Sơn La chủ động thúc đẩy tiêu thụ nhãn
Từ đầu năm đến nay, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỉnh Sơn La đã tổ chức tốt việc tiêu thụ, xuất khẩu xoài. Hiện nay, bắt đầu vào vụ thu hoạch nhãn, dự kiến rất sôi động, với nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nhãn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Sơn La, vụ nhãn năm nay tiếp tục được mùa, diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhãn an toàn tăng lên. Diện tích nhãn toàn tỉnh đạt khoảng 17.292 ha nhãn, sản lượng ước đạt 70.412 tấn. Trong đó, vùng trồng nhãn huyện Sông Mã có diện tích lớn nhất, với trên 7.000 ha, sản lượng 38.000 tấn.
Với diện tích và sản lượng lớn, nhãn Sơn La và nhãn của huyện Sông Mã đang trở thành vùng nhãn lớn nhất cả nước. Những năm qua, thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La chuyển đổi giống nhãn địa phương năng suất thấp, sang ghép giống nhãn lồng Hưng Yên, nhãn chín muộn, trồng các giống nhãn mới, cho đến nay đã cải tạo trên 80% diện tích.
Nhờ phù hợp chất đất và khí hậu Sơn La, cây nhãn phát triển nhanh, quả to, thơm ngon, được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài đánh giá rất cao.
Nhãn Sơn La đã xuất hiện ở hầu khắp các trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội, các chợ đầu mối lớn tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhãn Sơn La xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, xuất khẩu vào thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Australia…
Để bảo đảm chất lượng đầu ra cho sản phẩm nhãn, tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo tổ chức quy trình sản xuất nhãn tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 203 HTX, doanh nghiệp trồng nhãn theo quy trình mới, nhãn chất lượng cao, với hơn 2.500 ha, chiếm hơn 25% diện tích nhãn toàn tỉnh. Trong đó, nhãn được cấp mã số vùng trồng ngày càng mở rộng. Tới nay, có 207,6 ha được cấp 34 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ, Australia; 2415 ha được cấp 58 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý vùng nguyên liệu, bảo đảm sản xuất theo yêu cầu tiêu thụ và chế biến; phối hợp giữa các huyện, thành phố xử lý thông tin, quản lý mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Tại các HTX, doang nghiệp trồng nhãn thực hiện kiểm tra vệ sinh vườn trồng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng theo quy định, quan sát phát hiện bệnh rệp, thán thư, sương mai để xử lý; kiểm tra sổ ghi chép kỹ thuật chăm sóc…
Để tổ chức tiêu thụ tốt sản phẩm nhãn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Khánh thông tin, do dịch Covid-19, vụ nhãn năm nay, tỉnh Sơn La dự kiến sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn bằng hình thức trực tuyến giữa điểm cầu vùng trồng nhãn Sông Mã (Sơn La) với hai điểm cầu tại tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) vào sáng 1-8 tới. Đây sẽ là sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước cũng như thị trường Trung Quốc.
Với thị trường trong nước, từ năm 2019 đến nay, Sơn La đã tổ chức được hàng chục sự kiện xúc tiến thương mại, giới thiệu, bán hàng ở Hà Nội và các trung tâm lớn ở các tỉnh. Sơn La hiện đã kết nối, duy trì 144 chuỗi cung ứng an toàn, trong đó chuỗi cung ứng quả an toàn đạt 90 chuỗi, với tổng diện tích sản xuất 1.726 ha để đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, như: VinMart, BigC, Lotte, Hapro… đồng thời, mở rộng thị trường đến các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An…
Riêng với vùng trồng nhãn Sông Mã, đây là nơi hàng nghìn hộ dân Hưng Yên lên khai hoang, phát triển kinh tế văn hóa miền núi từ hơn 50 trước. Quá trình đi khai khẩn vùng đất mới, bà con Hưng Yên đã đưa cây nhãn lồng lên trồng ở Sông Mã. Huyện Sông Mã có diện tích nhãn lớn hơn vùng trồng nhãn Hưng Yên. Từ khi cải tạo lại vườn nhãn, cây nhãn ở đây đã được ghép các giống nhãn miền thiết, nhãn chín sớm, nhãn chín muộn… đã đưa cây nhãn thành cây chủ lực xóa đói giảm nghèo. Không chỉ bà con người Kinh, đồng bào dân tộc cũng trồng nhãn, có hàng trăm hộ thu tiền tỷ từ trồng nhãn.
Bắt đầu từ năm 2017, hằng năm, huyện Sông Mã tổ chức “Ngày hội nhãn Sông Mã”, quảng bá, thu hút đầu tư, giới thiệu sản phẩm nhãn. Nhãn ở đây quả to, đều, cùi dày, vở mỏng, ngọt thanh, thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nhờ chuyển đổi sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất mới, năm 2017, nhãn Sông Mã đã được Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Nhãn Sông Mã”; đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã trao Quyết định cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu cho ba tổ chức với diện tích gần 37 ha, gồm: HTX Bảo Minh, trồng nhãn tại bản C5 (xã Chiềng Khoong); HTX Hoàng Tuấn, trồng tại bản Hải Sơn 2 (xã Chiềng Khoong); HTX An Thịnh, trồng tại bản Mé (xã Nà Nghịu).
Đến nay, sau ba năm Sông Mã đã có 36 sơ sở HTX chuyên trồng nhãn, với 705 ha được trồng, chăm sóc bảo đảm mã số vùng trồng và quy trình sản xuất tốt.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Mã Nguyễn Tiến Hải cho biết, để tiêu thụ nhãn thuận lợi cho bà con, huyện đã chủ động kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ đến Sông Mã tìm hiểu làm ăn.
Đến nay, một số HTX, cơ sở sản xuất đã ký biên bản ghi nhớ, hoặc ứng tiền, đặt giá tiêu thụ nhãn. Nhờ có nhãn giải vụ nên áp lực tiêu thụ nhãn sẽ được giảm bớt. Dự kiến, nhãn chính vụ của Sông Mã năm nay sẽ dao động khoảng 18.000 đến 20.000 đồng/kg, nhãn chín sớm và chín muộn sẽ cao hơn khoảng từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg.
Theo kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn năm 2020, tỉnh Sơn La kỳ vọng nhãn sẽ được tiêu thụ thuận lợi. Hiện, các cơ quan, đơn vị, ngành trong tỉnh được phân công đang làm tốt công tác tiêu thụ nhãn cho bà con nông dân. Ước tính, trong số hơn 70.000 tấn nhãn, tiêu thụ trong nước khoảng 57.000 tấn, xuất khẩu 7.900 tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 9 triệu USD.
Hiện, các đơn vị xuất khẩu đã vào cuộc, gồm: Công ty TNHH Phong Trang (Lạng Sơn), Công ty TNNH Hùng Thảo (Bắc Giang), Công ty TNHH Tâm Hữu Dũng, Công ty CP nông lâm nghiệp Cánh đồng vàng, Công ty TNHH MTV Thắm Hà Nội, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp…
Với sự chuẩn bị tốt, triển khai đồng bộ các giải pháp, vụ thu hoạch nhãn năm nay của Sơn La sẽ thuận lợi, người trồng nhãn và tiêu thụ nhãn đều vui mừng, phấn khởi.
Ý kiến ()