Sớm xem xét việc thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương
Thu phí tại trạm thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương vừa đưa vào thực hiện việc thu phí theo quy định kể từ ngày 25-2. Tuy nhiên, sau bốn ngày triển khai, hàng loạt các đơn vị vận tải, doanh nghiệp cho rằng mức phí trên là quá cao cho nên đành trở lại lưu thông đường cũ là quốc lộ 1A.Mức phí chưa hợp lý?Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương được khởi công từ tháng 12-2004 và đưa vào khai thác, sử dụng tạm từ tháng 2-2010 với tổng chiều dài gần 62 km, trong đó tuyến đường cao tốc chính dài gần 40 km, vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Tổng kinh phí đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Theo Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM), tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương có bốn trạm thu phí gồm hai trạm chính Chợ Đệm, Thân Cửu Nghĩa (đầu và cuối tuyến cao tốc) và hai trạm phụ Bến Lức, Tân...
Thu phí tại trạm thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương. |
Mức phí chưa hợp lý?
Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương được khởi công từ tháng 12-2004 và đưa vào khai thác, sử dụng tạm từ tháng 2-2010 với tổng chiều dài gần 62 km, trong đó tuyến đường cao tốc chính dài gần 40 km, vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Tổng kinh phí đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Theo Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM), tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương có bốn trạm thu phí gồm hai trạm chính Chợ Đệm, Thân Cửu Nghĩa (đầu và cuối tuyến cao tốc) và hai trạm phụ Bến Lức, Tân An (tại hai nút giao lập thể của tuyến cao tốc). Trên lộ trình 40 km, các phương tiện phải đóng mức phí từ 1.000 đến 8.000 đồng/km. Theo đó, mức phí thấp nhất thuộc các phương tiện dưới 12 ghế ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng có mức phí 40.000 đồng/chặng. Đối với các phương tiện 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng công-ten-nơ 40 feet mức phí là 8.000 đồng/ km, tức 320.000 đồng/chặng.
Ngay trong những ngày đầu tiên thu phí, nhiều doanh nghiệp vận tải và các lái xe cho rằng, mức phí trên là quá cao, nhất là mức tính phí đối với xe tải nặng, công-ten-nơ 40 feet. Ông Trần Việt Hùng, quản lý vận tải cho doanh nghiệp vận tải Công Thành phân tích: Đối với các loại xe tải nặng, một lượt phải chịu 320.000 đồng, nếu cả đi và về sẽ mất 640.000 đồng, đó là chưa kể đi các tỉnh xa hơn sẽ còn chịu thêm phí cầu, đường ở một số tuyến khác. Trong khi đó, một chuyến hàng từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền tây chỉ lãi khoảng một triệu đồng. Nếu mức phí này không thay đổi thì các doanh nghiệp sẽ tiếp tục quay về “đường cũ” là quốc lộ 1A để lưu thông dù tuyến đường này xa hơn khoảng 11 km và đường xấu hơn. Điều này cũng dễ dẫn đến tình trạng kẹt xe như thời gian trước đây, đồng thời với lưu lượng xe lưu thông lớn cũng làm đường nhanh xuống cấp hơn.
Trung tâm Quản lý đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương cho biết, trước đây, mỗi ngày có khoảng 30 nghìn lượt phương tiện lưu thông thì chỉ sau bốn ngày thu phí, số phương tiện lưu thông qua tuyến đường này giảm nhiều, nhất là đối với các loại xe tải hạng nặng. Tại quốc lộ 1A, Cửu Long CIPM cũng đặt một trạm thu phí các phương tiện với mức phí bằng 25% mức phí đặt trên đường cao tốc. Theo giải thích của Ban Giám đốc Cửu Long CIPM, việc đặt trạm thu phí tại quốc lộ 1A là nhằm thu hút các lái xe lưu thông trên đường cao tốc, giảm áp lực phương tiện cho tuyến quốc lộ này.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cũng đã ra văn bản phản ứng việc thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương quá cao và cho rằng, với mức phí này cũng sẽ đẩy giá một số loại hàng hóa, chi phí sản xuất hàng xuất khẩu tăng lên. Và người dân, các doanh nghiệp sản xuất sẽ càng thêm khó khăn trong thời điểm hiện nay. Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 10 nghìn xe tải, công-ten-nơ chở hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền tây và ngược lại.
Điều chỉnh theo hướng hợp lý
Trước phản ánh về một số khó khăn của doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ đường cao tốc, chiều 28-2, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh có công văn gửi Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính kiến nghị một số nội dung liên quan đến hoạt động thu phí trên đường cao tốc.
Thứ nhất, Hiệp hội kiến nghị giảm giá phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương xuống 50% so với hiện nay.
Thứ hai, không nên phân biệt mức thu phí đối với xe chở hàng bằng công-ten-nơ 40 feet gấp đôi mức phí đối với xe chở hàng bằng công-ten-nơ 20 feet bởi khi cà thẻ, thiết bị thu phí chỉ nhận diện xe đầu kéo rồi áp dụng mức cao nhất 8.000 đồng/km. Trong khi đó, giá cước chở công-ten-nơ 20 feet và 40 feet gần như không chênh lệch nhau.
Thứ ba, kiến nghị không cho phép lắp đặt Trạm thu phí trên quốc lộ 1A để tác động vào đơn vị vận tải. Theo luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải TP Hồ Chí Minh, căn cứ theo Pháp lệnh Phí và lệ phí (của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), chủ đầu tư không được phép thu phí đối với các phương tiện không sử dụng dịch vụ. Tức là thu phí hoàn vốn cho đường cao tốc mà lại đặt trạm trên quốc lộ 1A là hình thức thu phí sai đối tượng.
Trả lời về thực trạng như đã nêu trên, Tổng Giám đốc Cửu Long CIPM Dương Tuấn Minh cho rằng: Mức phí trên là do Bộ Tài chính ban hành, đơn vị chỉ là người thực hiện. Một số khó khăn mà các doanh nghiệp vận tải nêu trong thời gian qua sẽ được tổng hợp để báo cáo lên cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Thiết nghĩ, chủ trương thu phí để hoàn vốn là hoàn toàn đúng đắn, song trước những khó khăn của doanh nghiệp vận tải, các cơ quan chức năng cần sớm có những điều chỉnh theo hướng phù hợp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()