Sớm xây dựng nhãn hiệu cho hồng Vành Khuyên
Hồng Vành Khuyên của huyện Văn Lãng có mẫu mã riêng biệt với các loại hồng khác ( có vành tròn trên quả). Ảnh do Phòng NN-PTNT huyện cung cấp
Kỹ sư Đinh Long Xuyên, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng – chủ nhiệm đề tài cho biết: Hiện tổng diện tích hồng Vành Khuyên trên địa bàn huyện Văn Lãng là 660 ha. Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm bà con trồng mới thêm 20 ha. Sản lượng quả tươi đạt 1.600 tấn (năm 2014), giá thị trường dao động từ 14 nghìn – 20 nghìn đồng/kg. Hằng năm, loại cây đặc sản này mang lại thu nhập khoảng 20 tỷ đồng cho những hộ trồng hồng Vành Khuyên tại huyện Văn Lãng. Hầu hết hồng được bán dưới dạng quả tươi, các xã có diện tích lớn như Tân Mỹ, Tân Thanh, Hoàng Việt… khi vào vụ thu hoạch, tư thương đều đến tận nơi thu mua.
Hằng năm, sản lượng tiêu thụ ra thị trường lớn như vậy nhưng sản phẩm quả hồng chưa có nhãn mác, bao bì đóng gói và đặc biệt là xây dựng thương hiệu để được bảo hộ nên giá trị kinh tế của sản phẩm quả hồng Vành Khuyên không ổn định. Không những vậy, một số loại hồng ở địa phương khác thường trà trộn, “nhái” tên hồng Vành Khuyên của Văn Lãng dẫn đến giá cả bị sụt giảm, không tương xứng với chất lượng, danh tiếng vốn có của loại hồng này.
Trước những vấn đề đặt ra đó, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Văn Lãng” cho sản phẩm hồng Vành Khuyên là việc phải làm để tái sản xuất nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đồng thời đây sẽ là điều kiện để phát triển sản xuất hồng Vành Khuyên thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Người dân thu hoạch hồng xuất bán cho tư thương. Ảnh do Phòng NN-PTNT huyện cung cấp
Hồng Vành Khuyên là cây trồng có từ lâu đời. Người trồng hồng từ trước đến nay vẫn chủ yếu trồng, chăm sóc, thu hoạch theo thói quen cũ. Chính vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm quả hồng Vành Khuyên của huyện Văn Lãng không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm hồng mà còn từng bước góp phần thay đổi tập quán canh tác của người trồng hồng.
Bắt tay vào thực nghiệm đề tài khoa học này, Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn; Sở KH&CN tỉnh, Hội Làm vườn… hướng dẫn bà con cách chăm sóc, thu hoạch một cách khoa học hơn. Đồng thời tiến hành nghiên cứu hệ thống sinh thái của huyện để từng bước xây dựng bản đồ ranh giới vùng trồng hồng Vành Khuyên được bảo hộ (hồng Vành Khuyên là loại cây trồng chịu tác động tương tác mạnh với các yếu tố của đất, khí hậu…, do vậy cần xây dựng bản đồ nhằm xác định vùng trồng hồng trọng điểm).
Cùng với đó, Phòng NN&PTNT huyện sẽ chủ động nghiên cứu, tìm nguồn gen hồng Vành Khuyên để nhân giống hồng có chất lượng tốt, khả năng chống sâu bệnh cao. Không chỉ vậy, khi đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể “Văn Lãng” cho sản phẩm quả hồng Vành Khuyên, phòng sẽ tham mưu với UBND huyện tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp, liên kết, phối hợp với người trồng hồng, tạo đầu ra ổn định cho loại quả này.
Với việc được UBND tỉnh phê duyệt đề tài khoa học năm 2015, hy vọng rằng, sau một thời gian nữa, nhãn hiệu tập thể “Văn Lãng” sẽ khẳng định vị thế của hồng Vành Khuyên trên thị trường.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()