Hằng ngày, ngư dân huyện Cẩm Xuyên phải bơi hoặc chèo thuyền thúng vào bờ đăng ký trước khi ra khơi vào lộng. Hơn 6.000 ngư dân của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hằng ngày vẫn phải thay phiên nhau chèo thuyền thúng, thậm chí bơi giữa nước sâu, sóng lớn để vào bờ đăng ký kiểm soát với Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa Nhượng (cửa khẩu) trước khi ra khơi vào lộng. Vì thế cần sớm xây dựng cầu tàu kiểm soát tại đây nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho người và phương tiện.Dầm mình trong nước lạnhTình cờ một lần đi qua vùng biển Cửa Nhượng, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, chúng tôi chứng kiến hàng chục thanh niên, phụ nữ thay phiên nhau miệng ngậm một túi ni-lông bọc sổ ghi chép rồi bơi hơn 70 m nước sâu vào bờ để đăng ký kiểm soát ra, vào cửa khẩu với Bộ đội Biên phòng mà lạnh cả xương sống.Cẩm Xuyên là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn và cũng là huyện có nhiều xã sinh sống dựa vào nghề biển nhất tỉnh Hà Tĩnh. Toàn huyện...
Hằng ngày, ngư dân huyện Cẩm Xuyên phải bơi hoặc chèo thuyền thúng vào bờ đăng ký trước khi ra khơi vào lộng. |
Hơn 6.000 ngư dân của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hằng ngày vẫn phải thay phiên nhau chèo thuyền thúng, thậm chí bơi giữa nước sâu, sóng lớn để vào bờ đăng ký kiểm soát với Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa Nhượng (cửa khẩu) trước khi ra khơi vào lộng. Vì thế cần sớm xây dựng cầu tàu kiểm soát tại đây nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho người và phương tiện.
Dầm mình trong nước lạnh
Tình cờ một lần đi qua vùng biển Cửa Nhượng, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, chúng tôi chứng kiến hàng chục thanh niên, phụ nữ thay phiên nhau miệng ngậm một túi ni-lông bọc sổ ghi chép rồi bơi hơn 70 m nước sâu vào bờ để đăng ký kiểm soát ra, vào cửa khẩu với Bộ đội Biên phòng mà lạnh cả xương sống.
Cẩm Xuyên là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn và cũng là huyện có nhiều xã sinh sống dựa vào nghề biển nhất tỉnh Hà Tĩnh. Toàn huyện có gần 1.000 tàu, thuyền lớn, nhỏ, với hơn 6.000 ngư dân thuộc năm xã, thị trấn gồm: Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh, Cẩm Phúc, Cẩm Lộc và thị trấn Thiên Cầm tham gia đánh bắt thủy hải sản. Ngoài số lượng tàu thuyền của ngư dân trong huyện, vào chính vụ đánh bắt còn có hàng trăm chiếc tàu thuyền của các địa phương lân cận ra vào đăng ký hoạt động ở cửa khẩu này. Việc một lượng lớn tàu thuyền thường xuyên ra vào đăng ký với trạm biên phòng để được hoạt động đòi hỏi phải có sự tuần tra, kiểm soát gắt gao nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho người và tài sản khi ra khơi, trường hợp có gió bão xảy ra kịp thời thông báo, kêu gọi tàu thuyền vào bờ an toàn. Thế nhưng, ngược lại, việc tuần tra, kiểm soát cũng như ra vào đăng ký của lực lượng chức năng và ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế bởi thiếu hệ thống cầu tàu kiểm soát.
Bình quân mỗi ngày có khoảng 250 tàu thuyền đăng ký tại trạm nhưng hầu hết tất cả ngư dân trên các tàu thuyền đều phải bơi vào để làm thủ tục, một số ít có điều kiện thì chèo thuyền thúng vào đăng ký.
Anh Hoàng Ngọc Hoa, thôn Nguyễn Năm, xã Cẩm Nhượng vừa bơi dưới nước lên tâm sự: Gần hai năm nay, sau ngày cơn lũ lịch sử năm 2010 cuốn trôi chiếc cầu tạm phục vụ việc đăng ký, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng biên phòng, ngày nào cũng như ngày nào, trước khi ra khơi hay khi trở về tôi đều phải bơi vào đăng ký với cơ quan chức năng. Chúng tôi thường ra khơi khoảng 12 giờ đêm nhưng để vào đăng ký được tôi phải dùng túi ni-lông bọc sổ đăng ký lại ngậm vào miệng rồi bơi vào bờ, sau khi đăng ký xong lại phải bơi trở ra thuyền để khởi hành. Sóng to, nước lạnh buốt khiến cả người tôi như đông cứng lại. Những lúc ấy tôi đã có ý định bỏ nghề, nhưng nghĩ lại bỏ nghề biển thì biết làm gì khi không có một tấc đất cắm dùi…
Cùng chung cảnh ngộ với anh Hoa là ngư dân Nguyễn Thị Tịnh, xã Cẩm Lộc. Chị Tịnh mặc dù đánh bắt gần bờ vì thuyền nhỏ, nhưng ngày nào chị cũng thực hiện nghiêm túc việc đăng ký ra vào cửa khẩu với trạm biên phòng. Chứng kiến chị bơi vào, bơi ra giữa những con sóng bạc để đăng ký trông thật xót xa. Chị Tịnh nói: “Mùa ni còn đỡ chứ đến mùa nước lụt thì khỏi phải nói vất vả của ngư dân bầy tui đến mức nào. Sóng dậy ầm ầm, nước sâu tới 12-13 mét, lạnh buốt nhưng cũng phải ráng bơi vào hoàn thành trách nhiệm”.
Chị Tịnh là người đại diện cho rất nhiều phụ nữ ở vùng biển Cẩm Xuyên, vì không có đất sản xuất nên phải bám biển nuôi con ăn học. Những chuyến đi biển của các anh, các chị chưa biết có thu được mẻ cá nào hay không nhưng cứ nhìn cái cảnh họ ra vào đăng ký với cơ quan chức năng trước khi ra khơi vào lộng thì cũng đủ biết nguy hiểm luôn luôn rình rập tính mạng họ.
Cây cầu dân sinh
Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Phạm Tiến Dũng cho biết, xuất phát từ nhu cầu giao thương, buôn bán và ra vào tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, năm 2005, ngư dân, chính quyền xã và Bộ đội Biên phòng góp công, góp của làm một cây cầu tạm phục vụ việc tuần tra, kiểm soát và trình báo của ngư dân trước khi ra khơi. Có cây cầu tạm đó giúp ngư dân thuận tiện rất nhiều trong việc đăng ký với trạm biên phòng cũng như bảo đảm an toàn cho tàu thuyền neo đậu khi sóng to gió lớn. Thế nhưng trận lũ lịch sử năm 2010 đã cuốn cây cầu trôi ra biển. Từ lúc đó đến giờ công tác tuần tra, kiểm soát khu vực cửa khẩu gặp phải rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi rất mong cấp trên quan tâm đầu tư cấp kinh phí để xây dựng một cầu tàu kiểm soát trước mùa mưa bão năm nay” – Ông Dũng nhấn mạnh.
Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa Nhượng Nguyễn Văn Đức nói: “Việc xây dựng hệ thống cầu tàu phục vụ tuần tra, kiểm soát ra vào cửa khẩu lúc này là rất cấp bách và cần thiết bởi đây được xem là cây cầu dân sinh, có ý nghĩa hết sức quan trọng liên quan trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, phòng, chống lụt, bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân đi biển”.
Cũng theo anh Đức, do không có cầu tàu nên việc tuần tra, kiểm soát của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, các cán bộ, chiến sĩ muốn kiểm tra tàu thuyền cũng phải lội nước, bơi ra từng chiếc thuyền để kiểm tra. Đặc biệt, có một số trường hợp ngư dân lợi dụng hạn chế trong việc tuần tra của lực lượng chức năng để vận chuyển các vật liệu nổ, chất cấm để đánh bắt cá khiến trạm không thể kiểm soát hết. Ngoài ra, việc nhiều ngư dân trốn tránh đăng ký ra vào cửa khẩu cũng thường xuyên xảy ra, bởi họ rất ngại khi ngày nào cũng phải dầm mình trong nước sâu bơi vào để trình báo, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý tàu thuyền ra khơi trong mùa mưa bão.
Bày tỏ nguyện vọng của hơn 6.000 ngư dân, anh Hoàng Ngọc Hoa nói: “Giờ đây ngư dân Cẩm Xuyên thiết tha mong muốn Chính phủ, các cấp, các ngành ở Hà Tĩnh tạo điều kiện giúp huyện xây dựng một cầu tàu để ngư dân chúng tôi ra vào đăng ký thuận lợi hơn, yên tâm bám trụ với nghiệp biển”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()