Sơn La cần phát huy mạnh hơn nữa nguồn lực tại chỗ để phát triển
Tiếp tục chuyến công tác tại Sơn La, sáng 9-1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh. Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Sau ba năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ 13, Sơn La đã đạt bước phát triển khá trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ba năm (2011-2013) đạt 11,46%; năm 2013 có 16 trong số 17 chỉ tiêu kinh tế – xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh đạt gần 7.400 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2010. Cơ cấu các ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 31,6%, công nghiệp – xây dựng chiếm 23,3%, dịch vụ chiếm 45,1%. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 đạt gần 6.600 tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2010. Dịch vụ, du lịch phát triển cả về quy mô, ngành nghề, thị trường; hàng hóa phong phú, đáp ứng được các yêu cầu cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 1.000 USD/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2010.
Bên cạnh đó, Sơn La tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là tệ nạn ma túy, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Chương trình xóa đói, giảm nghèo, công tác bảo trợ xã hội được triển khai sâu rộng và có hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 38% năm 2010 xuống còn 27% năm 2013. Năm 2014, Sơn La phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh 11,5%; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông sản hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là các điểm tái định cư thủy điện và các bản đặc biệt khó khăn; Tỉnh kiến nghị Trung ương nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ về hạ tầng kinh tế – xã hội, trình độ dân trí, để đồng bào có điều kiện vươn lên trong sản xuất và đời sống; hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác lợi thế về đất đai, làm “bà đỡ” cho kinh tế hộ gia đình phát triển, phát huy nội lực, giảm áp lực cân đối từ ngân sách Trung ương cho địa phương.
Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, Sơn La là địa bàn hết sức quan trọng, một tỉnh miền núi có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng cũng có nhiều khó khăn trên con đường phát triển. Trong điều kiện khó khăn chung, Ðảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, phấn đấu nỗ lực vươn lên và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Rõ nhất là tháng 12-2012, thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, mở ra triển vọng mới để tỉnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết thấu đáo, nhất là việc tổ chức lại sản xuất, đời sống của hơn 120 nghìn người dân vùng lòng hồ thủy điện, phải di dời đến nơi ở mới. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh: chè, cà-phê, bò, mía, cao-su, cá tầm… mở ra những mô hình mới rất hiệu quả. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng và đạt kết quả tích cực. Mô hình nông dân góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất, cùng Nhà nước trồng cây cao-su, đến nay đã thu hút hơn bảy nghìn hộ, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.
Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng đã tạo chuyển biến rõ nét. Các yếu kém, khuyết điểm được chỉ ra sau kiểm điểm đã cơ bản được khắc phục, tháo gỡ, thực hiện nói đi đôi với làm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phong cách, lề lối công tác, rõ người, rõ việc, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đón nhận tích cực. Qua đó, Sơn La có thêm kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ đã đề ra.
Tuy nhiên, Sơn La vẫn là tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp. Mặt khác, trong quá trình phát triển đi lên, nhiều vấn đề mới đặt ra, cần được giải quyết như bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên, khoáng sản. Ðể hoàn thành mục tiêu thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành tỉnh khá ở khu vực Tây Bắc, Sơn La cần xác định rõ các tiêu chí, nội hàm cụ thể. Trong hai năm tới, thời gian không còn nhiều, tỉnh cần xác định nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 13, đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14. Muốn vậy, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có các giải pháp khả thi, tạo chuyển biến tốt trên thực tế.
Trước hết, Sơn La cần rà soát, bổ sung quy hoạch, thực hiện tốt theo quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh: Nghiên cứu mở rộng, phát triển một số mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, có hướng sản xuất hợp lý; chăm lo tốt hơn đời sống đồng bào tái định cư, tập trung giảm nghèo bền vững, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng cao khó khăn… Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, làm tốt công tác phòng, chống ma túy, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với nước bạn Lào.
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Tây Bắc, Sơn La cần phát huy mạnh hơn nữa nguồn lực tại chỗ của địa phương, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Trung ương, vươn lên tự lo được cho mình, đồng thời đóng góp cho Trung ương và cả nước. Cùng với tập trung phát triển kinh tế, Sơn La cần không ngừng chăm lo xây dựng Ðảng thật sự trong sạch, vững mạnh cả về con người và tổ chức, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Sơn La, Tổng Bí thư giao Văn phòng Trung ương Ðảng tổng hợp các ý kiến, trên cơ sở đó đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết theo thẩm quyền, chức năng.
Nhân dịp Xuân mới Giáp Ngọ 2014 sắp đến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc Sơn La tiếp tục đạt nhiều thành công trên những bước đường phát triển.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()