Sớm Xuân nay trên biên cương Tổ quốc
Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân Khi những đợt không khí lạnh dồn dập tràn về vùng đồng bằng Bắc Bộ, chúng tôi tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khởi hành chuyến công tác lên các tỉnh miền núi Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Tuyên Quang.
Ðây là chuyến đi kiểm tra tình hình bảo đảm quốc phòng an ninh tuyến biên giới; thăm khu kinh tế – quốc phòng; các đồn biên phòng; thăm hỏi tặng quà “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc mầu da cam” tới các gia đình chính sách và các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số của Chủ tịch nước, đồng thời là Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Ðịa điểm dừng chân đầu tiên của Chủ tịch nước là Ðoàn Kinh tế – quốc phòng 338. Cán bộ, chiến sĩ của Ðoàn đón Chủ tịch nước tay bắt, mặt mừng như đón người thân đi xa mới về. Thì ra cũng những ngày này năm ngoái, Chủ tịch nước đã đến thăm, động viên đơn vị và giao nhiệm vụ. Nghe các đồng chí chỉ huy Ðoàn kinh tế – quốc phòng báo cáo tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trong năm qua và phương hướng nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong năm nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vui mừng trước kết quả đã đạt được của cán bộ, chiến sĩ ở đây. Ðồng thời, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, vì vậy ngoài nhiệm vụ chính trị được giao là nâng cao chất lượng công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Ðoàn 338 cần phối hợp thật tốt với chính quyền địa phương để giúp dân xóa đói, giảm nghèo với nhiều giải pháp sáng tạo, mang tính đột phá để thu hút đầu tư. Băn khoăn, trăn trở trước tỷ lệ hộ nghèo của xã Mẫu Sơn còn quá cao, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, huyện Lộc Bình, Ðoàn 338 cùng các ngành ở trung ương cần đầu tư, hỗ trợ một cách tích cực mạnh mẽ để giảm nhanh tỷ lệ hộ đói nghèo ở xã này. Chúng ta phải thực hiện xóa đói, giảm nghèo ở những nơi đặc biệt khó khăn với tinh thần năng động nhất, chủ động nhất. Chúng tôi còn nhớ những lời Chủ tịch nước nói vừa như giao nhiệm vụ lại vừa như đề nghị cán bộ, chiến sĩ tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực vượt khó khăn để xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu để đưa nhân dân địa phương trở lại sát biên giới để thực hiện chủ trương của nước ta và nước Trung Quốc về xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước. Trước hết vì lợi ích của nhân dân ở nơi có đường biên giới đi qua. Ðến từng xã thuộc ba tỉnh biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, tùy theo đặc điểm của từng nơi, Chủ tịch nước nêu những ý kiến chỉ đạo có khác nhau, nhưng tinh thần, mạch nguồn chủ đạo mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang muốn gửi gắm tới đồng bào, đồng chí ở địa phương có chung đường biên giới thì cũng giống như Chủ tịch nước đã nói ở Ðoàn 338.
Buổi chiều, ở Cao Bằng, sau khi vượt chặng đường dài từ Lạng Sơn sang, thăm hỏi, động viên nhân dân các xã, lên dâng hương tại Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khu Di tích lịch sử Pác Bó, ăn vội cơm trưa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên thăm thác Bản Giốc. Trời Cao Bằng chiều cuối năm, mưa phùn gió bấc và hơi lạnh từ những triền núi đá phả vào người lạnh cóng. Quốc lộ 26 được thảm nhựa, xe chạy êm ru từ TP Cao Bằng lên thác Bản Giốc chỉ mất hai giờ đồng hồ. Khu vực thác Bản Giốc bây giờ như một công trường xây dựng. Tổng công ty Du lịch TP Hồ Chí Minh đang xây dựng khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Bản Giốc. Hội Phật giáo đang xây dựng chùa Phật tích Trúc Lâm – Bản Giốc. Chúng tôi được nghe một đồng chí lãnh đạo công trường xây dựng khu nghỉ dưỡng khoe: Buổi sáng, các vị thượng tọa xuống động viên chúng tôi đẩy nhanh tiến độ thi công để phật tử cả nước đến cúng Phật, vãn cảnh chùa có chỗ ăn nghỉ và thưởng ngoạn danh thắng có một không hai ở nước ta. Dừng chân ở thác Bản Giốc, địa điểm đầu tiên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến là trạm kiểm soát biên phòng (thuộc Ðồn Biên phòng Ðàm Thủy). Cán bộ, chiến sĩ ở đây vây quanh Chủ tịch nước báo cáo: Chiếc xe bác tặng còn chạy tốt. Chúng tôi chợt nhớ vào Tết Nguyên đán năm 2008, đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư lên thăm trạm kiểm soát biên phòng này. Khi đồng chí hỏi có kiến nghị gì không? Một chiến sĩ trẻ bạo miệng: Cho chúng cháu xin một chiếc xe máy để khi có việc khẩn cấp chạy về đồn cho kịp thời. Ngay tối hôm đó về thành phố Cao Bằng, đồng chí Trương Tấn Sang đã lấy sáu triệu đồng của mình đưa cho Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng và nói: “Mua cho mấy sắp nhỏ chiếc xe máy chạy tạm”. Trò chuyện, tặng quà, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Ðàm Thủy, Chủ tịch nước rất vui mừng với những thành tích mà họ đã đạt được, kể cả việc tạo điều kiện thông thoáng theo quy định của pháp luật để đón khoảng 30 nghìn khách du lịch đến thăm danh thắng thác Bản Giốc. Trong đó có nhiều khách du lịch đến từ các nước Hà Lan, Ðức, I-ta-li-a, Ma-lai-xi-a. Chủ tịch nước căn dặn cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Ðàm Thủy thực hiện tốt hơn nữa mọi mặt công tác biên phòng, làm chủ đường biên, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Làm tốt công tác đối ngoại biên phòng. Chăm lo giúp chính quyền và nhân dân địa phương giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Ðó là kế “sâu rễ, bền gốc” để xây dựng thế trận lòng dân, trực tiếp góp phần cùng nhân dân các nước khác có chung đường biên giới xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước. Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Ðàm Thủy cần cố gắng hơn nữa để cùng với các cấp, các ngành chức năng làm cho thác Bản Giốc trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn nhất cả nước. Trong không khí ấm cúng của những ngày Tết sắp đến, Xuân sắp về, Chủ tịch nước bộc bạch: Cứ vào dịp này, không đến được với cán bộ, chiến sĩ biên phòng, cá nhân tôi cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó. Ðúng vậy, có lần Chủ tịch nước nói với chúng tôi, ngày Tết gia đình nào cũng quét dọn nhà cửa, gia cố cổng ngõ thì đất nước cũng vậy. Muốn có Tết vui vẻ thì phải thăm hỏi, động viên những người canh giữ đất nước không có điều kiện ăn Tết cùng gia đình. Ðó là tình cảm mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành cho cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng Chi Ma (Lạng Sơn), Ðồng Văn (Hà Giang).
Ðể nắm chắc tình hình phát triển kinh tế – xã hội ở các xã thuộc tuyến biên giới của ba tỉnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt, tiếp xúc với cán bộ lãnh đạo và nhân dân ngay tại trụ sở của ba xã Cao Lầu, huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn; xã Vân Trình huyện Thanh An, tỉnh Cao Bằng và xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Sau khi nghe báo cáo ngắn gọn tình hình phát triển kinh tế – xã hội của các xã, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương, ghi nhận những thành tích mà đồng bào, đồng chí đã đạt được. Chủ tịch nước đề nghị đồng bào, đồng chí năng động sáng tạo hơn nữa trong khai thác mọi tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế hàng hóa, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, thật sự phát huy vai trò chủ thể, quyền làm chủ của nhân dân để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tại các cuộc gặp mặt, tiếp xúc này, là Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng 10 suất quà Tết cho 10 hộ gia đình nghèo, đối tượng chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã. Trao tặng 300 suất quà Tết, 200 tấm chăn cho đồng bào nghèo của mỗi tỉnh. Ở các cuộc gặp mặt đầm ấm tình dân, nghĩa Ðảng này, không chỉ những người được tặng quà, mà nhiều người dân đã mộc mạc nói lên suy nghĩ của mình trước sự quan tâm sâu sắc của Ðảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc nơi biên cương của Tổ quốc.
Trong tâm trí chúng tôi không phai mờ hình ảnh vào sáu giờ sáng thứ bảy 11-1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ðoàn công tác rời TP Lạng Sơn đi trong sương mù dày đặc, gió núi quật vào cửa kính ô-tô phầm phập để sang Cao Bằng đến tận nhà thăm chúc Tết bác thương binh Nguyễn Văn Bích, 75 tuổi, dân tộc Tày, ở xã Ðức Xuân, huyện Thạch An. Căn nhà ba gian chật ních tiếng cười. Chủ nhà là người dân tộc nói năng thật thà như đếm, không khách sáo. Chủ tịch nước và bác thương binh, hai người lính Cụ Hồ nắm chặt tay nhau như hai người lính lâu ngày gặp lại, cùng kể về những kỷ niệm của một thời quân ngũ. Quà của Chủ tịch nước tặng hôm nay, ngoài tiền mặt còn có bánh kẹo, đường, mì chính và dầu ăn đủ làm tươm tất mấy mâm cỗ vui Xuân đón Tết. Tầm năm giờ chiều chủ nhật, 12-1, Chủ tịch nước mới đến được chân cột cờ Lũng Cú, Ðồng Văn, Hà Giang. Lúc bấy giờ, nhiệt độ ở ngoài trời là 50C, chúng tôi vẫn cứ đứng ngắm cờ Tổ quốc tung bay trong gió núi mây ngàn.
Bước xuống xe, Chủ tịch nước vào thăm cụ Lý Thị Máy, dân tộc Mông, là mẹ liệt sĩ và chị Vừ Thị Máy, thương binh, nhà của cụ và chị ở ngay dưới chân cột cờ. Người mẹ không biết tiếng phổ thông, đã hy sinh đứa con mang nặng đẻ đau cho Tổ quốc nay cứ nắm chặt tay Chủ tịch nước vừa nói bằng tiếng dân tộc vừa lấy tay lau nước mắt. Anh con trai ngồi cạnh dịch rằng: Mẹ tôi cảm ơn Ðảng, cảm ơn Nhà nước và cảm ơn Chủ tịch nước đến thăm lại còn cho quà. Tấm lòng của người dân nước Việt đối với Tổ quốc vẫn đầy đặn, vẹn toàn như thuở nào.
Trở về Thủ đô Hà Nội, bắt gặp đào hồng quất đỏ đang tràn ngập phố phường, chúng tôi nhớ ngay những rừng đào bên đường từ cao nguyên Ðồng Văn về TP Hà Giang không còn một chiếc lá trên cành, vì giá rét những ngày trước đó. Và ở đó có đồng bào, đồng chí của mình quanh năm cần mẫn mưu sinh trên núi cao, suối sâu vì cuộc sống của họ và cũng vì Tổ quốc của chúng ta.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()