Sơn mài là chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam
Những tác phẩm tranh sơn mài cùng với tranh lụa góp phần định hình nên diện mạo của hội họa Việt Nam hiện đại. Trong đó, sơn mài có một vị trí rất quan trọng.
Có những thời điểm, sơn mài ở vị trí gần như hàng đầu, đi trước trong nghệ thuật tạo hình nước ta. Danh họa Tô Ngọc Vân trong bài thuyết trình năm 1948, tại Chiến khu Việt Bắc đã đưa ra khái niệm: “Danh từ sơn mài là một danh từ mới đặt mươi năm nay để chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là sơn ta nhưng đã biến hóa hẳn do nghệ thuật mài sơn”.
Có nhiều tài liệu ghi nhận, ông tổ nghề sơn Việt Nam là Trần Tướng Công (Trần Lư, sinh năm 1470), người từng đi sứ nước ngoài, học được nghề sơn về truyền lại cho dân làng Bình Vọng (nay thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Tuy nhiên, kết quả khai quật khảo cổ học từ những mộ táng ở Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương cho thấy, nghề sơn đã xuất hiện ở Việt Nam từ trước đó. Có thể thấy, kỹ thuật phủ sơn, dát vàng trên các tượng, điêu khắc Phật giáo được nhắc tới từ thời Lý (thế kỷ 11-12) và trở thành truyền thống kéo dài tới ngày nay.
Bảo vật quốc gia tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của danh họa Nguyễn Sáng. Ảnh do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp. |
Nghệ nhân Việt Nam xưa đã có kỹ thuật hom, bó sơn hoặc pha chế nhựa sơn màu và nước sơn, biết vẽ và sáng tạo ra những mẫu trang trí, biết đắp nổi sơn và chạm trổ. Tuy vậy, nghề sơn mới dừng ở mức phục vụ cho điêu khắc (phủ lên tượng), hay tô vẽ trang trí vật dụng cung đình, đồ thờ cúng trong dân gian. Những bức tranh vẽ bằng sơn ta hiện tìm thấy sớm nhất có thể kể đến như một số tranh vẽ chân dung vua Lý Nam Đế và hoàng hậu (một tranh hiện lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một tranh lưu giữ tại miếu Hai Thôn, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), bộ tranh tố nữ (2 tranh, mỗi tranh vẽ 4 nhân vật đang đánh đàn, thổi sáo) ở đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang)… Những tác phẩm này đều có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Điểm chung ở những tác phẩm này là các nhân vật được thể hiện trên nền son đỏ. Màu sắc chủ yếu được sử dụng là các màu đen, đỏ, thếp vàng, màu xanh lục, màu lam đậm (gần với màu chàm), màu trắng ngà… Lối vẽ màu đơn thuần không có sắc độ và tách biệt nhau rành mạch, tạo hình mang tính trang trí.
Phải đến đầu thế kỷ 20, khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, với chủ trương tôn trọng các truyền thống mang tính bản địa mà vẫn đáp ứng các nhu cầu mang tính hiện đại, Hiệu trưởng Victor Tardieu đã cho phép họa sĩ Joseph Inguimberty cùng các học trò tìm hiểu, nghiên cứu, phục hồi và cải biến kỹ thuật sử dụng sơn ta, để biến nó thành một chất liệu của hội họa và đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Từ kỹ thuật mài sơn đặc trưng, tên gọi sơn mài ra đời.
Để thể hiện một tác phẩm sơn mài, họa sĩ cần chuẩn bị phác thảo màu và phác thảo nét trên giấy. Can đường nét họa tiết ở phác thảo xuống vóc, sau đó tô sơn, vẽ các chi tiết của hình trước, rồi tiếp đến quét trùm nền phông sau cùng. Ví dụ, để tả một bụi tre, trước tiên, họa sĩ sẽ phải tỉa từng lá tre, thân cây. Để lớp sơn vẽ tỉa này khô, rồi mới tô cả mảng bụi tre. Vẽ xong cả phần mảng khóm tre, đợi sơn khô mới lại tô đến nền cảnh trời, đất, có thể tô tràn lên cả bụi tre (đã tô hai lớp màu trước đó). Sau khi sơn khô, sử dụng đá mài, than mài hoặc giấy ráp để mài tranh với nước, mài mặt tranh cho phẳng. Khi mài lớp màu phía trên mỏng dần, ta sẽ thấy lớp dưới dần hiện ra, để lộ các chi tiết đã được vẽ ban đầu. Việc vẽ màu sẽ được thực hiện nhiều lần, một cách kiên trì cho tới khi bề mặt tranh đạt hiệu quả như mong muốn của họa sĩ. Công đoạn cuối cùng để hoàn thiện bức tranh là đánh bóng.
Về mặt chất liệu, ban đầu các họa sĩ bị giới hạn bởi các màu cổ truyền, bao gồm: Cánh gián, son (là chất bột son đỏ chế biến từ một loại khoáng thạch là thần sa), then (màu đen-màu của bản thân chất sơn đen), vàng, bạc, vỏ trai, vỏ trứng. Sau đó, qua nhiều nghiên cứu, thể nghiệm, với những tiến bộ về pha chế màu sơn, phương pháp gắn vỏ trai, vỏ trứng rồi phủ cánh gián, phủ màu dày, mỏng tạo đậm, nhạt, xa, gần, kỹ thuật vẽ chìm, kỹ thuật đắp sơn nổi, dùng bột vàng (vàng quỳ đem tán nhỏ), bột bạc (bạc quỳ đem tán nhỏ) rắc trên nền màu sơn còn ướt nhằm tạo thêm hòa sắc và các sắc độ khác nhau trên bề mặt tranh. Đặc biệt, sự xuất hiện của màu trắng titane có khả năng dung hợp với sơn mở ra một triển vọng rộng rãi cho bảng màu của hội họa sơn mài.
Hội họa sơn mài Việt Nam phát triển trên cơ sở kế thừa có đổi mới kỹ thuật cổ truyền. Sự học tập và nghiên cứu các quy luật tạo hình của các nước khác, chủ yếu là của nghệ thuật tạo hình châu Âu (quy luật về không gian xa, gần, về bố cục và dựng hình) trong sự quy chiếu với hội họa Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như tôn trọng truyền thống làm tranh cổ truyền của dân tộc là những yếu tố cơ bản tạo nên một phong cách sơn mài Việt Nam độc lập, đạt nhiều thành tựu, được thế giới ghi nhận. Nhiều tác phẩm sơn mài đến nay trở thành tài sản quý báu của dân tộc. Trong tổng số 8 tác phẩm hội họa được công nhận là bảo vật quốc gia, có 6 bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn mài.
Những người đầu tiên tham gia vào địa hạt sơn mài là Trần Quang Trân, Lê Phổ, Phạm Hậu, Nguyễn Khang… Nhưng về cơ bản, những kết quả bước đầu vẫn chưa thoát ly lối trang trí mỹ nghệ vì kỹ thuật chưa phát triển. Khoảng năm 1935-1945, chất liệu tạo hình sơn mài được áp dụng phổ biến, nhiều họa sĩ chuyển hẳn sang vẽ sơn mài. Khi đã tìm ra những phương thức tạo được các lớp không gian, sự thay đổi sắc độ trên tranh sơn mài, các họa sĩ miệt mài tìm cách diễn tả tình cảm, biểu hiện hiện thực. Nguyễn Gia Trí là người thành công nhất. Chỉ sử dụng thuần túy những màu sắc truyền thống, nhưng nhờ khả năng điều tiết, gia giảm có chừng mực lượng cánh gián, kỹ thuật nhào nặn, chôn vùi, rồi lại mài moi ra vàng, bạc là những màu trước kia chỉ dùng để trang trí các mảng phẳng, nay đã có chiều sâu của mảng, khối, nét vẽ có thanh, có đậm, có xa, có gần… Những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Gia Trí như: “Lùm tre nông thôn”, “Bình phong”, “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, “Bên hồ Hoàn Kiếm”…
Trong kháng chiến chống Pháp, điều kiện làm sơn mài khó khăn, nhưng nhiều họa sĩ vẫn tìm tòi, khắc phục sự khan hiếm về vật liệu và cho ra đời các tác phẩm tốt. Giai đoạn hòa bình ở miền Bắc, sáng tác sơn mài bùng nổ với những tác phẩm chất lượng. Các tác phẩm vẽ bằng chất liệu sơn mài trưng bày ở Triển lãm mỹ thuật các nước xã hội chủ nghĩa tại Moscow (Liên Xô) năm 1958 đã thu hút nhiều sự chú ý và được bạn bè quốc tế hết lời tán dương. Một loạt tác phẩm sơn mài thành công ra đời, đánh dấu bước chuyển mới của sơn mài với những đề tài rộng lớn của hiện thực mới hình thành, giải phóng khả năng tạo hình của sơn mài. Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: “Tát nước đồng chiêm” (Trần Văn Cẩn), “Nhớ một chiều Tây Bắc” (Phan Kế An), “Giữ lấy hòa bình” (Lê Quốc Lộc), “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” (Nguyễn Sáng), “Nhà tranh gốc mít” (Nguyễn Văn Tỵ), “Tre” (Trần Đình Thọ)…
Từ đổi mới (năm 1986) đến nay, sơn mài Việt Nam vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt. Nhiều họa sĩ trẻ vẫn đam mê theo đuổi sơn mài-công việc nặng nhọc, đòi hỏi sự bền bỉ nhưng có khả năng tạo hứng thú say mê cho họ. Tính chất “mở” trong ứng dụng các kỹ thuật vẽ sơn mài lôi cuốn những họa sĩ ưa khám phá. Mỗi người nghệ sĩ khi đến với sơn mài, với tạng chất, cá tính riêng biệt lại có những thủ pháp kỹ thuật khác nhau, tạo ra những phong cách cá nhân đậm nét. Ngày nay, bảng màu sơn mài đã có tới hàng trăm màu sơn, dễ dàng đáp ứng nhu cầu được tự do biểu đạt của họa sĩ. Những màu sắc mới, ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại được thể hiện bằng chất liệu sơn truyền thống tạo ra nét tươi mới cho nghệ thuật sơn mài.
Sơn mài phù hợp với tâm hồn Á Đông, vốn mạnh về diễn đạt đời sống bên trong con người nghệ sĩ. Từ những sự hỗn độn của thế giới hỗn mang tới vẻ đẹp tĩnh lặng đậm chất thiền đều có thể được biểu đạt bằng chất liệu đặc biệt này. Không còn những giới hạn về chất liệu, con đường của sơn mài còn rộng, còn dài, là miền đất màu mỡ nhưng cũng đầy thử thách cho những ai quyết tâm chinh phục.
Ý kiến ()