tle=”Sống nghèo bên di sản”> Phụ nữ xã Lâm Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) khai thác gỗ trồng. Đằng sau sự kỳ vĩ của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) là bức tranh xám mầu về đời sống của gần 20 nghìn người dân ba xã vùng đệm Phúc Trạch, Lâm Trạch và Xuân Trạch, huyện Bố Trạch.
Ở bên di sản, họ không cảm nhận được những lợi ích chính đáng khi chung tay bảo vệ rừng mà ngược lại, đời sống bấp bênh và những món lợi phi pháp đã cuốn người dân nghèo vào rừng để mưu sinh.
Chuyện gia đình ông trưởng thôn
Chúng tôi ngược lên miền tây Quảng Bình trong một ngày đầu đông hanh hao nắng. Dọc nhánh đông đường Hồ Chí Minh, lau đã trổ cờ khẽ đung đưa trong gió. Quảng Bình có câu “Lau nở người cười”, ý là lau trổ bông báo hiệu mùa mưa bão ở miền cát trắng này đã đi qua. Giờ nhìn lau trổ, mùa lũ năm nay qua rồi chăng?
Ba xã trung tâm vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là Phúc Trạch, Lâm Trạch và Xuân Trạch gắn liền với vụ “ba cây gỗ sưa trăm tỷ” gây xôn xao dư luận Quảng Bình hồi tháng tư năm nay. Phía sau câu chuyện ba cây gỗ sưa trăm tỷ ấy là một thực trạng nhói lòng về đời sống và việc làm của gần 20 nghìn người dân ba xã nơi cửa rừng. Chúng tôi chọn vùng Thanh Sen xã Phúc Trạch, nơi nghe nói nhiều người trúng gỗ sưa tiền tỷ để mở đầu cho hành trình lên với Phúc – Lâm – Xuân.
Nhánh tây đường Hồ Chí Minh chạy men theo sông Chày, dưới chân những rặng núi đá vôi hùng vĩ. Nhà của trưởng thôn Thanh Sen 1 Nguyễn Thế Vinh ở sát đường, mặt quay ra phía sông Chày. Khu vườn không rộng nhưng trồng nhiều cây sưa khoảng bốn, năm tuổi. Ngôi nhà cấp bốn rộng rãi trông khá đơn giản, cho thấy chủ nhân không có nhiều điều kiện để điểm tô cho ngôi nhà. Ông Vinh không ở nhà. Đón chúng tôi là ba người thanh niên lực lưỡng nằm trên mấy cái võng treo trước nhà, lơ đãng nhìn mấy cây sưa xào xạc gió và khẽ hát theo bài hát phát ra từ chiếc điện thoại.
Lát sau, ông Vinh trở về. Chúng tôi trò chuyện ngay trên cái phản gỗ rộng rãi kê trước sân. Ông Vinh nói vui: Gia đình tui (tôi) là mô hình xã Phúc Trạch thu nhỏ. Đông con, không đủ gạo ăn và thiếu việc làm nên phải chui vào rừng kiếm cơm. Không đắn đo, ông lấy chuyện gia đình mình để minh họa cho đời sống bà con trong thôn, cả xã. Ông sinh được mười người con, trong đó có bảy con trai sức vóc cường tráng. Thôn Thanh Sen 1 đất hẹp, mỗi khẩu chỉ được chia 13 thước đất trồng ngô, lạc vụ đông xuân, vụ hè thu bỏ hoang vì không có nước tưới. Tính ra, sản xuất nông nghiệp chỉ nuôi người dân được đúng một tháng, 11 tháng còn lại sống nhờ rừng. Đã thế, năm 2012, do hạn nặng nên vụ ngô lạc chủ yếu trong năm cũng mất mùa, xem như thiếu ăn cả năm. Mỗi ngày gia đình ông ăn 20 lon gạo. Ông nói, xoay xở gạo cho cả tháng, cả năm đã mướt mồ hôi, nói chi đến sung túc, no đủ.
Chiêu ngụm nước, mắt nhìn xa xăm, giọng ông trầm xuống: Tui từ nhỏ đã theo ông, cha vô rừng, sau này lại đưa mấy đứa con đi rừng, chỗ mô (nào) trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng mà không biết. Chặt lắm, gỗ quý cũng hết. Không có đất sản xuất, thiếu việc làm, thừa sức lao động, không đi rừng chúng tui lấy chi sống.
– Thế đi rừng không sợ kiểm lâm bắt à?- Tôi hỏi.
– Thì sợ chớ nhưng chẳng lẽ bó gối ngồi chờ à, đói thì đầu gối phải bò! Đó, mấy đứa con tui đóng cùi vô rừng được mấy hôm, chỉ kiếm được vài phác gỗ tạp – ông Vinh nói rồi đưa tay chỉ về phía mấy cậu con trai đang đưa võng.
Theo ông Vinh, để có một chuyến vào rừng – người dân địa phương gọi là đi cùi, người đi phải đóng cùi. Một cùi gồm vài ba yến gạo, thực phẩm khô, thuốc chữa bệnh thông thường, thuốc lá… chi phí khoảng từ 500 đến 700 nghìn đồng, đủ để sống trong rừng khoảng mười ngày đến nửa tháng. Người đi rừng có ba loại, loại thứ nhất là đóng cùi chi phí lớn để đi nhiều ngày trong rừng tìm gỗ quý như sưa, loại thứ hai đi kiếm các gỗ tạp, săn bắt động vật hoang dã và nhóm cuối tìm hái lá nón, bẫy động vật trong ít ngày rồi về.
Chúng tôi hỏi chuyện người làng trúng gỗ sưa trăm tỷ. Ông cười bảo, thì cũng có mấy người trúng nhưng nghe đâu chia nhau không được mấy, mà gỗ sưa cũng chưa đưa ra hết được vì kiểm lâm Vườn quốc gia làm gắt lắm. Giàu đâu chưa thấy nhưng an ninh trật tự thôn xóm từ sau vụ gỗ sưa phức tạp hơn nhiều. Trai tráng sau những ngày đi rừng kiếm được ít tiền, sinh ra rượu chè, cờ bạc. Ông nói vừa mới đến nhà một thanh niên càn quấy để giáo dục, răn đe.
Nặng gánh mưu sinh
Nhờ người dẫn đường, chúng tôi “bắt chuyện” được với anh N, đầu nậu gỗ có tiếng ở Phúc Trạch. Từ một “lâm tặc” chinh chiến dọc ngang trong rừng, nay có chút vốn, N trở thành một trong mười đầu nậu gỗ ở cửa rừng di sản. Qua N, chúng tôi được biết, trước kia rừng Phong Nha nhiều gỗ quý, chỉ đi một, hai ngày đường là đã kiếm được vài hộp gỗ lim, nay còn rất ít nên khó tìm, thậm chí cả khi tìm được cũng khó mang về. Thế nhưng, đàn ông vùng Phúc – Lâm – Xuân cũng phải vào rừng để kiếm tiền mua gạo. Nhiều người không đủ tiền đóng cùi, N cho họ ứng trước, tất nhiên có gỗ phải bán cho N để trừ nợ. Nhưng nếu về tay không đồng nghĩa với số tiền ứng trước để đóng cùi bắt đầu chịu lãi.
Mang sự thật xót xa này tâm sự với Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Nguyễn Văn Lương, ông nói thêm, sinh kế cho người dân là bài toán đang làm “đau đầu” chính quyền địa phương. Phúc Trạch là xã trung tâm của cụm xã Phúc – Lâm – Xuân với 11.389 nhân khẩu, diện tích tự nhiên hơn 6.000 ha nhưng đất sản xuất chỉ 817 ha, riêng đất trồng lúa 60 ha, chủ yếu làm một vụ. Xã có 12 thôn nhưng chỉ ba thôn có ruộng lúa, một năm thu khoảng 200 tấn thóc, chưa đủ cho cả xã ăn trong một tháng, còn lại sống nhờ hai cây chủ lực là ngô và lạc. Phúc Trạch chỉ có một công trình thủy lợi là đập Khe Ngang tưới cho 60 ha vùng Phúc Khê. Hàng trăm ha ngô, lạc luôn thiếu nước nên thường xảy ra mất mùa cục bộ. Năm 2012, bình quân lương thực của một người dân Phúc Trạch là 100 kg cả lúa, ngô và lạc. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 66,7%, hộ cận nghèo 21,5%, hơn 11% là hộ khá, chủ yếu là cán bộ, giáo viên, hưu trí và… nậu gỗ.
Ở Lâm Trạch, thực trạng đời sống người dân còn báo động hơn. Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Thăng cho biết, xã có 826 hộ nhưng 80,4% số hộ thuộc diện đói nghèo. Đi từ đầu làng tới cuối xã, chúng tôi chỉ gặp người già, phụ nữ và trẻ con. Hỏi một cụ già bên đường, cụ cho biết là đàn ông trong làng đi rừng chưa về. Bí thư Trần Văn Thăng trả lời câu hỏi này bằng một phép chia: Xã có 1.500 lao động chính, một nửa đi rừng, nửa còn lại đi nam. Mỗi lần xã có hội hè hoặc khi có việc hiếu, hỷ, tìm không ra trai tráng để giúp việc.
Trên con đường lổn nhổn đá từ trung tâm xã đến thôn 6 Lâm Trạch, chúng tôi dừng lại trò chuyện với một nhóm phụ nữ đang thu hoạch khu rừng keo lai. Một chị đang vác cây gỗ lên xe ô-tô cho biết, chị tên là Nguyễn Thị Liễu ở thôn 2 Lâm Trạch. Gia đình chị sống nhờ vào một sào đất trồng lạc nên đời sống quá khó khăn. Chồng đi rừng, chị làm thuê bất cứ việc gì mà người ta gọi. Mấy hôm nay, chị Liễu cùng các chị trong thôn đi chặt gỗ keo thuê. Từ sáu giờ sáng, nhóm của chị bắt đầu chặt keo, bóc vỏ rồi vác lên xe ô-tô, đến sáu giờ tối mới nghỉ, tiền công 120 nghìn đồng/người. Chị nói, có hôm dở việc nên 10 giờ đêm mới xong, nhận 150 nghìn đồng về nhà thì cơm canh đã nguội lạnh. Vừa ngả lưng, mình mẩy chưa hết đau nhức thì gà báo sáng, lại trở dậy để gói mo cơm, lên đường đến khu rừng khác. Một chị đang làm cùng chị Liễu cười chua chát: Rứa có việc mà làm để kiếm tiền, chơ (chứ) ở xứ khỉ ho cò gáy ni (này) có việc chi mà người ta thuê. Chặt hết rừng keo rồi thì chị em cũng không biết làm chi để ngày có trăm bạc.
Bí thư Chi bộ thôn 6 Lâm Trạch Nguyễn Văn Duyệt cho biết, so với các thôn khác, thôn 6 có nhiều ruộng nhất, một người 400 m2 ruộng một vụ nhưng cũng chỉ đủ gạo ăn trong ba, bốn tháng, còn lại phải ăn gạo đong. Thôn có 160 hộ thì chỉ 20 hộ được coi thoát nghèo nhờ thuộc diện hưu trí và thương binh. Thiếu việc làm nên gần 300 con em trong thôn học hết cấp hai là kéo nhau vào nam tìm việc. Đời sống bấp bênh, đường đi lại vất vả nên số học sinh học đến cấp ba vốn đã ít, lại rơi rụng dần. Anh Duyệt là một trong hai gia đình ở đây có con học cấp ba và vào đại học.
Rất cần các công trình thủy lợi
Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch Nguyễn Văn Hiền cho biết, tiếng là thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nhưng người dân nơi đây chưa được hưởng lợi gì từ chủ trương bảo vệ rừng. Mất mùa thường xuyên, người dân thiếu việc làm là thách thức cho sự bảo vệ và phát triển rừng bền vững, đó là chưa kể đến những món lợi tiền tỷ sẵn sàng cuốn người dân nghèo vào phá rừng mà vụ gỗ sưa trăm tỷ vừa qua là một thí dụ cụ thể. Khi đời sống người dân bấp bênh thì tuyên truyền, vận động họ đừng vào rừng là điều rất khó.
Chung quan điểm đó, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lâm Trạch Đoàn Quang Đạo cho rằng, người dân vùng đệm lâu nay đã quá quen thuộc với những khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ rừng quốc gia mà không cảm nhận được những lợi ích chính đáng khi chung tay bảo vệ rừng. Ở cạnh rừng mà đói thì cũng phải nương nhờ vào rừng, khó có sự lựa chọn nào khác. Cấp ủy, chính quyền địa phương chưa kéo họ ra khỏi rừng ngay được bởi thiếu những biện pháp căn cơ.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Lâm Trạch Trần Văn Thăng trước đây là Phó phòng Nông nghiệp huyện Bố Trạch nên rất am hiểu vùng đất vốn thừa đá vôi, thiếu nước này. Anh kéo tôi ra phía trước cánh đồng ngô bỏ hoang phơi trong nắng cuối chiều rồi nói, nếu có nước thì ruộng ngô này sẽ thành ruộng lúa hai vụ. Nghe Bí thư Thăng nói, tôi lại nhớ lại lúc trò chuyện với Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Nguyễn Văn Lương, anh kể, do thiếu nước nên nhiều nông dân vùng Thanh Sen – Chày Lập phải mua máy để bơm nước từ sông Son tưới cho cánh đồng lạc bên triền sông. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để mua máy móc, người dân cần hệ thống điện để thuận lợi cho canh tác. Trong những buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, trong nhiều tờ trình mà UBND xã Phúc Trạch gửi đi, việc đề nghị đầu tư xây dựng các hồ chứa để có nguồn nước phục vụ sản xuất bao giờ cũng được nêu đầu tiên. Nhưng đến nay phản hồi cho đề nghị ấy chỉ là sự ghi nhận vô thời hạn. Huyện Bố Trạch cũng đã hỗ trợ 400 tấn ngô, lạc giống vụ hè thu cho hai xã Phúc Trạch và Xuân Trạch sản xuất. Giống được trợ giúp nhưng dân đành chịu vì không có nước.
Trao đổi vấn đề này với Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Phan Văn Gòn, đồng chí cho biết, muốn giảm tỷ lệ đói nghèo vùng Phúc – Lâm – Xuân, trước hết phải có nước để mở rộng sản xuất, có nguồn lương thực (lúa) tại chỗ mới ổn định đời sống người dân. Huyện đã xây dựng một số dự án để tranh thủ các nguồn vốn đầu tư nhưng cũng chưa thể giải quyết tất cả ngay được. Trước mắt, đầu tư nâng cấp hồ chứa Khe Ngang để nâng diện tích lúa từ một vụ lên hai vụ ở vùng Phúc Khê, lập dự án đầu tư đập Khe Sến để tưới cho lúa ở Xuân Trạch, xây trạm bơm điện ở Tam Trang để đưa nước về xã Lâm Trạch. Mai này, khi các công trình thủy lợi được xây dựng đưa nguồn nước mát về với đồng ruộng Phúc – Lâm – Xuân, nơi đây lúa sẽ lên xanh, người dân rồi sẽ không còn rời bỏ quê hương hay vào rừng kiếm sống.
Chiều ở vùng cao xuống sớm. Chúng tôi rời Lâm Trạch trong bao suy tư, trăn trở. Để giúp người dân vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ổn định đời sống và rừng không tiếp tục bị “chảy máu”, tỉnh Quảng Bình cần có các biện pháp thiết thực hơn nữa trong việc phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân miền rừng này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()