Sơn La có 6 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu
Ông Vũ Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La cho biết, đến nay tỉnh Sơn La đang duy trì được 15 chuỗi sản xuất nhãn an toàn.
Nhãn chất lượng cao của Sơn La – Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Riêng sản lượng nhãn tại Sơn La được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 5.000 tấn; trong đó 1.500 tấn được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường Australia, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN…
Năm 2017, tỉnh Sơn La có 9 sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu là: Nhãn Sông Mã; Cà phê Sơn La; Cam Phù Yên; Xoài tròn – Yên Châu; Chè Shan tuyết – Mộc Châu; Rau an toàn Mộc Châu; Chè Ô long Mộc Châu; Chè Tà Xùa; Mật ong Sơn La.
Năm 2018, tỉnh Sơn La tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu cho 12 sản phẩm: Na – Mai Sơn, Sơn La; Bơ – Mộc Châu, Sơn La; cá Tầm – Sơn La; cá Sông Đà – Sơn La; Táo Sơn Tra – Sơn La; chè Phổng Lái – Thuận Châu, Sơn La; khoai sọ – Thuận Châu, Sơn La; gạo nếp Mường Và – Sốp Cộp, Sơn La; Rau an toàn Sơn La; Chanh leo – Sơn La; Mận hậu – Sơn La; Chuối – Yên Châu, Sơn La. “Tỉnh Sơn La hy vọng qua sự kiện sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La nói chung và sản phẩm nhãn nói riêng sẽ được nhiều người dùng trong nước và nước ngoài biết đến.
Hiện Sơn La đã xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Pháp, Thụy Sỹ… năm 2018, Sơn La sẽ xuất khẩu 1.000 tấn xoài, 1.500 tấn nhãn, chanh leo, bơ sàng thị trường Australia, EU, Nhật Bản… giá trị nông sản xuất khẩu dự kiến đạt trên 100 triệu USD.
Năm nay, Sơn La có tổng diện tích nhãn là 12. 257 ha (tăng 539ha so vởi năm 2017) chiếm 33% tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh, tập trung một số huyện: Sông Mã, Yên Châu, Mai Sơn, Mộc Châu; sản lượng ước đạt khoảng 62.000 tấn (tăng 23.000 tấn so với năm 2017); trong đó, sản lượng có truy xuất nguồn gốc ước 15.000 tấn, sản lượng đã được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường khó tính ước khoảng 1.500 tấn. Thời vụ thu hoạch từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 9.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, vụ nhãn năm nay, các tỉnh nói chung và Sơn La nói riêng đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại và tiêu thụ nhãn từ rất sớm. Để đáp ứng yêu cầu các thị trường nhập khẩu, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo thực hiện cấp mã số vùng trồng đối với các vùng cây ăn quả. Theo hướng dẫn của các đơn vị thuộc Bộ, Sơn La đã được cấp 6 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu.
Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn với việc tuân thủ sản xuất theo quy trình nhất định, đáp ứng yêu cầu nước nhập khấu và nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh việc thúc đẩy xuất khấu, những năm gần đây, tỷ trọng nhãn tiêu thụ nội địa đang có xu hướng gia tăng. Đến nay, nhãn đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bản lẻ tại mạng lưới các siêu thị lớn, các chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong cả nước.
Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018 tại Hà Nội – Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
* Từ ngày 3/8 đến ngày 9/8, “Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018” diễn ra tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội).
Mục tiêu triển khai “Tuần lễ Nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018” nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu nông sản an toàn tới người tiêu dùng, giới thiệu những địa chỉ cung cấp nông sản an toàn nhằm quảng bá, kích cầu, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản an toàn của tỉnh Sơn La, trong đó nhãn là sản phẩm chủ lực; đồng thời, khuyến khích người nông dân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, chế biến… thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo sản phẩm nông sản an toàn.
Sự kiện cũng là cơ hội để các đơn vị sản xuất kinh doanh, hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La tới thị trường Hà Nội nói riêng và thị trường trong nước nói chung.
Với sự tham gia của 20 đơn vị, Sơn La đã trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm: Nhãn; rau, củ, quả (tươi, sấy khô, đóng hộp) và nhiều sản phẩm đã qua chế biến. Các sản phẩm đều đạt Chứng nhận VietGAP,GobalGAP như: Xoài, bơ sáp, nhãn, bí xanh Mộc Châu, mướp hương, thanh long ruột đỏ, đậu Hà Lan, tỏi cô đơn, dưa leo, cà chua, rau cải mèo, cải bắp Mộc Châu…
Theo baochinhphu
Ý kiến ()