Sống dậy tình thầy trò không biên giới
Nét mặt hân hoan, nụ cười rạng rỡ, ánh mắt ngơ ngác tìm nhau, rồi tay bẳt mặt mừng, reo hò đến bật khóc khi nhận ra bạn cũ, thầy xưa… Đó là những gì người ta được chứng kiến tại chương trình gặp gỡ và tri ân giữa những thầy cô Xô viết và hơn 50.000 lưu học sinh Việt Nam một thời.
![]() |
Hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia đã không còn một chỗ trống. Dù chương trình kéo dài tới hơn 4 giờ đồng hồ, vẫn thấy rất ít người ra về |
Ngày 17/1, ngoài thời gian dành cho các cựu lưu học sinh giao lưu gặp gỡ, tham quan triển lãm ở sảnh từ buổi chiều, đến tối, còn diễn ra chương trình giao lưu “Thầy trò gặp lại” trên sân khấu chính.
Tham gia giao lưu là những đại diện tiêu biểu của nhiều thế hệ lưu học sinh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, quân sự, giáo dục, nghệ thuật…cùng với hơn 30 thầy cô giáo được mời từ Nga và Ukraine sang.
Xen kẽ với chương trình giao lưu là các phóng sự về tình thầy trò sinh động được thực hiện ở cả Việt Nam lẫn Nga, Ukraine.
![]() |
Ôn lại kỷ niệm. |
“Cô giáo như người chị”
Trong khoảng thời gian tham quan ở sảnh, người ta dễ bắt gặp hình ảnh một người đàn ông tóc điểm bạc, đứng trầm ngâm trước bức ảnh một cậu thanh niên đang chăm chú viết từng nét chữ Nga đầu tiên lên bảng.
Đó chính là TSKH Phạm Kinh Cương, người thuộc thế hệ học sinh đầu tiên bước chân sang xứ sở bạch dương để du học.
Ông chia sẻ rằng mình trân trọng và gìn giữ bức ảnh này như một báu vật trong nhà. Ngay cả đứa cháu mới 5 tuổi cũng được ông kể cho những câu chuyện xung quanh bức ảnh. Cô gái xinh đẹp dịu dàng đứng theo dõi từng nét chữ Nga thuở ban đầu của chàng thanh niên khi đó chính là cô giáo dạy tiếng Nga của ông.
Ấn tượng của ông Cương về cô giáo trẻ chính là sự tận tình, quan tâm rất mực như một người chị.
Hồi đầu mới sang, ông vẫn còn những nốt ghẻ, và chính cô giáo đã chữa trị chu đáo. Không những vậy, cô còn thường xuyên đến khu kí túc để đưa học sinh Việt Nam đi lòng vòng quanh trường cho quen dần với thời tiết giá lạnh.
Ông Cương thốt lên: “Tôi không hiểu ngày đó cô giáo trẻ đó ở nhà vào thời gian nào, vì ngoài giờ dạy trên lớp, lúc nào chúng tôi cũng thấy cô đến khu kí túc để chăm lo hỏi han. Cô chẳng bao giờ mắng mỏ. Những lúc chúng tôi làm sai điều gì, cô chỉ khóc và dỗi hờn đúng như một người chị gái trong nhà”.
“Tôi năm nay 75 tuổi,th ầy cô giáo cũng mất cả rồi. Nhưng hôm nay đến đây, tôi vẫn rất hồi hộp và xúc động với hi vọng gặp lại được bạn xưa, và cùng ngồi ôn lại những câu chuyện về con người Nga giàu lòng nhân hậu”.
![]() |
Hiếm có dịp nào mà cả 3 thế hệ học trò đã từng học tập và làm việc tại nước Nga-Xô Viết mới lại được “đoàn tụ” như vậy. |
“Tôi rất xúc động và không kìm được nước mắt”
Do số lượng khách mời chương trình có hạn, thế nên không phải thầy cô giáo Xô viết nào cũng được Đài Truyền hình Việt Nam mời sang.
Tuy nhiên, có những lớp lưu học sinh Việt Nam nặng tình với người thầy của mình nên đã quyết định cùng nhau tự mời thầy. Trong nhóm học sinh này có ông Hà Vĩnh Tân, sang Liên Xô năm 1968, anh Dũng sang du học năm 1983 và anh Hải sang năm 1984.
Chưa biết nhau trước đó, nhưng cả ba cùng chung ân tình dành cho người thầy giáo đáng kính, thầy Nicolai Makximovich.
Trong cuộc gặp gỡ, ai cũng muốn được đứng gần thầy, trò chuyện với thầy nhiều hơn.
Thầy Nicolai nói trong nỗi xúc động nghẹn ngào: Đây là niềm hạnh phúc lớn nhất, và tôi không thể kìm giữ được. Tôi rất xúc động khi những thế hệ học trò của mình vẫn còn nhớ đến mình.
Ông cũng nhận xét về học sinh Việt Nam là rất chăm chỉ, cần cù, kiên nhẫn. Họ luôn là tấm gương cho các học sinh Nga noi theo.
“Tôi quyết phải tìm lại thầy mình”
Là một chuyên gia nghiên cứu về Nga, lại có hơn 20 năm học tập và làm việc ở đất nước xinh đẹp này, tiến sỹ Nguyễn Cảnh Toàn đã có dịp trải nghiệm nhiều câu chuyện xúc động về tình thầy trò Xô Việt.
Một lần đi trượt tuyết, ông đã bị ngã và bị thương rất nặng. Có cặp vợ chồng già hơn 60 tuổitrông thấy và đưa ông đến bệnh xá cấp cứu rồi lại đưa về nhà chăm sóc. Sau này, tiến sỹ không ngờ chính ông già đã cứu sống mình lại trở thành người thầy hướng dẫn luận văn.
“Suốt bao nhiêu năm, gia đình của người thầy đó đã cưu mang, giúp đỡ tôi. Có lần ốm, họ đã đưa cho cả cuốn số tiết kiệm bảo tôi hãy dùng để bồi dưỡng sức khỏe. Tất nhiên, tôi không làm như vậy, vì đó là những đồng tiền chắt chiu khó nhọc của thầy cô”.
“Bây giờ, thầy cô đều mất rồi. Tôi không có cơ hội gặp lại hôm nay. Tuy nhiên, tôi còn hai người thầy nữa. Tôi cũng đã nhờ chương trình, và bản thân cũng đi tìm thông tin về các thầy, nhưng đều chưa được. Tuy nhiên, tôi quyết phải tìm lại thầy mình. Tháng 3 tới, tôi sẽ sang Nga để làm điều đó”.
Bật khóc trên sân khấu
Trong phần giao lưu “Thầy trò Xô Việt”được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam, có không ít không ít người bật khóc trước những cái ôm thật chặt, những cảnh tay bắt mặt mừng giữa thầy trò như đã chờ đợi hàng mấy chục năm.
Hơn 3.000 người, đại diện cho khoảng hơn 50.000 lưu học sinh Xô viết đã tề tựu đông đủ tại hội trường rộng lớn của Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Ý kiến ()