Sống khổ vì quy hoạch “treo”
Có nhà, có đất ở giữa trung tâm Thủ đô, nhưng hàng trăm hộ dân ở phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) phải chịu đựng tình cảnh sống khổ sở hàng chục năm nay, vì nằm trong khu đất quy hoạch “treo”. Cuối năm 2015, hầu hết các hộ dân ở đây đã kiến nghị tạm dừng triển khai dự án theo quy hoạch được duyệt và đề nghị thành phố điều chỉnh lại quy hoạch, đưa khu dân cư số 4, phường Thanh Nhàn ra khỏi chỉ giới của dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Tuy nhiên, từ đó đến nay, mọi việc vẫn không tiến triển, gây bức xúc trong dư luận.
Cuộc sống của gần 580 hộ dân, với khoảng 1.800 nhân khẩu tại khu dân cư số 4, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) hơn 40 năm qua luôn trong tình trạng “khóc dở, mếu dở”. Nguyên nhân là do nhà các hộ dân này nằm trong diện tích quy hoạch Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được lập từ năm 1970. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thu hồi hơn 26 ha đất tại phường Thanh Nhàn và giao cho Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội chuẩn bị đầu tư dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Cuối năm 2002, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Tiếp đến ngày 6-5-2010, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết công viên theo hướng trở thành trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội, tỷ lệ 1/500, với diện tích, ranh giới không thay đổi. Từ đó đến nay, UBND quận Hai Bà Trưng đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn một dự án, gồm khu vực phía nam, phía tây bắc Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Nhiều dự án đã được đầu tư xây dựng, bước đầu hình thành khu vui chơi, giải trí cho tuổi trẻ và người dân trong khu vực. Còn công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn hai, gồm phía đông, phía bắc, trong đó có khu dân cư số 4 nêu trên chưa được thực hiện vì chưa có kế hoạch bố trí vốn và nhà tái định cư.
Bởi nằm trong quy hoạch “treo” cho nên hàng chục năm qua, người dân trong khu vực này không thể thực hiện được việc xây dựng, cải tạo nhà cửa, cải thiện chỗ ở, nhập, tách hộ khẩu, làm sổ đỏ…, dẫn đến nảy sinh những bức xúc. Gia đình bà Nguyễn Thị Yến, sinh sống tại số nhà 221, ngõ 281, đường Trần Khát Chân có năm người, trong đó ba người con đã trưởng thành, nhưng vẫn phải sinh sống trong căn nhà cấp 4 rộng gần 30 m2, gồm cả khu bếp, vệ sinh. Để có đủ chỗ ngủ, gia đình bà phải làm thêm gác xép cho các con. Gia đình bà đã nhiều lần có ý định cải tạo, xây dựng lại nhà, nhưng đều không được cấp phép. Ông Nguyễn Hữu Căn, ở số nhà 2C, ngõ 98, phố Kim Ngưu, thuộc khu dân cư số 4, phường Thanh Nhàn cho biết: “Đã quá thời hạn thu hồi đất hơn 15 năm, nhưng dự án chưa được thực hiện, gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Chúng tôi có nhà, có đất, nhưng không được cấp sổ đỏ, cho nên muốn thế chấp ngân hàng vay vốn phát triển kinh tế cũng không được. Việc tách, nhập hộ khẩu khó khăn dẫn đến người dân phải chi trả tiền điện, tiền nước sinh hoạt hằng tháng cao. Nhà cửa chật chội, xuống cấp không được xây dựng, có nguy cơ mất an toàn đối với tính mạng và tài sản của người dân… Đối chiếu với những quy định tại Luật Đất đai năm 2013, dự án này đã bị “treo” quá thời hạn nhiều năm, cần được thu hồi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để giảm bớt khó khăn cho người dân, UBND phường Thanh Nhàn đã đầu tư một số công trình hạ tầng thiết yếu cho khu dân cư số 4 như đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước và thiết bị chiếu sáng. UBND phường cũng đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng áp dụng cơ chế đặc thù đối với những hộ gia đình có nhà ở quá xuống cấp được cấp phép sửa chữa tạm trên cơ sở cải tạo nguyên trạng, với quy mô một tầng và một tum. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn bao trùm lên cuộc sống của người dân nơi đây. Và điều họ mong mỏi nhất là được cải tạo nhà cửa khang trang, yên tâm mua sắm tiện nghi sinh hoạt để ổn định cuộc sống. Thế nhưng không biết đến bao giờ ước mơ ấy trở thành hiện thực.
Tin vui đã đến với người dân khu dân cư số 4, phường Thanh Nhàn vào cuối năm 2015, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội phối hợp UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức lấy ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân khu vực này. Kết quả là, 532 trên tổng số 576 hộ dân ở đây không đồng ý tiếp tục triển khai dự án theo quy hoạch được duyệt và đề nghị thành phố đưa khu dân cư số 4, phường Thanh Nhàn ra khỏi chỉ giới của dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, đồng thời điều chỉnh lại quy hoạch. Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội và đề xuất hai phương án “giải cứu” khu dân cư này. Phương án 1 là tiếp tục triển khai dự án, giữ nguyên ranh giới dự án, không điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt. Đề nghị thành phố bố trí đủ kinh phí, quỹ nhà tái định cư để giải phóng mặt bằng. Ưu điểm của phương án này là bảo đảm tính nhất quán trong quá trình quản lý theo các đồ án quy hoạch được duyệt. Nhưng nhược điểm là kinh phí giải phóng mặt bằng (khoảng 2.500 tỷ đồng) và quỹ nhà tái định cư (hơn 800 căn hộ) là khá lớn. Phương án 2 thì đề xuất điều chỉnh ranh giới dự án và điều chỉnh quy hoạch, đưa khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn ra khỏi ranh giới quy hoạch. Phương án này được hầu hết người dân đồng tình ủng hộ, nhưng việc điều chỉnh quy hoạch khá phức tạp, không thể làm trong ngày một, ngày hai, vì có liên quan đến nhiều quy hoạch khác như Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch hệ thống Công viên cây xanh, vườn hoa và hồ thành phố… và phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều đáng nói là, từ khi đề xuất phương án đến nay, mặc cho người dân ở khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn háo hức chờ mong, nhưng câu trả lời vẫn trong im lặng. Qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố; nhiều kỳ họp HĐND thành phố, trong những phản ánh, kiến nghị của cử tri quận Hai Bà Trưng lần nào cũng nêu vấn đề này, nhưng sự việc không tiến triển, các cấp chính quyền của thành phố vẫn chỉ dừng lại ở việc “lắng nghe, tiếp thu”.
Đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm có quyết định chính thức việc tiếp tục thực hiện dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo quy hoạch, với lộ trình cụ thể, hoặc đưa khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn ra khỏi quy hoạch. Trước mắt, thành phố cần chỉ đạo các đơn vị chức năng xem xét cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng để người dân ổn định cuộc sống và bảo đảm các quyền lợi chính đáng.
Theo Nhandan.org.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()