Sơn La công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai
Ngày 2/8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại các huyện, thành phố.
Theo đó, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ký Quyết định số 1556/QĐ-UBND ngày 2/8 về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại thành phố Sơn La, các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu.
Trước đó, từ ngày 22/7 đến ngày 24/7, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp suy yếu từ bão số 2, tại tỉnh Sơn La đã có mưa to đến rất to với tổng lượng phổ biến từ 40mm đến 200mm, một số nơi mưa rất to như: thành phố Sơn La 229,4mm; xã Chiềng Ngàm, huyện Thuận Châu 206,4mm; xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn 205,3mm; xã Nậm Ty, huyện Sông Mã 199,6mm.
Trên sông Nậm Pàn, huyện Sông Mã xuất hiện lũ lớn vượt báo động cấp 3, sông Nậm La, thành phố Sơn La xuất hiện lũ vừa vượt báo động 2.
Mưa lũ đã làm 11 người chết, 6 người bị thương, gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn về nhà, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp… với tổng thiệt hại hơn 500 tỷ đồng.
Mưa lớn kéo dài còn gây lũ quét, sạt lở đất và ngập úng làm thiệt hại nghiêm trọng về nhà, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu; xã Sặp Vạt, Chiềng Pằn, huyện Yên Châu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cũng yêu cầu các huyện, thành phố triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng và phân công nhiệm vụ cho các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, thời tiết để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phân công lãnh đạo địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực theo dõi 24/24 giờ trong những ngày mưa, lũ cao điểm. Chủ động triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Bố trí tạm thời nơi ở an toàn cho nhân dân, đồng thời tổ chức ứng cứu các điểm bị cô lập, bảo đảm hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho nhân dân vùng thiên tai.
Tổ chức rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.
Huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị sửa chữa ngay các công trình bị hư hỏng bảo đảm giao thông thông suốt, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc và vệ sinh môi trường cho người dân; thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ, ngập úng để sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân vùng thiên tai.
Xử lý, giải tỏa các công trình xây dựng trái phép, các công trình làm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng tới việc thoát lũ; nạo vét khơi thông dòng chảy của các hệ thống cống rãnh, công trình thoát lũ tại các đô thị, khu dân cư nông thôn.
Xác định hạng mục, công trình đầu tư khẩn cấp để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bố trí kinh phí trong khả năng cân đối các nguồn vốn để triển khai thực hiện, đồng thời chủ động rà soát, hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
Khi kết thúc khắc phục hậu quả thiên tai nêu trên có văn bản gửi cơ quan chuyên môn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để làm cơ sở công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Theo chức năng nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan cần phân công phụ trách chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp các địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ý kiến ()