Sớm xây dựng bộ sách giáo khoa về an toàn giao thông
Tỷ lệ nói trên là một nỗi lo trách nhiệm, cần biến thành những việc làm cụ thể, thiết thực của mỗi gia đình, mỗi nhà trường cùng cộng đồng xã hội, để làm sao giảm TNGT đối với các em học sinh.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai dự án An toàn giao thông (ATGT) cho 343 trường trung học, ven bốn quốc lộ phía bắc (thuộc tổng dự án ATGT bốn quốc lộ: 3, 5, 10 và 18; dùng vốn vay ODA của cơ quan JICA Nhật Bản), nhằm mục đích góp phần làm giảm TNGT học sinh.
Cụ thể dự án ATGT tại 343 trường trung học nêu trên, đã biên soạn, phân phát tài liệu giáo án giáo dục ngoại khóa ATGT. Đồng thời cung cấp máy tính xách tay, đĩa DVD (giáo án điện tử), màn hình, máy chiếu, máy ảnh và giáo cụ trực quan về ATGT cho các giáo viên.
Từ ngày 20-3 đến ngày 9-4-2012, tại Hải Phòng, dự án đã tổ chức tám khóa tập huấn cho 808 giáo viên trở thành những giáo viên nòng cốt về giáo dục ATGT. Ngoài việc tập huấn tập trung, từ tháng 5 đến 10-2012, dự án đã cử chuyên gia tư vấn trực tiếp đến 27 trường trung học, để giám sát, hỗ trợ các trường tiến hành giáo dục ngoại khóa ATGT cho học sinh. Từ tháng 10-2012 đến khi kết thúc dự án (tháng 7-2013) còn có chuyên gia tư vấn theo dõi, đánh giá kết quả, hiệu quả của dự án này.
Tuy nhiên dự án mới chỉ giới hạn trong địa bàn bốn quốc lộ phía bắc.
Hiện nay, trong thời khóa biểu của học sinh trung học không có môn ATGT, mà mỗi bậc THCS (bốn năm) hay THPT (ba năm) chỉ có từ một đến hai tiết ATGT chính khóa, được lồng ghép, “tầm gửi” vào môn Giáo dục công dân. Và như vậy sách giáo khoa ATGT cho các em cũng chẳng có.
Để tiếp tục góp phần giảm TNGT học sinh, sau khi kết thúc dự án ATGT tại 343 trường trung học (trong điều kiện thời khóa biểu chưa thể cân đối bổ sung môn ATGT), theo đông đảo các bậc phụ huynh kiến nghị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo lập một kế hoạch soạn thảo, biên tập, xuất bản sách giáo khoa ATGT cho học sinh (trung học), để bán cung cấp đại trà cho tất cả các trường THCS, THPT trong phạm vi cả nước.
Cũng có thể đưa sách lên mạng in-tơ-nét (sách giáo khoa điện tử) và phải được các chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm thực tế về ATGT, có chuyên môn nghiệp vụ về tổ chức giao thông, am hiểu luật lệ giao thông, Điều lệ báo hiệu đường bộ Việt Nam… soạn thảo, tham gia biên tập sách. Tất nhiên, yêu cầu nội dung sách “đơn giản hóa những vấn đề phức tạp”. Tuyệt đối không “phức tạp hóa những vấn đề đơn giản”, không nhồi nhét kiến thức ATGT đối với học sinh.
Và sách giáo khoa ATGT cho các em học sinh sử dụng theo một cơ chế đổi mới hoàn toàn: Có thể dùng để học chính khóa hay học ngoại khóa (không máy móc chính khóa mới cần sách giáo khoa). Lúc đấy dĩ nhiên tài liệu giáo án giáo dục ngoại khóa ATGT của dự án nêu ở phần trên, nếu muốn nhân rộng sử dụng sẽ phải hiệu chỉnh, bổ sung, biên tập lại cho phù hợp. Riêng sách giáo khoa ATGT còn yêu cầu giúp cho học sinh tự học một cách thật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng thực hiện khi đi đường, nhằm bảo đảm trật tự ATGT.
Ý kiến ()