Phát triển tổ chức ở những thôn, bản chưa có đảng viên
Bản Huổi Hịa, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp (Sơn La) hôm nay đã có nhiều đổi mới. Đường xuống bản đã được bê-tông hóa, nhiều mô hình trồng cà-phê, nhãn, bưởi… đang được triển khai. Huổi Hịa là một trong bốn bản biên giới của xã Nậm Lạnh cho đến năm 2010 vẫn chưa có tổ chức đảng. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Sơn La về tăng cường phát triển đảng, Đảng ủy xã Nậm Lạnh đã cử các đồng chí đảng ủy viên về phụ trách bản, phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng; sau 5 năm đã bồi dưỡng, kết nạp được bốn đảng viên và thành lập được Chi bộ bản Huổi Hịa. Đồng chí Vì Văn Đồng, Bí thư Chi bộ bản Huổi Hịa cho biết, từ khi có chi bộ, mọi chủ trương của Đảng ủy xã đều được phổ biến đến từng người dân. Chi bộ cũng triển khai các nghị quyết chuyên đề về đổi mới phương thức chăn nuôi, trồng trọt. Gần đây nhất là mô hình mở rộng chăn nuôi bò, ngựa theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới có diện tích tự nhiên 14.125 km², số dân hơn một triệu người với 12 dân tộc anh em sinh sống. Toàn tỉnh có 206 xã, phường, thị trấn với 3.198 bản, tiểu khu và tổ dân phố. Do điều kiện giao thông khó khăn, phần đông là đồng bào dân tộc ít người cho nên công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên gặp không ít khó khăn. Năm 2006, toàn tỉnh còn 76 bản, sáu trường học, bốn trạm y tế chưa có đảng viên và 995 đơn vị chưa có chi bộ. Ở những “vùng trắng” này, công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – chính trị còn nhiều hạn chế, các đoàn thể hoạt động kém hiệu quả, việc tuyên truyền vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo kết quả chưa cao. Trước thực trạng đó, các cấp ủy đảng trong tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên ở những nơi chưa có đảng viên, tập trung vào khu vực trường học và thôn, bản.
Mường La được đánh giá là huyện làm tốt công tác này. Giải pháp của Huyện ủy Mường La là phân công, giao nhiệm vụ cho các đồng chí cấp ủy viên, lãnh đạo các ngành, đoàn thể trực tiếp theo dõi, giúp đỡ cơ sở; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển đảng ở cơ sở chưa có đảng viên và tổ chức đảng. Huyện ủy bố trí sắp xếp, luân chuyển cán bộ đến công tác ở nơi chưa có đảng viên và tổ chức đảng để tạo nguồn phát triển đảng và xây dựng chi bộ. Thời điểm năm 2006, huyện Mường La có 244 bản, 41 trường, 16 trạm y tế, thì 61 bản, tám trường, 10 trạm y tế chưa có tổ chức đảng, nhưng đến nay tất cả các trường học, trạm y tế, thôn, bản trong huyện đã có tổ chức đảng. Cũng là địa phương có nhiều chuyển biến, huyện Sốp Cộp bên cạnh việc đưa đảng viên về bản, còn chú trọng phát hiện, tạo nguồn kết nạp đảng từ đoàn viên thanh niên, bộ đội xuất ngũ, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc… Hiện nay 125 trong số 127 bản của huyện Sốp Cộp đã có chi bộ và các tổ chức đoàn thể.
Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Sau nhiều nỗ lực tập trung cho công tác phát triển đảng, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã thành lập thêm 1.070 chi bộ ở các bản, trường học và trạm y tế xã. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 79 bản chưa có chi bộ, 67 bản đảng viên phải sinh hoạt ghép, 12 bản đảng viên tăng cường từ xã về tham gia sinh hoạt. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức đảng chưa phát huy tốt vai trò nòng cốt trong lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh – chính trị. Vì vậy, nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy Sơn La đặt nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển đảng ở các bản hiện chưa có chi bộ, bản chưa đủ điều kiện thành lập chi bộ độc lập; mục tiêu đến cuối năm 2020, tất cả các cơ sở (bản, trường học, trạm y tế) đều có chi bộ độc lập. Cùng với đó, các cấp ủy đảng trong tỉnh cũng đang tìm các giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi bộ, đặc biệt là chi bộ thôn, bản.
Tại xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, đồng chí Trần Minh Hải, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, hiện Đảng ủy xã đang tạm thời giải thể Chi bộ cơ quan xã để phân công đảng viên xuống sinh hoạt cùng các chi bộ thôn, bản. Ngoài nhiệm vụ giúp chi bộ duy trì nền nếp, đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt thì các đồng chí này còn có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác phát triển đảng; phấn đấu mỗi chi bộ có từ chín đảng viên trở lên. Tháng 11-2015, đồng chí Lò Văn Thiên, Bí thư Đoàn xã được tăng cường xuống Chi bộ bản Cỏng Ái. Tại đây, đồng chí đã cùng chi ủy phát hiện, bồi dưỡng được sáu quần chúng ưu tú. Thời gian qua, chi bộ cũng đã xây dựng nghị quyết chuyên đề chuyển đổi cây sắn truyền thống sang trồng lúa năng suất cao; động viên bà con góp vốn tham gia Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hồ Quỳnh. Đã có 10 gia đình trong bản tham gia, bước đầu mỗi hộ thu lãi 50 triệu đồng/năm.
Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Dương, đây không phải cách làm riêng của Đảng ủy xã Chiềng Ơn mà là chủ trương chung của Tỉnh ủy Sơn La nhằm bổ sung nguồn lực cho các tổ chức đảng ở cơ sở. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng trong tỉnh cũng tăng cường công tác tập huấn, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ ở cơ sở để tạo nguồn đảng viên đạt chất lượng. Tháng 4-2016, Tỉnh ủy Sơn La triển khai thí điểm Đề án tăng cường cán bộ Bộ đội Biên phòng giữ chức danh phó bí thư đảng ủy tại chín xã biên giới. Đây cũng là giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Sau thời gian thí điểm, Đề án này sẽ được triển khai ở tất cả các xã biên giới của tỉnh Sơn La.
Ý kiến ()