Sơn La phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 94 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, du lịch Sơn La đã có nhiều chuyển biến với những kết quả đáng ghi nhận. Mỗi năm, khách du lịch đến với Sơn La đạt hơn 12 triệu lượt người, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 12.600 tỷ đồng, tăng trưởng nhanh, ổn định ở mức 13%/năm và đóng góp khoảng 6% GRDP. Trong đó, tỉnh Sơn La đã xây dựng được nhiều điểm đến cùng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng…
Là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, Sơn La đã không ngừng làm mới bằng những sản phẩm phong phú được khai thác dựa trên nền tảng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa đa dạng cũng như nguồn lực đầu tư. Trong đó, tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp trong việc tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đúng định hướng, bảo đảm phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác tối đa hiệu quả tài nguyên du lịch gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển sản phẩm du lịch theo hướng liên kết, hỗ trợ phát triển vùng, nhóm liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, tạo sự tương hỗ trong vùng và khu vực...
Tại Sơn La, nhiều sản phẩm du lịch đã được hình thành, phát triển gắn với sinh thái, nông nghiệp và văn hóa bản địa, đã và đang đáp ứng xu thế, nhu cầu của khách du lịch. Hiện, tỉnh Sơn La có 12 khu du lịch, điểm du lịch đã được công nhận, trong đó có 1 khu du lịch quốc gia, 1 khu du lịch cấp tỉnh, 10 điểm du lịch cấp tỉnh.
Ngoài ra, Sơn La còn có 5 nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo bao gồm: Du lịch sinh thái, nông nghiệp; Du lịch văn hóa, lịch sử; Du lịch cộng đồng; Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe; Du lịch chuyên đề (thể thao; hội thảo, hội nghị, ẩm thực)…
Đồng chí Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, chia sẻ: Cùng với việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại địa bàn gắn với văn hóa của đồng bào các dân tộc, xã cũng đã cho ra mắt tour du lịch trải nghiệm leo núi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù đi qua rừng chè cổ thụ bản Nậm Nghẹp có độ cao 2.979m so với mực nước biển và tour chụp ảnh cùng quả Sơn Tra bản Nậm Nghẹp…
Từ những nỗ lực trong việc phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, Sơn La đã có thêm nhiều điểm đến tham quan du lịch được hình thành và phát triển, tạo điểm nhấn cho du lịch Sơn La, như: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với nhiều điểm đến hấp dẫn; Quảng trường Tây Bắc-Thành phố Sơn La, di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; di tích quốc gia đặc biệt khu căn cứ cách mạng Việt Nam-Lào tại bản Lao Khô, huyện Yên Châu; khu Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn; di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp tại khu rừng bản Nhọt, huyện Phù Yên...
Cùng với đó, huyện Quỳnh Nhai đã phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, thăm quan, nghỉ dưỡng của các hợp tác xã du lịch sinh thái gắn với các lễ hội gội đầu, Nàng Han, Đua thuyền truyền thống.
Huyện Sông Mã duy trì hoạt động 2 làng nghề tại bản Hải Sơn và bản Hồng Nam, xã Chiềng Khoong gắn với tổ chức các lễ hội, phục dựng. Huyện Sốp Cộp phát triển mô hình du lịch nông thôn tại bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp; phối hợp Bảo tàng tỉnh khảo sát, chụp ảnh, khảo tả, đánh giá thực trạng và giá trị của di tích lịch sử-văn hóa Miếu Lắc Mẳn tại bản Sốp Cộp, xã Sốp Cộp và lập hồ sơ trình xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Huyện Vân Hồ, tiếp tục phát triển các bản du lịch cộng đồng gắn với di tích, danh lam thắng cảnh Hang mộ Tạng Mè, xã Suối Bàng; thác Tạt Nàng, suối nước nóng, xã Chiềng Yên.
Huyện Bắc Yên phục dựng lễ hội Xên bản dân tộc Thái xã Pắc Ngà; Cầu mùa dân tộc Dao xã Phiêng Côn, Xòe Thái xã Mường Khoa; phân khu di tích Hang A Phủ xã Hồng Ngài, Bãi đá khắc cổ Khe hổ xã Hang Chú, phát triển các nghề rèn, làm khèn, nấu rượu Hang Chú của người H’Mông…
Đồng chí Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, thông tin: Cùng với đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tỉnh Sơn La cũng quan tâm tới du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi bền vững mà tỉnh Sơn La chú trọng, ngoài giá trị kinh tế, mô hình này còn mang lại giá trị văn hóa bền vững cho địa phương. Trong đó, nhiều làng bản dân tộc ở Sơn La cũng đã phát triển du lịch cộng đồng như: Hua Tạt-Vân Hồ với homestay A Chu đã có hình ảnh và thương hiệu điểm đến; Làng nguyên thủy-Hang Táu, Chiềng Hắc Mộc Châu; Ngọc Chiến-Mường La..., đã thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm đời sống cộng đồng các dân tộc Sơn La...
Cùng với các giải pháp trong việc phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tỉnh Sơn La cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình khảo sát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên du lịch để tập trung xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đồng thời, tổ chức phục dựng trích đoạn các lễ hội, xây dựng đội văn nghệ dân gian biểu diễn hát dân ca, múa dân gian, nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian tại điểm du lịch, phát triển các nghề truyền thống; phục vụ nhu cầu thưởng thức, nghiên cứu, trải nghiệm của khách du lịch...
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, cho biết: Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/01/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, đã hoàn thành và về đích trước 1 năm đối với 2 mục tiêu lớn được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hai mục tiêu lớn được hoàn thành sớm, đó là khu du lịch quốc gia Mộc Châu chính thức được công nhận theo quy định của Luật Du lịch (đây là khu du lịch thứ 8 trong toàn quốc được công nhận). Thứ hai là vùng lòng hồ thủy điện Sơn La chính thức được đưa vào quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Sự tăng trưởng của ngành du lịch với những sản phẩm độc đáo đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần từng bước xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc.
Trong lộ trình phát triển du lịch nói chung, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nói riêng, tỉnh Sơn La đang tiếp tục tập trung chỉ đạo các huyện, thành phố phát triển sản phẩm du lịch gắn với các tài nguyên tự nhiên, lợi thế và bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động du lịch, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân về phát triển du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm với phương châm “Sản phẩm đặc sắc gắn với dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện, đơn giản, giá cả cạnh tranh, môi trường vệ sinh sạch, đẹp và điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”…
Ý kiến ()