Sớm phát huy công năng, hiệu quả của thiết bị ITS
Hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS) lần đầu được Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ứng dụng, trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ tháng 10-2013. Là công nghệ mới của thế giới, nhưng tại nước ta, ITS vẫn chỉ được coi là máy "trong nhà", chưa có hiệu quả ở "ngoài đường"; chưa có ban, ngành nào kiểm định, bổ sung để trở thành cơ sở dữ liệu phục vụ việc xử phạt và điều tra về trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS) lần đầu được Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ứng dụng, trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình từ tháng 10-2013. Là công nghệ mới của thế giới, nhưng tại nước ta, ITS vẫn chỉ được coi là máy “trong nhà”, chưa có hiệu quả ở “ngoài đường”; chưa có ban, ngành nào kiểm định, bổ sung để trở thành cơ sở dữ liệu phục vụ việc xử phạt và điều tra về trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Hiện đại và hiệu quả
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), việc đưa hệ thống ITS vào sử dụng trên đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình là nỗ lực lớn nhằm quản lý, giám sát các phương tiện tham gia lưu thông một cách hiệu quả, giảm tai nạn giao thông (TNGT), tránh ùn tắc, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài sản đường cao tốc cũng như tăng hiệu quả vận chuyển và tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông trên toàn tuyến. Cầu Giẽ – Ninh Bình là đường cao tốc đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ tiên tiến về thông tin, điện tử và tự động hóa. Với hệ thống thông tin, thu phí, giám sát điều khiển giao thông hiện đại dựa trên những phần mềm tiên tiến, phương tiện lưu thông trên toàn tuyến sẽ được giám sát, quản lý 24/24 giờ thông qua các màn hình lớn, các máy vi tính đặt tại trung tâm điều hành tại xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam).
Trên tuyến, VEC lắp đặt hàng trăm ca-mê-ra và thông qua hệ thống này, đã phát hiện các trường hợp trộm cắp, vi phạm an toàn giao thông (dừng đỗ trái phép, đi vào làn đường khẩn cấp,…), thậm chí cả những hư hỏng kỹ thuật trên đường cao tốc. Hệ thống đã thống kê, kiểm đếm được các vụ TNGT; quản lý về thời gian các phương tiện vào – ra khỏi đường cao tốc, từ đó đưa ra được những nhận định khách quan và phương án xử lý trong trường hợp có sự cố trên đường cao tốc. Ðồng thời, ITS cũng giúp tổng hợp lại hình ảnh các sự vụ, phục vụ công tác phối hợp Cảnh sát giao thông (CSGT), chính quyền địa phương xử lý các phương tiện vi phạm giao thông, tìm kiếm phương tiện gây tai nạn trên đường cao tốc cố tình bỏ trốn. Từ thông tin của hệ thống ITS, Công ty khai thác và bảo trì đã thông báo cho lực lượng cứu hộ giao thông hỗ trợ 500 xe hư hỏng, thủng săm trên tuyến; phát hiện 2.000 trường hợp xe dừng đỗ, đón – trả khách sai quy định; thông báo cho lực lượng Cục CSGT (C67) phối hợp xử lý hơn 900 trường hợp, trong đó C67 đã xử lý hơn 700 trường hợp.
Vì sao ITS vẫn chỉ là “máy trong nhà”?
Tuy hiện đại và tiện lợi, nhưng hiện nay, các số liệu đo của hệ thống ITS trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình chỉ để… tham khảo hoặc phục vụ việc giám sát, cứu hộ của công ty. Một chuyên gia nói vui: Ðây mới chỉ là “máy trong nhà” do… chưa được kiểm định. Vì thế, lực lượng CSGT không thể sử dụng những kết quả này làm căn cứ xử phạt và điều tra những vi phạm lớn về trật tự ATGT. Thậm chí, thời gian gần đây, có người còn cho rằng, thiết bị ITS của công ty vận hành và bảo trì đường cao tốc không thể đo tốc độ của những xe ô-tô lưu thông vượt quá 120 km/giờ. Tuy nhiên, Giám đốc công ty Bùi Ðình Tuấn khẳng định: Thông tin nêu trên hoàn toàn không chính xác. Thiết bị của chúng tôi đủ khả năng đo được phương tiện lưu thông với tốc độ cao, nhưng do đang trong thời gian thử nghiệm nên kết quả đo chưa được cơ quan chức năng sử dụng cho các mục đích xử phạt, điều tra.
Ðây là một nghịch lý, trong khi thiết bị và nhân lực của CSGT trên tuyến đường đang rất thiếu, nhưng vẫn không thể sử dụng kết quả của hệ thống hiện đại vào việc giám sát, bảo đảm ATGT. Ðội trưởng Vận hành (Công ty Vận hành và bảo trì đường cao tốc) Mai Ðức Thành cho biết: Bản thân VEC và C67 không ít lần kiến nghị kiểm định thiết bị giám sát trên đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, từ đó có thể bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh để phù hợp tiêu chuẩn thiết bị của ngành công an, làm căn cứ hợp pháp phục vụ công tác theo dõi, xử phạt của cảnh sát giao thông trên tuyến đường này. Tuy nhiên, đến nay chưa có hồi âm. Còn Trung tá Trần Minh Thu (thuộc C67) cho biết: Lực lượng CSGT trên tuyến đường này vốn đã mỏng, nay phải rút một nửa sang “trực chiến” trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai vừa được thông xe, lại càng mỏng hơn. Thiết bị cũng thiếu thốn, cả tuyến đường chỉ có một máy đo tốc độ, cho nên trong cùng thời điểm chỉ “bắn” được một chỗ với khoảng cách nhất định. Trên đường cao tốc, quy định về khoảng cách an toàn giữa các xe rất quan trọng. Nhưng, khi hệ thống biển báo khoảng cách đã đầy đủ, thì CSGT lại chưa có thiết bị nào để đo khoảng cách giữa các xe, cho nên không có căn cứ nào để xử phạt lỗi này. Riêng lỗi dừng, đỗ xe trên đường, CSGT có thể theo dõi qua hệ thống ca-mê-ra của VEC và đến tận nơi xe vi phạm dừng đỗ. Tuy nhiên, việc xử phạt rất khó khăn.
Ðể tăng cường hiệu quả giám sát, xử lý vi phạm trên đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, các bộ, ngành liên quan, như Khoa học và Công nghệ, Công an, GTVT cần sớm phối hợp, tổ chức kiểm định, bổ sung chất lượng và tiêu chuẩn của hệ thống thiết bị ITS, nhằm phát huy công năng và hiệu quả cao nhất của thiết bị. Ðiều này tạo ra sự thống nhất giữa đơn vị khai thác tuyến đường và CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến đường, đồng thời tận dụng hệ thống thiết bị có công nghệ hiện đại, không để lọt vi phạm và không xử phạt nhầm. Ðây cũng là cơ sở thuận lợi để áp dụng hệ thống ITS ở đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai một cách hiệu quả.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()