Sơn La đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu.
Hiệu quả bước đầu
Là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc, Sơn La có diện tích tự nhiên trên 1,4 triệu ha, điều kiện tự nhiên phong phú, đất đai màu mỡ, rất thích hợp để phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Phát huy những tiềm năng và lợi thế, thời gian qua, Sơn La đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và nông nghiệp phát triển công nghệ cao nói riêng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức khoa học công nghệ trong và ngoài nước chuyển giao công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trong tỉnh. Hiện tỉnh Sơn La có 5 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ, là: chè shan tuyết, chè ô long, xoài, mật ong, rau an toàn. Năm 2015- 2016, Sơn La là một trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước về an toàn thực phẩm nông sản. Có 86 sản phẩm được chứng nhận VietGAP với 36 chuỗi sản xuất liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định.
Các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao như nhãn, bơ, hồng giòn, các cây ăn quả có múi sạch bệnh, cà phê, với các quy trình công nghệ canh tác mới đã được các tổ chức, đơn vị chuyển giao rộng rãi cho nông dân trong tỉnh áp dụng thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, Sơn La đã xây dựng thành công mô hình tưới nhỏ giọt công nghệ Israel kết hợp với bón phân hòa tan đối với cây cà phê và từng bước mở rộng tưới cho cây chè, cây ăn quả. Đến nay, toàn tỉnh có 10.500 ha cây ăn quả an toàn, chiếm hơn 30% tổng diện tích cây ăn quả trong toàn tỉnh; trong đó, trên 4.000 ha nhãn ghép, gần 800 ha xoài ghép cho thu nhập từ 300-700 triệu đồng/ha/năm; ngoài ra, còn có hơn 100 ha rau, 110 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2016, giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 6.675 tỷ đồng.
Cùng với đó, công nghệ sinh học đã được ứng dụng thành công trong bình tuyển, chọn lọc, lai tạo các giống bò, lợn của địa phương, tạo ra con giống có chất lượng cao, sức đề kháng tốt, phục vụ phát triển chăn nuôi, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2016, giá trị ngành chăn nuôi đạt 2.778 tỷ đồng. Trong lĩnh vực thủy sản, ngoài mô hình nuôi cá tầm theo quy mô công nghiệp, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện được triển khai rộng rãi. Đã sản xuất thành công giống cá lăng chấm, chép lai 3 máu, rô phi siêu đực và một số thủy sản đặc sản để đưa ra nuôi thương phẩm, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhiều mô hình nuôi thủy sản có thu nhập bình quân mỗi năm 2 tỷ đồng/ha mặt nước.
Đặc biệt, thời gian qua, Sơn La đã tích cực xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản của tỉnh; tổ chức Tuần hàng nông sản, thực phẩm an toàn Sơn La tại Hà Nội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, với sự tham gia của 20 doanh nghiệp tại Sơn La với trên 40 sản phẩm, trong đó, các loại quả như nhãn, xoài, na, hồng giòn, bơ… là sản phẩm có chất lượng, thương hiệu, có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường.
Việc phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ cao là chủ trương lớn của tỉnh Sơn La, vừa đáp ứng sự mong đợi của nhân dân, vừa phát huy tiềm năng lợi thế, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả ứng dụng, chuyển giao KH&CN, nhân rộng các mô hình vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, có thương hiệu để triển khai nhân rộng, hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm hàng hóa, chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần đưa nền nông nghiệp của Sơn La phát triển ngày càng bền vững.
Điểm đến mới của các nhà đầu tư
Hiện, tỉnh Sơn La đã thu hút được 111 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, hình thành 226 hợp tác xã nông nghiệp. Năm 2017, Sơn La đã quyết định hỗ trợ từ ngân sách thực hiện 136 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Mô hình ghép chuyển đổi giống nhãn chín sớm, chín muộn chất lượng cao; mô hình trồng bơ đạt tiêu chuẩn VietGAP; mô hình nuôi cá tầm, cá hồi, ba ba gai… Từ kết quả ứng dụng khoa học và công nghệ, đã hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa an toàn theo chuỗi giá trị như: chuỗi sản xuất rau an toàn, chuỗi sản xuất quả an toàn, chuỗi sản xuất mật ong Sơn La…
Tại Hội nghị xúc tiến đấu tư tỉnh Sơn La năm 2017 được tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, với sự tham dự của đông đảo đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành, đại diện của nhiều tập đoàn lớn đã và đang đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Sơn La đã khẳng định, Sơn La là một vùng đất tiềm năng để triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thời gian qua công tác thu hút, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Sơn La theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ đã được tỉnh triển khai quyết liệt, đạt hiệu quả bước đầu. Sơn La hiện đã thực sự trở thành một điểm đến mới cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp.
Đại diện của Tập đoàn TH true Milk, ông Quang Phi Tín cho biết với điều kiện tự nhiên phong phú, cùng với cơ chế mở trong mời gọi đầu tư của tỉnh Sơn La, Tập đoàn TH đã tiến hành xây dựng nhà máy chế biến hoa quả và đồ uống, dược liệu công nghệ cao; phát triển vùng trồng rau, củ quả, một số cây đặc sản, với tổng đầu tư của 2 dự án là 2.300 tỷ đồng. “Tại đây, Tập đoàn TH đưa khoa học công nghệ và khoa học quản trị vào tổ chức sản xuất, thúc đẩy tạo ra sản phẩm nông sản đạt chất lượng quốc tế và sản lượng hấp dẫn”, ông Tín khẳng định.
Theo đại diện Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La), bắt kịp với xu thế hội nhập, trong những năm gần đây, Công ty đã liên tục sản xuất ra những sản phẩm chất lượng được người tiêu dùng lựa chọn tin dùng. Đặc biệt, việc áp dụng thành công quy trình chăn nuôi bò sữa an toàn VietGAP đã giúp thương hiệu sữa Mộc Châu của tỉnh được người tiêu dùng trong cả nước đánh giá cao. Công ty đã đẩy mạnh phát triển đàn bò sữa, không ngừng đổi mới dây truyền, thiết bị và công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng của sản phẩm sữa các loại và thức ăn chăn nuôi.
Mục tiêu từ nay đến năm 2020, Sơn La đẩy mạnh xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm là sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và giá trị cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Trong đó, tập trung phát triển các vùng sản xuất lúa, rau, quả, chè, cà phê an toàn; vùng sản xuất mía sử dụng công nghệ tưới tự động, tiết kiệm nước; vùng sản xuất rau, hoa, dược liệu trong nhà kính; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản an toàn. Thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 15-20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()