Sớm triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với việc thu, nộp phạt
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đốc thúc Bộ Công an, Cục Cảnh sát Giao thông triển khai dịch vụ thu tiền phạt trực tuyến sớm nhất có thể, tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm nộp phạt, lấy lại giấy tờ.
Sáng 10/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, cơ quan, đơn vị bàn về việc triển khai tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với ba dịch vụ của Bộ Công an gồm: thu tiền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; thu phí, lệ phí trước bạ đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân.
Cần tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm nộp tiền phạt, sớm lấy lại giấy tờ
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, từ ngày khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia (từ 9/12 đến nay), đã có 8,1 triệu lượt giao dịch, điều đó cho thấy người dân, doanh nghiệp rất hưởng ứng việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, hiện Cổng Dịch vụ công quốc gia mới chỉ có 8 dịch vụ, chưa đáp ứng mong muốn, yêu cầu của người dân. Kế hoạch của Chính phủ là trong quý 1/2020 đưa thêm lên Cổng khoảng 20 dịch vụ.
Với nhóm thủ tục, dịch vụ của Bộ Công an, Bộ trưởng nhận định hiện người dân rất bức xúc, phản ánh nhiều, nhất là về việc xác nhận số chứng minh thư nhân dân khi đã có căn cước công dân, thay đổi từ số cũ sang số mới gặp nhiều phiền phức, thủ tục chứng thực quá phức tạp, nhất là liên quan tới các giao dịch tại ngân hàng.
Từ ngày 1/1/2020, Nghị định 100/NĐ-CP có hiệu lực thi hành với chế tài xử phạt nặng vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông cũng khiến các phần việc, giao dịch gia tăng. Đây là việc không thể đừng khi tình trạng sử dụng rượu, bia bữa bãi, thiếu kiểm soát đang diễn ra phổ biến trên đường.
Bộ trưởng cho rằng vấn đề là lượng xử phạt gia tăng thì công việc, chi phí cũng gia tăng. Thủ tục phức tạp, người vi phạm có tiền cũng không dễ dàng nộp được; cần tính tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm nộp tiền phạt, sớm lấy lại giấy tờ. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đốc thúc phía Bộ Công an, Cục Cảnh sát Giao thông triển khai dịch vụ thu tiền phạt trực tuyến sớm nhất có thể.
Báo cáo về tình hình thực hiện tích hợp, cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến của ngành Công an trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ nghiên cứu, thực hiện phương án cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo phương án này, trước hết sẽ thực hiện áp dụng đối với xử phạt thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông. Nếu phương án này được thực thi, người bị xử phạt sẽ tiết kiệm được ít nhất 1,5 ngày làm việc để thực hiện các công đoạn từ nhận quyết định xử phạt, đi nộp phạt đến nhận giấy tờ, phương tiện.
Với khoảng 4 triệu trường hợp vi phạm, bị lập biên bản trong 1 năm, xã hội sẽ tiết kiệm khoảng 6 triệu ngày công và hơn 1.300 tỷ đồng/năm (tính theo thu nhập bình quân đầu người năm 2018 khoảng 220.000 đồng/ngày làm việc).
Với việc thu lệ phí trước bạ trực tuyến và áp dụng chứng từ điện tử trong nộp lệ phí trước bạ đăng ký xe ôtô, xe gắn máy, Cục trưởng Ngô Hải Phan thông tin hiện ngành thuế đã triển khai trực tuyến thủ tục này nhưng chưa áp dụng được do ngành công an chưa chấp nhận hóa đơn điện tử khi đăng ký xe.
Ngoài ra, việc thực hiện chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan Thuế và Công an chưa hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.
Ông Phan phân tích vướng mắc đó dẫn tới việc cá nhân, tổ chức rất mất thời gian, chi phí trong việc nộp lệ phí trước bạ. Theo số liệu thống kê, với khoảng 4,4 triệu ôtô, xe máy được đăng ký năm 2019, việc chuẩn bị hồ sơ, nộp lệ phí trước bạ theo hình thức trực tiếp mất khoảng 1 ngày làm việc, tương đương với 4,4 triệu ngày công và 968 tỷ đồng/năm.
Về việc cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân cho người đã được cấp căn cước công dân, ông Ngô Hải Phan cho hay có rất nhiều khó khăn, vướng mắc thời gian qua. Triển khai dịch vụ trực tuyến được coi là giải pháp tháo gỡ. Văn phòng Chính phủ đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ Công an triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tính chung, việc triển khai dịch vụ công theo hình thức trực tuyến sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân. Riêng việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với thu nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và thu lệ phí trước bạ đăng ký xe sẽ giúp tiết kiệm cho xã hội khoảng 10,4 triệu ngày công và hơn 2.268 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, Cục trưởng Ngô Hải Phan cho rằng việc triển khai các dịch vụ này còn chậm, nếu không có biện pháp cải thiện thì khó đảm bảo mục tiêu tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong quý 1/2020.
Một trong những nguyên nhân là do chưa tập trung nguồn lực, bố trí kinh phí thực hiện cũng như còn một số tâm lý e dè trong triển khai. Chủ trương quan trọng nhất hiện nay là phải tăng cường công khai minh bạch, giảm tham nhũng vặt. Theo đó, các cơ quan vấn quyết tâm triển khai việc này.
Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Công an bố trí kinh phí, tập trung nguồn lực để chủ trì xây dựng, tích hợp, cung cấp 3 thủ tục này trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Bộ Công an cũng cần sửa đổi nhanh Thông tư 15/2014/TT-BCA (quy định về đăng ký xe) để sử dụng chứng từ điện tử nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký xe; kết nối, chia sẻ dữ liệu với ngành thuế, đảm bảo việc thu nộp lệ phí trước bạ trực tuyến thực chất, hiệu quả.
Bộ Tài chính được đề nghị tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến khai, nộp lệ phí trước bạ đăng ký xe trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Chia sẻ dữ liệu về xử lý vi phạm và đăng ký xe
Đại tá Phùng Đức Thắng – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết khi cấp thẻ căn cước công dân, người dân đã được cấp kèm theo giấy xác nhận số chứng minh nhân dân nhưng không phải mỗi người chỉ có một số chứng minh nhân dân nên còn có những vướng mắc.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã chủ động bàn với Cục Kiểm soát thủ tục hành hành chính và đã xây dựng phương án tích hợp, cung cấp dịch vụ cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, song do hiện chưa có kinh phí để triển khai thực hiện nên không dám hứa có thể triển khai trong quý 1/2020.
Ông Thắng cam kết sẽ làm một cách nhanh nhất khi Bộ có chủ trương và quyết định cấp kinh phí.
Phó trưởng Phòng Tham mưu Cục Cảnh sát giao thông Vương Ngọc Bắc lý giải để có dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm và đăng ký xe là rất quan trọng và cần thiết.
Cục đã đầu tư trang bị hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm từ năm 2012 nhưng chưa trải rộng được trên toàn quốc, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Hiện mới triển khai tới 42 địa phương và chưa thực hiện tới Công an cấp huyện.
Nắm bắt tinh thần của Chính phủ, đầu năm 2019, Cục đã báo cáo Bộ đề xuất bổ sung kinh phí trang cấp cho 21 tỉnh còn lại. Đến cuối năm 2019, các thủ tục đấu thầu mới hoàn thành. Hiện tại, Cục đang tập trung sửa đổi phần mềm để đáp ứng yêu cầu của dịch vụ công.
Ông cũng cam kết sẽ đưa nhanh nhất thủ tục xử lý vi phạm hành chính lên Cổng Dịch vụ công và cho biết thêm đã làm việc với phía Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam về vấn đề kết nối, cơ bản đã có mô hình kết nối để đưa cơ sở dữ liệu lên Cổng Dịch vụ công.
Với dịch vụ thu nộp lệ phí trước bạ điện tử, từ năm 2018, Cục Cảnh sát Giao thông đã kết nối với Tổng cục Thuế. Đến nay, đường truyền kết nối vẫn bình thường, đã thí điểm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, song lưu lượng còn ít và do sửa đổi quy định trong Thông tư 15, chưa quy chuẩn hóa một số trường thông tin giữa Công an và Tổng cục Thuế, các ngân hàng… nên còn vướng mắc. Cục đang phối hợp với Tổng cục Thuế sửa phần mềm để đáp ứng yêu cầu.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết ông đã làm việc với Cục Cảnh sát giao thông 2 lần, dữ liệu Cục đã có, giờ chỉ còn bước kết nối chia sẻ. Nếu đầu tư bằng ngân sách với dự án là rất lâu do phải thực hiện theo Luật Đầu tư công.
Ông đề nghị Cục tiếp cận theo hướng nhà đầu tư viễn thông nâng cấp phần mềm và Cục thuê lại.
“Quan trọng nhất là Cảnh sát giao thông có muốn làm không… Cục có muốn chia sẻ không, hiện tư tưởng là không muốn chia sẻ,” Bộ trưởng nói./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()