Sơn Ðộng đưa trí thức trẻ về xã nghèo
Thị sát một công trình nước sạch mới đưa vào sử dụng. Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, là một trong các huyện của cả nước được triển khai dự án 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch (PCT) UBND xã. Sau thời gian học tập tại Việt Trì (Phú Thọ), 19 trí thức trẻ đã có thời gian tập sự phó chủ tịch tại 19 xã đặc biệt khó khăn của huyện. Năm tuần tập sự đã để lại những ấn tượng khó quên đối với các trí thức trẻ và mở ra một triển vọng tươi sáng đối với các xã nghèo...Huyện Sơn Động là một trong số 62 huyện nghèo nhất cả nước được triển khai thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ cho mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Địa bàn huyện rộng, hầu hết là đồi núi trong khi dân cư thưa thớt, phần lớn là người dân tộc thiểu số. Đời sống của đại bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu. Nhiều xã, trình độ của cán bộ chưa đáp ứng yêu...
![]() Thị sát một công trình nước sạch mới đưa vào sử dụng. |
Huyện Sơn Động là một trong số 62 huyện nghèo nhất cả nước được triển khai thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ cho mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Địa bàn huyện rộng, hầu hết là đồi núi trong khi dân cư thưa thớt, phần lớn là người dân tộc thiểu số. Đời sống của đại bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu. Nhiều xã, trình độ của cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. 19 trí thức trẻ đăng ký và được phân công nhận nhiệm vụ tại các xã của huyện hầu hết là người địa phương, có trình độ đại học trở lên, có nguyện vọng và quyết tâm gắn bó, phục vụ quê hương. Trong số đó, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1983, trẻ nhất sinh năm 1989, có sáu nữ, 15 người là dân tộc thiểu số.
Bùi Thị Kim Dung, sinh năm 1983, quê An Châu (Sơn Động), được phân công tập sự PCT tại xã Cẩm Đàn. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, Dung nộp đơn vào dự án 600 trí thức trẻ. Đợt học tại Việt Trì vừa qua, em được bầu làm lớp phó, về tập sự tại địa phương lại được cử làm phó đoàn của 19 PCT tương lai. Theo chuyên ngành đào tạo, Dung được phân công phụ trách mảng kinh tế. Năm tuần lăn lộn, làm quen hầu hết các phòng, ban ở huyện, các bộ phận chức năng ở xã và đi hết các thôn, bản trong xã, Dung bắt tay xây dựng đề án “Đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc cây vải thiều”. Em chia sẻ cùng chúng tôi lý do em chọn đề án này bởi: “Bà con trồng nhiều vải thiều nhưng hầu như chưa có kiến thức chăm sóc đúng nên năng suất, chất lượng quả rất thấp. Em hy vọng đề án này được ứng dụng thành công sẽ khuyến khích người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất”.
Không phải là người địa phương nhưng Đào Hải Hà, sinh năm 1984, tại Lạng Giang (Bắc Giang) đã thể hiện quyết tâm gắn bó với xã nghèo Vĩnh Khương bằng cách… cưới luôn một cô gái Vĩnh Khương. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, Hà nộp đơn xin tham gia dự án và được chấp thuận. Về tập sự tại xã, anh chàng bén duyên một cô gái làng. Thế là cưới và đồng chí PCT tương lai được nhập hộ khẩu về xã, trở thành công dân của địa phương. Đề án của Hà về “Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp” vận dụng những kiến thức đã học ở trường và kinh nghiệm thực tế địa phương gắn liền với đời sống, điều kiện canh tác của người dân trong xã. Mong muốn của Đào Hải Hà là giúp bà con nông dân đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng mô hình cây, con đặc sản, trồng rừng kinh tế theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã. Đây là mô hình có tính khả thi cao trong điều kiện xã Vĩnh Khương còn nhiều khó khăn do thiếu nước sản xuất.
Xã An Bá nằm cạnh con sông Lục, nơi có đa số đồng bào Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí sinh sống, vốn có truyền thống văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là những điệu hát Sình ca, Soong hao. Về tập sự tại An Bá đúng là như “cá gặp nước” đối với La Thị Hằng, người xã Tuấn Đạo cùng huyện. Tốt nghiệp Trường đại học Văn hóa, cô gái sinh năm 1989, trẻ trung, sôi nổi và rất “kết” những điệu hát dân tộc nộp đơn tham gia dự án và được chọn. Những ngày tập sự tại xã, Hằng đã kịp đi hết các thôn, bản, nghe gần hết những điệu hát của đồng bào và ghi chép đầy một cuốn sổ dày. “Năm tuần thực tế cho em vốn sống bằng cả bốn năm đi học, em thấy mình đã sẵn sàng để làm một PCT xã rồi”, Hằng quả quyết.
Cũng sinh năm 1989 như Hằng, Nông Huệ Phương, cô cử nhân Đại học Nông – Lâm Thái Nguyên lại chọn cho mình đề tài “Phát triển chăn nuôi lợn nái sinh sản”. Đề tài khiến nhiều cán bộ xã Lệ Viễn, nơi Phương đi thực tế khen cô là “dũng cảm”. Mà quả thật Phương dũng cảm thật, cô không e ngại hay đỏ mặt trước những câu hỏi rất thật thà của bà con nông dân về những kiến thức chăn nuôi được học. Thậm chí cô sẵn sàng xắn quần áo, “cầm tay chỉ việc” tại chỗ cho bà con. Ở cô gái nhỏ nhắn này hội đủ yếu tố của một cán bộ xã miền núi: Không ngại khó, ngại khổ, ngại xa, sẵn sàng xuống cơ sở và nhiệt tình “cầm tay chỉ việc” cho bà con nếu việc đó đúng chuyên môn được học. “Đúng chuyên môn thì em không ngại nhưng về phương pháp làm việc, phương pháp quản lý của một cán bộ xã thì em còn phải học hỏi nhiều lắm. Ở đây các chú, các anh và bà con đều rất nhiệt tình chỉ bảo nên em cũng vỡ ra nhiều điều”, Phương tâm sự.
Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, sau đợt thực tế này, các trí thức trẻ trở về trường tại Việt Trì để hoàn thiện và bảo vệ đề án. Đối với 19 người ở Sơn Động, các bạn đã có thời gian tập sự và đều có những ý tưởng khá lý thú, táo bạo cho đề án của mình. Tất cả đều gắn với thực tế địa phương và thật sự có giá trị, thí dụ như đề án về phát triển cây vụ đông; mở rộng hệ thống thủy lợi; phát triển trang trại; lúa lai… Nhìn chung đối với việc thực hiện dự án 600 trí thức trẻ ở Bắc Giang là khả quan.
Thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết, bắt đầu từ tháng năm, các đội viên thuộc dự án 600 trí thức trẻ sẽ được nhận lương và các chế độ đãi ngộ khác như một chức danh phó chủ tịch UBND xã vùng đặc biệt khó khăn. Đó là tin vui nhưng cũng đặt lên vai những trí thức trẻ trách nhiệm thật nặng nề trong nhiệm vụ dùng kiến thức, kỹ năng được học để góp phần thúc đẩy sự phát triển của các xã đặc biệt khó khăn. Sau khi về xã, mỗi năm các trí thức trẻ đều có đánh giá, nhận xét của lãnh đạo xã, huyện và sau năm năm là dịp tổng kết dự án cấp Bộ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhưng như thế, nói như Bùi Thị Kim Dung, “không phải vì sợ đánh giá mà gắng sức làm việc, chúng em sẽ thực hiện nhiệm vụ bằng tất cả năng lực vì lương tâm, danh dự của những người thanh niên trí thức xã hội chủ nghĩa đối với bản thân và cộng đồng”.
Theo Nhandan

Ý kiến ()