Sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về phòng, chống mại dâm
Ngày 22/8, tại Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Trưởng đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy và phòng, chống mại dâm” đã có cuộc làm việc với Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Ảnh: VGP
Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Y tế cho biết, sau khi Luật Phòng, chống ma túy được ban hành năm 2021, Bộ đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2021/NĐ-CP ngày 8/1/2021 quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng này.
Về công tác nghiên cứu các bài thuốc, phác đồ điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy, nhiều địa phương hiện đang triển khai áp dụng phác đồ an thần kinh (dùng thuốc) và phương pháp châm cứu (không dùng thuốc) để thực hiện cắt cơn nghiện ma túy cho hàng nghìn người nghiện và điều trị có hiệu quả hội chứng cai. Đối với các loại ma túy tổng hợp, hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam chưa có liệu pháp điều trị bằng thuốc có hiệu quả mà chủ yếu sử dụng các can thiệp tâm lý hành vi cho người lạm dụng các loại ma túy này.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 12/2022, cả nước có 50.962 người sử dụng trái phép chất ma túy, tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 196.110 người (khoảng 96% là nam giới, 4% là nữ giới). Tỉ lệ sử dụng ma túy tổng hợp khoảng 70 – 80% trong số người nghiện, đặc biệt tại miền Trung và miền Nam chiếm 80-95% trong tổng số người nghiện.
Cả nước hiện có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Năm 2022, đã tổ chức cai nghiện cho 63.253 người; dạy nghề, truyền nghề cho 7.023 người; dạy văn hóa cho 1.221 người. Tại thời điểm 31/12/2022 đang tổ chức cai nghiện cho 29.367 người; trong đó, bắt buộc là 23.185 người, tự nguyện là 3.603 người, lưu trú tạm thời là 2.579 người.
Về công tác phòng, chống mại dâm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hàng năm nghiên cứu, xây dựng, triển khai kế hoạch liên ngành về phòng, chống mại dâm; hướng dẫn, giao các địa phương thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể; tổ chức các đoàn công tác do lãnh đạo cấp Bộ và thủ trưởng các cơ quan chuyên trách làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành, đầu tư kinh phí và giám sát việc thực hiện phòng, chống mại dâm ở hầu hết các tỉnh, thành phố.
Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát cơ bản đánh giá cao sự chuẩn bị trách nhiệm, đầy đủ các báo cáo của hai cơ quan. Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, sự quan tâm, chỉ đạo trong công tác phòng, chống ma túy và mại dâm của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy. Kinh phí dành cho hoạt động này còn thấp; đội ngũ cán bộ phòng, chống tệ nạn xã hội chưa đáp ứng so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra…
Đoàn giám sát đề nghị, các bộ, ngành cần quan tâm, nghiên cứu phương pháp thống kê, theo dõi người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện ma túy phù hợp và sát với thực tế, thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về phòng, chống mại dâm, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về công tác này.
Kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện đối với công tác cai nghiện ma túy và phòng, chống mại dâm. Các báo cáo và ý kiến trả lời của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành bám sát yêu cầu giám sát, nội dung rõ ràng, sát với các câu hỏi của Đoàn giám sát đặt ra. Các ý kiến tại cuộc họp sẽ được ghi chép, tổng hợp đầy đủ để tiếp thu, hoàn thiện báo cáo chung của Đoàn giám sát.
Ý kiến ()