Sơn La chú trọng đào tạo, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số
Những năm qua, tỉnh Sơn La đã có nhiều nỗ lực trong công tác cán bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận giữa các dân tộc. Tuy nhiên, để ngày càng đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay và về sau, việc tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số đang đặt ra những vấn đề mới.
Chuyển động từ cơ sở
Chúng tôi trở lại thăm xã Ngọc Chiến, huyện Mường La và tham dự hội thảo: “Phát huy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến”. Chúng tôi ấn tượng bởi địa phương này có tiềm năng du lịch lớn, khí hậu trong lành, thiên nhiên hùng vĩ, với những ngôi nhà sàn lợp gỗ pơ-mu, và nơi đây có đội ngũ cán bộ nhiệt tình, hết lòng vì công việc, thân thiện, ấm áp tình người. Ngọc Chiến là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, núi non hiểm trở, cách huyện Mường La 34 km, có 19 bản, 2.176 hộ dân, với ba dân tộc Thái, H’Mông, La Ha cùng sinh sống. Hai năm trước, tôi về đây dự lễ hội mừng cơm mới, khi đó anh Lò Văn Hậu còn làm Bí thư Đảng ủy xã, anh Lò Văn Pháng làm Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến. Lần này trở lại, cả hai anh đều đã nghỉ, dù hai năm nữa mới đến tuổi về hưu. Trong bữa cơm như đón người nhà, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến Lò Văn Hậu, tâm sự: Để Ngọc Chiến được như ngày hôm nay có nhiều nguyên nhân, quan trọng nhất vẫn là nhờ vào đội ngũ cán bộ cơ sở. Ở đây cán bộ công chức xã 90% là người địa phương, tuy trình độ chưa đều, năng lực còn hạn chế, song nhiệt tình và trách nhiệm. Chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 – 2025, một số cán bộ xã không đạt chuẩn theo quy định đã xin rút. Kể đến đây, anh Hậu bảo: “Nghỉ lúc này tôi không tiếc gì, mà vui, bởi Ngọc Chiến giờ đã bớt khó khăn, con cháu mình đã gánh vác được rồi…”.
Câu chuyện của xã Ngọc Chiến có thể ví như hình ảnh thu nhỏ của nhiều địa phương ở tỉnh Sơn La trong quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ, chuyển giao thế hệ, tạo động lực phát triển mới. Đến thời điểm này, Sơn La đã tổ chức xong đại hội đảng bộ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở. Thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La cho thấy, đã có sự chuyển biến lớn theo hướng tích cực. Nhiều vị trí cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, huyện được bố trí lại hợp lý, có kế thừa, phù hợp chuyên môn, năng lực. Các đồng chí tham gia cấp ủy lần đầu ở đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 – 2025 trong toàn tỉnh là người dân tộc thiểu số (DTTS) có tỷ lệ cao hơn nhiệm kỳ trước. Trong đó, có 4.137/6.552 đảng ủy viên lần đầu tham gia cấp ủy là người DTTS, chiếm 63%. Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Sơn La, toàn tỉnh có 18.077 cán bộ công chức, viên chức là người DTTS (chưa tính giáo viên), trong đó có bốn tiến sĩ, 247 thạc sĩ, 4.914 người có trình độ đại học, 3.072 người có trình độ cao đẳng, 7.817 người có trình độ trung cấp và 1.027 người có trình độ sơ cấp. Tỷ lệ công chức là người DTTS ở cấp tỉnh hiện chiếm hơn 20%, cấp huyện là 40% và cấp xã là 87%.
Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy Mường La, đây là huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn, có sáu dân tộc chung sống. Những năm qua Mường La đã quan tâm thực hiện tốt việc bố trí, đào tạo, sử dụng cán bộ là người DTTS. Hiện nay, huyện Mường La có 149 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý thì 95 cán bộ là người DTTS, chiếm 63%. Toàn huyện có 16 xã, thị trấn thì 13 xã, thị trấn có Bí thư Đảng ủy là người DTTS, 12 xã, thị trấn có Chủ tịch UBND là người DTTS. Về trình độ, trong 149 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý có 26 thạc sĩ, chiếm 17,4%; 109 người có trình độ đại học, chiếm 73%; 14 người có trình độ cao đẳng, trung cấp, chiếm 9,4%. Đây là những con số 10 năm về trước công tác cán bộ ở Mường La chưa dám mơ, nay đã thành hiện thực và sẽ tạo động lực cho huyện trong thời kỳ mới.
Bức tranh về đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ DTTS ở Sơn La từ cấp xã, huyện, tỉnh là kết quả của quá trình đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có chủ ý, mà trước hết là công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ. Tuy nhiên, dự báo trong 5 đến 10 năm tới, nếu không có biện pháp tích cực Sơn La sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt, mất cân đối cơ cấu, giảm số lượng cán bộ DTTS ở các cơ quan ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh.
Tạo nguồn cán bộ người DTTS
Trải qua các thời kỳ lịch sử, điều kiện địa lý, phân bố dân cư ở Sơn La đã hình thành 12 dân tộc, đông nhất là dân tộc Thái chiếm 54,7%, Kinh gần 18%, H’Mông gần 13%, Mường 8,2%, các dân tộc khác còn lại chiếm 6,7%. Theo khái niệm về DTTS thì ngoài dân tộc Kinh, ở Sơn La có đến 82% số dân là người DTTS, trong số đó còn nhiều DTTS ít người, gồm Kháng, La Ha, Xinh Mun, Khơ Mú… sinh sống xen kẽ trong cộng đồng các dân tộc. Chính đặc điểm phân bố dân cư và cơ cấu dân tộc nêu trên đã tác động đến việc thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh Sơn La.
Để tạo nguồn cán bộ người DTTS tham gia vào quá trình quản lý xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, sau khi hòa bình lập lại năm 1954, tỉnh Sơn La đã chú trọng phát triển giáo dục, thực hiện xóa mù chữ, nâng cao dân trí. Năm 1964 thành lập hệ thống các trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú từ tiểu học đến THCS, đào tạo ra hàng chục nghìn con em các dân tộc, hiện đang giữ các trọng trách trong các cơ quan đảng, nhà nước các cấp. Hiện toàn tỉnh có hơn 600 trường học, với hơn 370.000 học sinh các cấp học, phủ khắp đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới. Đây là cơ sở tạo nguồn nhân lực chính cho tỉnh, góp phần nâng cao dân trí trong tương lai. Tuy nhiên, đây mới là mặt bằng chung, việc đào tạo chuyên môn, đào tạo kiến thức chuyên ngành để có thể trở thành cán bộ công chức, viên chức cho đến khi được tham gia tuyển dụng, sử dụng như hiện nay đang có sự phân hóa, ngày càng khó khăn đối với con em của đồng bào các dân tộc.
Làm việc với Sở Nội vụ tỉnh Sơn La, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Bình Minh cho biết: Vài năm trở lại đây, việc dừng chế độ cử tuyển con em các dân tộc vào các trường đại học, chuyên nghiệp, việc tuyển dụng phải thi công chức đang gây ra khó khăn với đối tượng là người DTTS. Kết quả thi công chức năm 2017 của tỉnh Sơn La, trong số 38 trường hợp trúng tuyển chỉ có 12 trường hợp là người DTTS, chiếm 31%. Trong số đó, DTTS ít người chỉ có duy nhất em Lò Thị Soong, sinh năm 1994, dân tộc Khơ Mú, học quản trị văn phòng – lưu trữ, trúng tuyển vào Sở Tài chính. Thi tuyển công chức năm 2019 của tỉnh có 27/67 trường hợp là người DTTS trúng tuyển, chiếm 40%. So với cơ cấu dân tộc ở một tỉnh chủ yếu là người DTTS, thì những con số nêu trên thật sự còn khiêm tốn.
Để tạo nguồn cán bộ người DTTS, tỉnh Sơn La đã chú trọng thực hiện các chủ trương, chương trình, đề án về công tác cán bộ của Chính phủ. Cụ thể, Sơn La đã tuyển chọn 10 đội viên trong Đề án 500 trí thức trẻ về hợp đồng làm việc tại các xã của năm huyện trong Chương trình 30a. Trong Đề án 600 phó chủ tịch xã, Sơn La tuyển được 49 trường hợp, đến nay còn 42 trường hợp vẫn phát huy hiệu quả tại các xã. Từ năm 2010 đến 2019 tỉnh Sơn La đã tuyển chọn, phân công 339 lượt trí thức trẻ và cán bộ chuyên môn kỹ thuật tham gia các tổ công tác tại các xã. Mới đây, giai đoạn 2018 – 2021, HĐND tỉnh đã quyết định chi ngân sách 24,3 tỷ đồng ký hợp đồng lao động đối với 118 trường hợp là người DTTS ít người tham gia công tác tại các xã đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Sơn La còn tham gia Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc H’Mông, các phương án bố trí sắp xếp việc làm để tạo điều kiện cho con em ra trường được tuyển dụng… Đánh giá chung, các đối tượng sinh viên, trí thức trẻ dự nguồn là người DTTS đều nhiệt tình, hăng say, phát huy tốt hiệu quả ở cơ sở. Tuy nhiên, sau khi kết thúc đề án, giải quyết tuyển dụng khi kết thúc hợp đồng đang gặp khó khăn.
Trong số các DTTS ở Sơn La thì ba dân tộc: Thái, H’Mông, Mường chiếm hơn 80%; các DTTS ít người khác, gồm: Kháng, La Ha, Xinh Mun, Khơ Mú… trở thành thiểu số trong thiểu số, cần được quan tâm. Trước đây, tỉnh Sơn La còn khá nhiều cán bộ DTTS thuộc dân tộc ít người tham gia vào các cơ quan đảng, đoàn thể, các ban, ngành, đơn vị sự nghiệp. Trong đó, có đại biểu Quốc hội, như: Ông Cà Kha Sam, dân tộc Khơ Mú (Quốc hội khóa IX), bà Lò Thị Nu, dân tộc La Ha (Quốc hội khóa X)… Nhưng hiện nay, đại diện cho các DTTS ít người ở Sơn La là cán bộ lãnh đạo công tác ở các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh đang có xu hướng giảm dần. Nếu không chủ động tạo nguồn cán bộ là người DTTS ít người thì tới đây sẽ vắng bóng các cán bộ là người DTTS ít người ở tỉnh Sơn La.
Để giải quyết thực trạng nêu trên, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La Lê Hồng Long mong muốn, ngoài quy định chung Trung ương cần nghiên cứu những phạm vi điều chỉnh cho phép các tỉnh có điều kiện, đặc điểm giống như Sơn La quan tâm đến được đối tượng cán bộ DTTS và cán bộ DTTS đặc biệt ít người. Nhất là tới đây, khi cụ thể hóa Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030” cần quan tâm cụ thể hơn, chi tiết hơn đến chính sách tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS.
Theo Nhandan
Ý kiến ()