bằng để bố trí khu tái định cư đang là vấn đề nan giải.
Theo Nhandan
Ý kiến ()