Sơn La nâng tầm thương hiệu cây trồng chủ lực na Mai Sơn
Với việc xác định na là một trong những cây trồng chủ lực, thời gian qua, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, đã tập trung đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, thương hiệu đến với người tiêu dùng.
Do ảnh hưởng của thời tiết, nên vụ na năm nay ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, muộn hơn mọi năm một tháng.
Tại thời điểm này, na đang chín rộ, người dân trên địa bàn huyện Mai Sơn đang tích cực thu hoạch. Khắp nương vườn cho đến các sạp hàng na ven Quốc lộ 6 nhộn nhịp, tấp nập.
Giá na năm nay vẫn ổn định, dao động từ 30.000 đến 60.000 đồng/kg nên người trồng na rất phấn khởi.
Có mặt tại vườn na trên đồi cao rộng 2ha của gia đình chị Bùi Thị Huế ở tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, đúng dịp thu lứa na để kịp đóng gói chuyển về chợ đầu mối tại Hà Nội.
Để có những trái na to, sáng đẹp, đảm bảo chất lượng, gia đình chị đã chăm sóc cây na theo đúng quy trình VietGAP.
Dự kiến, năm nay, gia đình chị thu hoạch khoảng 30 tấn na. Hiện nay, mỗi ngày gia đình chị thu hoạch từ 2 đến 3 tạ na để xuất bán ra thương lái.
Còn đối với Hợp tác xã Mé Lếch ở xã Cò Nòi, có hơn 100ha cây na dai, na thái và na sầu riêng.
Các thành viên hợp tác xã tập trung chuyên canh theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ. Vụ na năm nay, hợp tác xã dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 250 tấn.
Với việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã Mé Lếch còn tích cực tìm, khai thác những giống na mới như giống na sầu riêng cho năng suất, chất lượng cao hơn về trồng và hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Quốc Hội, Phó Giám đốc Hợp tác xã Mé Lếch, cho biết hợp tác xã đã chăm sóc quả na đúng khoảng cách, bao bọc trái và khuyến cáo các thành viên trong hợp tác xã chăm bón phòng trừ bệnh hại kịp thời để cho mẫu mã sáng đẹp, an toàn.
Gia đình chị Đỗ Thị Hoa là một hộ thành viên tiêu biểu của Hợp tác xã Mé Lếch chia sẻ với 5.000 m2 đất vườn đồi, gia đình chị đã trồng cây na dai gần 20 năm nay.
Gia đình chị đã chăm sóc đúng kỹ thuật, theo quy trình VietGAP và hữu cơ nên cây na rất khoẻ, quả na to và ngon.
Đến vụ thu hái, gia đình chị không còn vất vả tìm kiếm đầu ra mà các thương lái, chủ các cửa hàng trái cây sạch tự tìm đến thu mua.
Trung bình mỗi năm vườn na của gia đình chị đạt từ 6 đến 7 tấn quả, trừ chi phí cho thu nhập từ 300 đến 350 triệu đồng.
Cây na được đưa vào trồng tại huyện Mai Sơn từ những năm 1990, chủ yếu trên địa bàn các xã Cò Nòi, Nà Bó, Hát Lót và thị trấn Hát Lót. Đến nay, na Mai Sơn đã xây dựng được nhãn hiệu trên thị trường.
Toàn huyện hiện có trên 440ha na, chiếm 4,1% tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện; trong đó, diện tích cho thu hoạch hơn 373ha; sản lượng na năm 2022 ước đạt 5.493 tấn.
Giống na trên địa bàn huyện chủ yếu gồm là na dai truyền thống và na thái chiếm 95,5% tổng diện tích trồng, gần đây giống na sầu riêng bước đầu được đưa vào sản xuất, hầu hết diện tích cây na được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ dùng phân chuồng ủ hoai mục, phân lân để bón cho cây, thường xuyên tỉa cành, tạo tán để hạn chế sâu bệnh.
Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, thông tin, để phát triển cây na ổn định và tạo đầu ra ổn định giúp cho người dân tiêu thụ việc hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất cực kỳ quan trọng, trong thời gian qua, huyện Mai Sơn đã tổ chức các hội nghị xúc tiến làm việc với các doanh nghiệp cũng như hợp tác xã trên địa bàn để bàn các giải pháp; trong đó, trọng tâm ký hợp đồng liên kết sản xuất quả na trên địa bàn huyện Mai Sơn.
Với việc xác định na là một trong những cây trồng chủ lực, thời gian qua, huyện Mai Sơn đã tập trung đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, thương hiệu đến với người tiêu dùng.
Huyện cũng đã tuyên truyền, vận động các hợp tác xã trồng na theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung sản xuất; đẩy mạnh đăng ký cấp mã số vùng trồng để đưa quả na tiêu thụ ở các thị trường và tìm hướng xuất khẩu, từ đó tiếp tục nâng giá trị thương hiệu na Mai Sơn./.
Ý kiến ()